Theo đó, Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến cho dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5 tới. Một trong những nội dung đáng chú ý là vấn đề tuổi hưu.
Bộ Nội vụ cho rằng nhiều quốc gia cho phép nghỉ hưu sớm hoặc kéo dài tuổi nghỉ hưu tùy vào tính chất công việc.
Tham khảo tại Trung Quốc cho thấy, công chức đến tuổi nghỉ hưu hoặc bị mất hoàn toàn khả năng lao động thì nghỉ hưu. Công chức thuộc một trong các trường hợp sau đây và tự nguyện xin nghỉ hưu nếu được cơ quan quản lý chấp thuận thì được nghỉ hưu trước tuổi: Đã làm việc được 30 năm; Cách tuổi nghỉ hưu do Nhà nước quy định dưới 5 năm và đã làm việc đủ 20 năm; Các trường hợp khác được nghỉ hưu sớm theo quy định của pháp luật.
Tại Australia, nhân viên đến độ tuổi nghỉ hưu tối thiểu có quyền nghỉ hưu bất cứ lúc nào bằng cách thông báo bằng văn bản cho giám đốc cơ quan. Tuổi nghỉ hưu tối thiểu là 55 tuổi hoặc cao hơn, hoặc thấp hơn theo quy định và có quyền nghỉ hưu sớm.
(Ảnh minh hoạ).
Tại Nhật Bản, công chức hành chính nghỉ hưu ở tuổi 60, nhưng bác sĩ có thể làm đến 65 tuổi; tại Pháp tuổi nghỉ hưu là 67 nhưng có thể kéo dài đến 75 tuổi trong một số trường hợp…
Từ kinh nghiệm của các nước, Bộ Nội vụ thấy rằng Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trong việc quy định về nghỉ hưu trước tuổi. Đối với một số lĩnh vực yêu cầu kỹ thuật cao, chuyên gia, cố vấn có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu đến 70 tuổi.
Theo Bộ luật Lao động 2019, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
H.Anh (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)