Điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm chuẩn đại học năm 2025 theo dự đoán sẽ khó lường
Dự đoán điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm chuẩn đại học năm 2025, thầy Nguyễn Trung Nguyên cho biết, sau khi Bộ GDĐT công bố đáp án chính thức của các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025, học sinh đã biết được (hoặc ước tính) điểm số của mình.
"Nếu như bình thường ở các kỳ thi trước, các em có thể dựa vào điểm chuẩn của các năm, cộng với tình hình kết quả thi của năm đó để dự đoán điểm chuẩn của các trường đại học mà các em mong muốn đăng ký học. Tuy nhiên, trong năm nay các trường đại học đưa ra các phương thức xét tuyển khác nhau và không phần chia chỉ tiêu cho từng phương thức và không xét trúng tuyển sớm, điều này làm cho việc dự đoán điểm chuẩn trở nên vô cùng khó khăn.
Đầu tiên, nhiều trường cho phép xét điểm chuẩn của các khối thi như nhau. Ví dụ, ngành A lấy điểm của khối A00, A02, và D01. Trong khi đó, điểm tiếng Anh và điểm Văn được dự đoán sẽ thấp hơn điểm Lý và Hoá. Vì thế, không thể dự đoán điểm chuẩn của ngành A này.
Dự đoán điểm chuẩn năm 2025 sẽ giảm khoảng 1 - 2 điểm so với các năm trước (Ảnh minh họa).
Thứ hai, phương thức quy đổi điểm IELTS sang điểm xét tuyển trong năm nay bị chỉ trích thiếu công bằng. Nhiều trường đại học cho phép quy đổi từ 5.5-6.0-6.5 tương đương với 10 điểm tiếng Anh, nhưng nếu với trình độ 5.5-6.5 thi môn tiếng Anh của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay khó đạt điểm 8. Do không biết được số lượng thí sinh áp dụng phương thức xét tuyển này nên cũng khó có thể dự đoán điểm chuẩn các khối có tổ hợp Toán và Tiếng Anh.
Một số trường đại học, còn có điểm cộng với điểm thi IELTS. Ví dụ, Đại học Thương mại có cộng 2.5 điểm thưởng cho thí sinh được 6.5 IELTS. Tức là, với 6.5 IELTS có thể quy đổi thành 12.5 điểm thi tiếng Anh. Ngoài ra, các phương thức xét tuyển khác cũng được sử dụng rất phổ biến như sử dụng điểm thi của HSA, TSA và V-ACT.
Vì vậy, việc dự đoán điểm chuẩn trúng tuyển vào các trường đại học năm nay không đơn giản như các năm trước. Tuy nhiên, dựa theo độ khó của bài thi môn Toán, môn Văn và môn tiếng Anh, chúng ta có thể đoán được điểm chuẩn sẽ giảm khoảng 1 - 2 điểm so với các năm trước", thầy Nguyên chia sẻ.
Thí sinh cần lựa chọn nguyện vọng đúng đắn
Theo thầy Nguyên, mặc dù dự đoán điểm chuẩn đại học 2025 khó nhưng thời điểm này, hầu hết các em học sinh đều đã có những chuẩn bị và chiến lược rõ ràng cho việc lựa chọn trường. Các trường cũng đã dừng nhận đăng ký xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế (từ ngày 30/6), vì thế có nhiều học sinh không có chứng chỉ quốc tế phải xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp, điều này có nghĩa là cơ hội chỉ sử dụng điểm thi tốt nghiệp vẫn còn rộng mở.
Hãy đặt nguyện vọng từ cao đến thấp để có thể có được cơ hội nhiều nhất vào các trường đại học. Lưu ý, chọn ngành cũng quan trọng không kém việc chọn trường. Nếu vào trường top nhưng không được học ngành mình có thế mạnh thì hãy chọn một trường không phải top nhưng được đào tạo đúng ngành của mình mong muốn.
(Ảnh minh họa)
Ths Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Truyền thông, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM cho hay: "Thí sinh lo lắng nhiều cho các tổ hợp môn xét tuyển có tiếng Anh, Toán cũng là điều dễ hiểu. Theo đánh giá chung của chuyên gia, đề Toán, tiếng Anh năm nay khó, khả năng dự đoán điểm chuẩn cũng có khả năng giảm nên các bạn cũng cần bình tĩnh để theo dõi kết quả thi của mình. Song song đó, các em cũng cần xem xét thêm việc đăng ký các phương thức xét tuyển dự phòng như xét học bạ, xét tuyển theo phương thức riêng các trường, đồng thời tìm hiểu điểm chuẩn của ngành học mà bản thân yêu thích. Căn cứ vào đó mà chọn nguyện vọng phù hợp, vừa sức, tối ưu trúng tuyển vào ngành học mình mong muốn. Năm nay, điểm chuẩn quy đổi về cùng thang điểm ở tất cả các phương thức mà các trường áp dụng nên tính cạnh tranh cũng sẽ không chênh như các năm".
ThS Đỗ Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Mở Hà Nội tư vấn: "Chúng tôi hoàn toàn thấu hiểu và đã lường trước những áp lực tâm lý mà thí sinh phải đối diện sau kỳ thi, nhất là khi đề thi có tính phân hóa cao. Với vai trò là một cơ sở giáo dục đại học có đông đảo thí sinh quan tâm và lựa chọn, Trường Đại học Mở Hà Nội đã chủ động triển khai các hoạt động truyền thông, tư vấn tâm lý và hướng nghiệp kịp thời. Ngay sau khi kỳ thi kết thúc, Nhà trường đã đẩy mạnh nội dung “giải tỏa áp lực, tiếp sức tinh thần” trên các nền tảng số của Trường như cổng tư vấn tuyển sinh, fanpage, các group tư vấn tuyển sinh. Chúng tôi muốn các em hiểu rằng: điểm số không phải là tất cả, và vẫn còn nhiều cơ hội phía trước nếu lựa chọn đúng đắn, phù hợp với năng lực và đam mê".
A.Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)