Tại Việt Nam, theo Bộ Y tế, tính đến hiện tại cả nước đã ghi nhận 204 ca dương tính với Covid-19, trong đó đã có 55 bệnh nhân được chữa khỏi. Ngoài ra, hiện có 3.215 trường hợp nghi nhiễm bệnh đang được cách ly theo dõi, hơn 75.000 người tiếp xúc gần hoặc trở về từ vùng dịch đang được cách ly.
Đến thời điểm này, Việt Nam ghi nhận 204 ca mắc COVID-19, trong đó 55 ca đã khỏi bệnh/xuất viện (riêng ngày 30/3, có 30 ca bệnh khỏi bệnh, trong đó tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là 27 ca. Ảnh: Bộ Y tế
Thế giới ghi nhận 781.979 ca nhiễm nCoV và 37.606 người chết tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Châu Âu chiếm khoảng 2/3 số ca tử vong với 26.674 người chết được ghi nhận. Italy là nước báo cáo số ca tử vong lớn nhất với 11.591 người.
Mỹ ghi nhận thêm 18.089 ca nhiễm và 412 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 161.580 và 2.995, tiếp tục là vùng dịch lớn nhất thế giới. New York là bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 66.497 ca nhiễm, trong đó 1.218 người đã tử vong.
Cập nhật tình hình dịch Covid-19 đến 6h ngày 31/3. Ảnh: Worldometers
Italy phát hiện thêm 4.050 ca nhiễm mới và 812 người tử vong, tổng số người nhiễm và chết đến nay lần lượt là 101.739 và 11.591. Tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại Italy là gần 11,4%, mức cao nhất thế giới và gấp hơn hai lần tỷ lệ tử vong toàn cầu. Nước này là quốc gia thứ hai báo cáo hơn 100.000 người nhiễm nCoV, chỉ sau Mỹ.
Tây Ban Nha xác nhận thêm 7.846 ca nhiễm và 913 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết lên lần lượt 87.956 và 7.716, vượt qua Trung Quốc để trở thành vùng dịch lớn thứ ba thế giới. Thủ đô Madrid và vùng Catalonia là hai địa phương có số người chết vì nCoV cao nhất Tây Ban Nha, lần lượt là 3.392 và 1.410.
Iran tiếp tục là vùng dịch lớn thứ hai châu Á với 41.495 ca nhiễm và 2.757 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 3.186 ca nhiễm và 117 trường hợp tử vong. Chính phủ Iran cảnh báo dịch bệnh có thể kéo dài thêm vài tháng và giết chết hơn 10.000 người. Tổng thống Hassan Rouhani bị các đối thủ chính trị công kích vì đã không hành động kịp thời để ngăn dịch bệnh.
Đức Hoà (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)