Một thanh niên sống tại Tứ Xuyên, Trung Quốc trong lúc thu dọn đồ đạc của ông nội đã mất để chuyển nhà thì vô tình phát hiện một chiếc thớt cũ. Chiếc thớt này dày, cầm khá nặng tay và trông chẳng khác gì một chiếc thớt bình thường.
Theo chàng thanh niên chia sẻ, khi còn rất nhỏ, anh đã nghe ông nội kể rằng chiếc thớt cũ này được truyền qua nhiều đời và trong quá trình sử dụng, chiếc thớt chưa bao giờ bị hư hỏng. Sau khi ông nội qua đời, chiếc thớt không còn được sử dụng đã được cất giữ trong góc bếp nhiều năm. Vì dáng vẻ bên ngoài không có điểm nào đặc biệt, nên ban đầu gia đình không quá chú ý đến sự hiện diện của chiếc thớt cũ này. Thời gian trôi qua, cho đến khi có dịp thu dọn đồ đạc của ông nội để chuyển nhà, anh chàng mới phát hiện ra chiếc thớt này. Đặc biệt, món đồ này có cất giữ bao nhiêu năm nhưng vẫn không bị mục nát hay một chút nấm mốc nào.
Không những thế, thớt còn có mùi thơm thoang thoảng rất dễ chịu, nếu sử dụng sẽ có mùi thơm thanh nhã tỏa ra từ những vân gỗ trên thớt. Anh chàng ngửi thấy mùi hương rất lạ nên tìm tới các chuyên gia thẩm định giúp mình loại thớt này là gỗ gì. Kết quả, các chuyên gia nhận định rằng chiếc thớt này đã có lịch sử hàng trăm năm và nó được làm từ gỗ kim tơ nam mộc vô cùng quý giá. Nếu đem đi bán sẽ có giá gấp hàng vạn lần các chiếc thớt đắt tiền khác trên thị trường, chàng trai trẻ chắc chắn sẽ trở nên giàu có chỉ sau một đêm.
Kim tơ nam mộc (hay còn gọi là nam mộc tơ vàng) là một loại gỗ quý chỉ có ở Trung Quốc, được trồng chủ yếu ở Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu. Đay là loại gỗ quý hiếm có hương thơm thanh nhã. Vân gỗ dày, mịn, tựa như sợi tơ màu vàng và không dễ biến dạng cho dù có ngâm lâu dưới nước, khi vân gỗ được chiếu dưới ánh nắng sẽ hiện lên như những sợi tơ vàng óng ánh. Kim tơ nam mộc được dùng phổ biến làm đồ nội thất trang trí trong các cung điện xưa, và chỉ có hoàng đế hay những bậc dòng dõi hoàng tộc mới có thể sở hữu những sản phẩm từ kim tơ nam mộc. Ngày nay, số lượng loại gỗ quý này không còn nhiều nên giá thành rất đắt đỏ.
Sau khi biết giá trị của chiếc thớt, chàng trai cho biết anh không có ý định bán đi bởi đây này là báu vật do tổ tiên để lại. Theo chàng trai này, trong tương lai anh cũng muốn truyền lại chiếc thớt quý giá cho con mình. Bởi dù sao đây không chỉ là "bảo vật" quý mà còn là một giá trị văn hóa truyền thống đặc biệt của gia đình anh.
Hoàng Anh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)