Dự án này, với quy mô gần gấp đôi Công viên Thống Nhất, được xem là điểm nhấn quan trọng trong quy hoạch phát triển đô thị phía Tây Nam Hà Nội, song những tiến triển thực tế lại vô cùng chậm chạp, khiến người dân không khỏi thất vọng.
Dự án Công viên văn hóa, vui chơi giải trí và thể thao Hà Đông triển khai từ cuối năm 2024 đến năm 2027
Theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được UBND TP. Hà Nội phê duyệt vào tháng 11/2023, Công viên Hà Đông tọa lạc trên địa bàn hai phường Hà Cầu và Kiến Hưng, quận Hà Đông, với tổng diện tích gần 100ha, trong đó hơn 924.000m2 là đất xây dựng công viên. Với quy mô này, công viên Hà Đông chỉ đứng sau Công viên Yên Sở về diện tích, hứa hẹn mang đến một không gian xanh rộng lớn, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí và rèn luyện sức khỏe của người dân khu vực.
Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án lên tới hơn 1.250 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng chiếm khoảng 650 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ được triển khai từ cuối năm 2024 đến năm 2027.
Tuy nhiên, lịch sử phát triển của dự án lại đầy trắc trở. Được phê duyệt lần đầu vào năm 1998 bởi UBND tỉnh Hà Tây (cũ), dự án gần như "đứng im" trong suốt hơn 15 năm. Phải đến năm 2023, khi Hà Nội công bố quy hoạch chi tiết 1/500, những kỳ vọng về sự hồi sinh của dự án mới được nhen nhóm trở lại.
Thực tế trên công trường lại khác xa so với những kỳ vọng. Theo ghi nhận vào cuối tháng 3/2025, khu vực triển khai dự án vẫn là một bãi đất ngổn ngang, bị quây kín bởi hàng rào tôn. Nhiều khu vực trở thành nơi tập kết rác thải, vật liệu xây dựng, gây mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường. Trước đây, một số doanh nghiệp từng thuê mặt bằng để mở sân bóng, nhà hàng, khu dịch vụ, tuy nhiên, sau khi dư luận lên tiếng, quận Hà Đông đã yêu cầu các đơn vị này di dời, nhưng cảnh quan bên trong vẫn chưa được cải thiện đáng kể.
Một trong những rào cản lớn nhất của dự án, được chủ đầu tư nêu rõ trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, là việc chuyển đổi hơn 302.200m2 đất lúa từ hai vụ trở lên sang đất phi nông nghiệp. Trong đó, 63.346m2 thuộc phường Hà Cầu và hơn 238.800m2 thuộc phường Kiến Hưng. Đây là vấn đề nhạy cảm về môi trường và pháp lý, đòi hỏi sự chấp thuận và phối hợp chặt chẽ từ nhiều cơ quan chức năng.
Theo thiết kế, Công viên Hà Đông sẽ có hồ điều hòa và đảo với diện tích mặt nước lên tới hơn 35ha; kèm theo 19 khu vực chức năng phục vụ văn hóa, thể thao và giải trí như: quảng trường nhạc nước, khu dã ngoại, nhà hàng ẩm thực, chòi ngắm cảnh, khu lễ hội, khu đánh cờ, sân chơi, vườn cây, đường dạo…
(Ảnh minh hoạ)
Toàn bộ cảnh quan được quy hoạch theo ba khu A, B, C với các hạng mục được thiết kế hài hòa giữa cây xanh, tiểu cảnh và không gian sinh hoạt công cộng. Những hạng mục chưa cần thiết ở giai đoạn hiện tại sẽ được trồng cỏ để tạo cảnh quan và chờ nguồn vốn xã hội hóa trong tương lai.
Dự án cũng được kỳ vọng góp phần tạo lập trục không gian kiến trúc cảnh quan cho khu vực phía Tây thành phố, kết nối với các tuyến đường lớn như Vành đai 3,5, đường Phúc La, Văn Phú và các khu đô thị mới như Văn Phú, Phú Lương, Kiến Hưng.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)