Hồng hạc là tên chỉ các loài chim lội nước thuộc họ Phoenicopteridae, bộ Phoenicopteriformes. Chúng sống ở cả Tây bán cầu và Đông bán cầu, nhưng sống ở Tây bán cầu nhiều hơn. Có 4 loài sống ở châu Mỹ và 2 loài sống ở Cựu Thế giới.
Sẽ rất dễ dàng nhận ra loài Chim hồng hạc (Phoenicopterus) này vì cổ và chân của chúng khá dài, cộng thêm cái mỏ uốn ngược xuống phía dưới theo hình dạng rất đặc biệt. Chúng có bộ lông màu hồng trắng nhạt, lông cánh màu đen nhưng màu đen này chỉ thấy khi chúng bay, đôi chân màu hồng, mắt màu vàng, mỏ từ màu trắng chuyển sang hồng và đầu mỏ là màu đen. Chúng có tốc độ bay khoảng 60km/h, loài hồng hạc lớn có chiều cao từ 1,1 - 1,5m và nặng khoảng từ 2 đến 4 kg. Kích thước cơ thể lớn cho phép chúng lội vào các vùng nước sâu hơn các loài chim hồng hạc khác, đôi khi chúng cũng bơi. Môi trường sống chủ yếu của chúng là các vùng nước nông tương đối, bao gồm các đầm nước mặn, cửa sông, các hồ nước có độ muối cao hoặc kiềm như hồ Natron tanzania, thực tế thì loài hồng hạc ít khi sinh sống tại các vùng nước ngọt. Khi kiếm ăn đầu và phần cổ thường ở dưới nước trong khi chân đi bộ đều đặn và khuấy cả bùn lên. Thức ăn của chúng là các loài giáp xác nhỏ, nhuyễn thể, sâu, côn trùng, cua, cá nhỏ, các loài thực vật khác cũng được hồng hạc ăn, bao gồm các hạt và chồi, lá phân huỷ và tảo. Cũng chính tảo và các loài giáp xác giúp cho lông của hồng hạc có màu như vậy. Loài hồng hạc thường có thói quen đứng bằng một chân, trong khi chân kia được co lên và giấu trong đám lông, hành vi này cho đến nay vẫn chưa có lời giải hợp lý, nhưng một số giả thuyết đưa ra cho rằng việc đứng bằng một chân giúp chúng cân bằng nhiệt độ cơ thể tốt hơn, vì loài chim này dành một phần lớn thời gian để lội trong nước lạnh. Thế nhưng cho dù hồng hạc có lội trong môi trường nước ấm thì hành vi co chân lên vẫn diễn ra. Hồng hạc là loài chim có tính xã hội cao, chúng sinh sống thàng từng đàn lớn và có số lượng thành viên lên đến hàng ngàn. Thậm chí có những đàn lên đến 200.000 cặp. Những quần thể lớn này được cho là để phát huy tốt 3 vần đề sau. Một là để phòng tránh các loài săn mồi, hai là tối đa hoá lượng thức ăn, ba là khuyến khích chim làm tổ đồng bộ trong mùa sinh sản. Sinh sản Mùa sinh sản cả chim trống và mái sẽ cùng thực hiện các màn trình diễn đồng bộ, các thành viên của một nhóm đứng cùng nhau rồi ngước cổ lên phía trên và phát ra các cuộc gọi trong khi đầu thì lắc từ bên này sang bên kia, cả nhóm cùng nhau đi đồng bộ từ bên này sang bên kia. Màn trình diễn này dường như không hướng tới một cá nhân nào, mà thay vào đó là sự xuất hiện ngẫu nhiên, màn trình diễn này đã kích thích làm tổ đồng bộ và ghép đôi với những con chim chưa có bạn tình. Hồng hạc thường chung tình với cặp đôi của mình, nhưng ở những quần thể lớn hơn, đôi khi chúng cũng thay đổi bạn tình, có lẽ vì có nhiều bạn tình hơn để lựa chọn. Các cặp sẽ thiết lập và bảo vệ lãnh thổ nơi chúng làm tổ. Các chim mái thường sẽ lựa chọn nơi làm tổ ở các bãi bồi phù hợp. Tổ là một ụ đất cao được tạo thành từ bùn, với một khu vực lõm xuống ở phía trên và là nơi để đẻ trứng, Chim mẹ đẻ một quả trứng duy nhất, và được ấp trong khoảng thời gian từ 27 đến 31 ngày. Sau khi nở hồng hạc con có bộ lông màu trắng, màu lông này sẽ thay đổi theo khẩu phần ăn của chúng sau này, có thể là hồng nhạc, hồng cam hay đỏ thẫm. Chim non được cả chim bố mẹ chăm sóc, và cho ăn bằng một loại sữa đặc biệt rất giàu protein và chất béo được tiết ra từ đường ruột của chim bố mẹ. Hồng hạc con sẽ bắt đầu di chuyển ra khỏi khu vực tổ vào khoảng từ 7 đến 12 ngày tuổi và bắt đầu khám phá môi trường xung quanh. Khi được 2 tuần tuổi các chim non tụ tập thành nhóm, và nhóm này cứ thế phát triển lên đến hàng ngàn con, điều này rất nguy hiểm trước kẻ thù. Đáng ngạc nhiên là chim bố mẹ có thể tìm ra vị trí của con mình trong bầy hàng ngàn con non như thế bằng các cuộc gọi của riêng mình. Các chim non này sẽ trưởng thành về giới tính trước 3 tuổi. Nhưng hầu hết chúng sẽ không sinh sản ở độ tuổi này mà phải mất 2 hay nhiều năm sau. Trong tự nhiên hồng hạc có thể sống lên đến 40 năm. |
Hồ Yên (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)