Phát biểu tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 24/2, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, tới nay, WHO vẫn chưa coi sự bùng phát dịch Covid-19, khiến hơn 2.600 người tử vong, là một đại dịch, song các quốc gia cần "nỗ lực hết mình để chuẩn bị cho nguy cơ xảy ra một đại dịch" mà không nên "sợ hãi". Theo WHO, dịch bệnh vẫn chưa vượt quá tầm kiểm soát trên toàn cầu hay gây ra số ca tử vong lớn, hiện còn "quá sớm" để nói về một đại dịch.
Ông Tedros lưu ý, WHO đã tuyên bố đợt bùng phát virus Corona là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu từ cuối tháng 1, khi số ca nhiễm tăng đột biến ở Trung Quốc. Lãnh đạo WHO cho rằng vẫn có cơ hội để thế giới tránh được viễn cảnh đại dịch vì "virus chưa lây lan không thể khống chế toàn cầu" và không có tình trạng "ca bệnh nặng hoặc tử vong quy mô lớn".
Sáng 25/2, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết, tính đến ngày 24/2, đã đã có 508 trường hợp mới được xác nhận nhiễm Covid-19 và 71 trường hợp tử vong mới . Tại Hồ Bắc, tâm của dịch bệnh có tới 499 trường hợp nhiễm mới và thêm 68 trường hợp tử vong. Như vậy, tới nay Trung Quốc có 77.658 ca nhiễm virus Corona và 2.663 trường hợp tử vong.
Toàn thế giới hiện ghi nhận 80.808 ca nhiễm, 2.699 ca tử vong và 27.571 người được chữa khỏi.
Hong Kong (Trung Quốc) báo thêm 2 trường hợp nhiễm mới từ tàu du lịch Diamond Princess, nâng tổng số ca nhiễm ở đặc khu này lên 81 người, theo Cơ quan Y tế Hong Kong. Trong khi đó, tại Đài Loan, giới chức xác nhận thêm hai ca nhiễm virus corona, nâng tổng số người mắc lên 30 ca.
Iran và Hàn Quốc là hai quốc gia có số người tử vong vì corona cao nhất bên ngoài Trung Quốc với lần lượt 12 và 8 trường hợp. Số ca nhiễm COVID-19 ở Hàn Quốc hiện là 833 người, còn Iran là 47 trường hợp.
Đã có thêm 10 người dương tính với virus Corona chủng mới đã được ghi nhận tại Ý trong ngày 24/2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên con số 229, biến Ý trở thành nước có người nhiễm Covid-19 nhiều nhất châu Âu.
Đức Hoà (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)