Theo thông tin, ngày 6/7, ông Nguyễn Đình Xuân - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tây Ninh xác nhận UBND tỉnh điều chỉnh và phê duyệt chủ trương đầu tư đối với một số dự án nông nghiệp trọng điểm.
Trong đó, tỉnh đã chấp thuận cho Công ty TNHH Chế biến thực phẩm BAF Tây Ninh đầu tư nhà máy giết mổ và chế biến thực phẩm từ thịt heo trên diện tích 25 ha. Đồng thời, hai trang trại chăn nuôi heo cao tầng ứng dụng công nghệ lọc khí khử mùi, mỗi dự án rộng 65 ha, cũng được giao cho Công ty TNHH Chăn nuôi Công nghệ cao BAF Tây Ninh 1 và BAF Tây Ninh 2, đều là công ty con của CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HoSE: BAF) thực hiện.
Dự án nuôi heo nhiều tầng của BAF (Ảnh minh hoạ)
Theo ông Xuân, chủ đầu tư đã cam kết thực hiện dự án đúng tiến độ. “Nếu trong thời gian quy định, chủ đầu tư không thực hiện đúng như cam kết thì buộc phải thu hồi dự án”, ông Xuân nói.
Trước đó, BAF đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đề xuất triển khai tổ hợp trại heo 6 tầng thông minh tại Tây Ninh. Tổ hợp này dự kiến nuôi 64.000 heo nái sinh sản, sản xuất 1,6 triệu heo thương phẩm mỗi năm.
Đáng chú ý, BAF hợp tác cùng Tập đoàn Muyuan, doanh nghiệp chăn nuôi heo lớn nhất Trung Quốc để phát triển mô hình cao tầng này. Đây có thể trở thành mô hình chăn nuôi heo cao tầng đầu tiên tại Việt Nam.
Theo ông Gao Tong (Cao Đồng), CFO của Muyuan, mô hình trại cao tầng đã được triển khai tại Trung Quốc với mỗi tầng đảm nhiệm một giai đoạn chăn nuôi khác nhau: tầng 5 và 6 dành cho heo nái, tầng 3 và 4 nuôi heo con, còn tầng 1 và 2 để nuôi heo thịt. Muyuan cam kết hỗ trợ BAF mở rộng quy mô lên 450.000 heo nái và 10 triệu heo thịt vào năm 2030.
(Ảnh minh hoạ)
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng Giám đốc BAF cho biết, chi phí xây dựng trại cao tầng cao hơn 45% - 50% so với mô hình truyền thống. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng đất và chi phí vận hành lại vượt trội.
Ví dụ, một trại nuôi 2,1 triệu con heo tại Trung Quốc chỉ cần 85 ha, trong khi phương pháp cũ đòi hỏi tới 450 ha. Một trại khác có quy mô 4.000 heo nái và 100.000 heo thịt/năm chỉ sử dụng 6,7 ha, so với gần 60 ha nếu áp dụng mô hình truyền thống.
Ngoài lợi ích về diện tích, mô hình này còn giảm 20% - 30% chi phí nhân công, nhờ ứng dụng công nghệ tự động hóa toàn diện. Đồng thời, chi phí logistics và thời gian vận hành cũng được tối ưu đáng kể.
Ông Minh cũng tiết lộ, bên cạnh dự án tại Tây Ninh, BAF hiện đang khảo sát thêm các khu vực khác tại miền Nam và Tây Nguyên để triển khai mô hình trại heo cao tầng. Ngoài ra, công ty cũng có kế hoạch đầu tư các trại cao tầng ở miền Bắc - nơi quỹ đất nhỏ hơn, phù hợp với mô hình “chung cư nuôi heo”.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)