40 năm ròng rã, bà liên tục bị chồng ép phải “chiều”. Quyết định làm đơn ly dị để tự giải thoát khỏi gã chồng khát dục, bà vẫn không nguôi nỗi đau về những tháng ngày sống trong “địa ngục trần gian này”.
Xót xa thân gái gửi nhầm “bến đục”
Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Lan (Phó thôn T.V.) tâm sự: “Chị Lộc trước đây từng bị chồng bạo hành. Do chị cam chịu, không làm đơn tố cáo nên chính quyền không có cơ sở can thiệp. Sau này không chịu đựng được nữa, chị mới quyết định ly hôn giải thoát cho bản thân. Cuối năm 2013, chính quyền địa phương đã đưa trường hợp của chị vào diện hộ cận nghèo nhưng cũng không giúp đỡ được nhiều”.
Đến thôn T.V., nhắc đến hoàn cảnh của bà L. ai nấy đều thở dài thương xót. Trong quá khứ, bà cũng từng có một mái ấm gia đình. Nhưng đến tuổi xế chiều, bà lại phải lủi thủi một mình trong túp lều rách nát giữa cánh đồng. Khi chúng tôi tìm đến, bà L. đang loay hoay chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Thấy khách lạ, bà hốt hoảng vì tưởng cán bộ đến đòi lại mảnh đất mà bà đang “chiếm dụng”.
Túp lều rách nát của mẹ con bà Lộc. Người phụ nữ một đời bị chồng
bạo hành tình dục (ảnh nhỏ)
Nhìn người phụ nữ với dáng vẻ khắc khổ, lam lũ, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Không ngờ khi tâm sự, bà lại cho biết: “Đây là những tháng ngày bình yên nhất cuộc đời tôi”. Cũng vì cha mẹ đặt đâu con ngồi đó nên đến khi làm lễ cưới, bà L. và ông Trần Đình Q. (SN 1952) mới biết mặt nhau. Chung sống chưa được bao lâu, bà L. đã nhận ra chồng là kẻ cộc cằn, thô bạo.
Nhiều năm liên tục, bà bị chồng bạo hành về tình dục. Đêm nào cũng vậy, ông ta đều đặn bắt vợ phải “chiều” dăm ba lần. Dù đau đớn nhưng bà không dám trái ý vì sợ người chồng nổi điên đánh đập.
Tình trạng ấy kéo dài suốt hai năm khiến bà L. ngày càng tiều tụy. Ban ngày, bà làm quần quật ngoài đồng, đêm về lại phải gồng mình để chồng thỏa mãn cơn khát dục. Bị ám ảnh đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần, bà trở nên sợ hãi mỗi khi đêm đến. Mỗi khi quá mệt mỏi, nhất quyết từ chối yêu cầu “quan hệ”, bà lại bị chồng đay nghiến, thậm chí gán tội “chán chồng, ngoại tình”. Sống trong cảnh bất hạnh cùng cực, đã có lúc, bà nghĩ đến cái chết để giải thoát cho mình. Nhưng nhìn đàn con nheo nhóc, bà lại không đành lòng.
Song thời gian trôi qua, bà càng chịu đựng thì người chồng bạc ác càng lấn tới. Hết đêm này sang đêm khác, bà phải cắn răng chịu đựng những cuộc ái ân “địa ngục trần gian”. Nhớ lại quá khứ, bà L. đau đớn kể: “Nếu “chiều” ông ta thì không sao. Nhưng chỉ cần tôi nhăn nhó một chút, ông ta sẽ chửi bới, đánh đập tàn tệ. Tôi sợ các con buồn vì chuyện người lớn nên về sau có đau mấy cũng âm thầm chịu đựng. Đến tận sau này, khi đã có tuổi, tôi vẫn bị đày đọa như lúc mới về làm vợ vậy!”.
Bước sang tuổi 50, bà L. kiệt sức vì sinh con quá nhiều, lại phải bươn chải lo cho gia đình. Sức yếu, bà không còn “khả năng” để chiều chồng. Trong khi hàng đêm, chồng bà vẫn có “nhu cầu”. Nhiều lần, bà tìm cách lảng tránh thì ông ta lại nghi ngờ, cho rằng bà lăng nhăng nên để chồng “đói khát”. Không chỉ chửi mắng, đày đọa vợ về tinh thần, ông ta còn đánh đập bà thậm tệ.
Nhiều lúc, bà muốn tố cáo gã chồng vũ phu nhưng vì mặc cảm nên đành cam chịu. Sau gần 40 năm gắn bó, ông Q. không những không yêu thương vợ mà còn hắt hủi cả đàn con. Đau lòng hơn, ông ta luôn mắng nhiếc vợ bố bịch, trai gái và cho rằng những đứa con không phải “giọt máu” của mình.
Lấy lý do bị vợ “cắm sừng”, ông Q. suốt ngày chìm đắm trong rượu chè, ăn chơi sa đọa. Nhìn tài sản tích cóp bằng mồ hôi, nước mắt theo nhau “đội nón ra đi”, bà L. đau xót nhưng cũng đành bất lực.
Ông Q. vốn hay cáu bẳn, khi có men rượu vào lại càng ngang ngược, dữ tợn hơn. Được vợ con cung phụng từng miếng ăn, giấc ngủ nhưng ông ta vẫn không hề nghĩ lại. Nhiều lần đến bữa, ông đạp đổ cả mâm cơm. Lại có lần gia đình đang ăn, ông mắng nhiếc vợ con không thương tiếc.
Có những hôm, bà L. bị chồng ném cả nồi cá kho vào người vì tội đi làm về muộn. Chẳng những vậy, nhiều đêm ông Q. còn đuổi đánh vợ con ra khỏi nhà. Bà L. phải dắt các con đến xin ngủ nhờ nhà hàng xóm. Nhưng họ giúp mẹ con bà cũng chỉ được vài ba hôm vì ông Q. luôn tìm đến chửi bới, mắng nhiếc.
Giải thoát chính mình
Không chịu đựng được nữa, bà nước mắt lưng tròng đi nhờ người làm đơn xin ly hôn. Không tố cáo hay kiện tụng, bà chấp nhận nỗi đau, chỉ xin được sống yên ổn. Chính quyền địa phương ban đầu chưa hiểu chuyện nên đến động viên hòa giải. Chứng kiến thái độ bất cần đời của ông Q., họ mới thấu hiểu được nỗi khổ bao năm qua bà phải cắn răng chịu đựng.
Đến tháng 8/2013, nguyện vọng của bà L. được thực hiện. Sau khi ly hôn, mấy mẹ con bà L. dựng lều sống tạm trên mảnh đất chiếm dụng bất hợp pháp. Nguyên do là khi ly hôn, hai người không còn tài sản gì để phân chia. Căn nhà vợ chồng bà từng sinh sống được ngăn đôi nhưng ông Q. lại ngang ngược chửi bới, xua đuổi.
Ngày rời nhà ra đi, tài sản lớn nhất của mấy mẹ con bà L. chỉ là hai cái tủ đã xập xệ, chiếc võng xếp và hai ghế nhựa dùng tiếp khách. Căn chòi được bao phủ bằng tấm bạt mỏng manh. Ban ngày ngồi trong chòi, người ta có thể cảm nhận được ánh nắng gay gắt. Túp lều không điện, không nước, trơ trọi giữa cánh đồng và bị người đời lãng quên.
“Mùa lũ năm ngoái, mấy mẹ con phải bỏ nhà cửa tháo chạy vào nhà dân gần đó tránh nạn. Đến khi nước rút, chúng tôi về lại thì mọi thứ trong nhà bị nước cuốn trôi gần hết. Gạo mắm chẳng còn, đến chiếc xoong nấu cơm cũng trôi mất, mấy mẹ con phải sống nhờ bà con hàng xóm. Sau này, nhờ mọi người giúp đỡ, tôi mới mua sắm lại đồ đạc, sách vở cho con tiếp tục đi học…”, bà L. nghẹn nào nói.
Thương mẹ, những người con của bà cũng không làm được gì hơn. Người con trai áp út của bà (26 tuổi) gần một năm nay phải xa xứ làm thuê, làm mướn. Cô con gái áp út năm nay 20 tuổi phải bỏ học vào thành phố làm công nhân.
Đáng thương nhất là cô con gái út năm nay lên lớp 12. Gia đình tan vỡ, cô bé đến trường trong sự mặc cảm nhưng vẫn chăm chỉ học hành và chịu khó phụ giúp mẹ làm lụng. Hiện giờ, bà L. chỉ trông chờ vào đồng ruộng để tằn tiện lo cho cuộc sống. Bà L. tâm sự: “Tôi có 3 sào ruộng nhưng vụ vừa qua phải bỏ hoang vì hạn hán kéo dài.
Chưa tới mùa mưa, gạo trong nhà đã chẳng còn bao nhiêu. Hai đứa con lớn đi làm ăn xa thì cũng chỉ đủ lo thân, không đỡ đần gì được cho mẹ và em. Hàng ngày, hai mẹ con tôi lo cái ăn, cái mặc còn chưa xong. Chẳng biết sắp tới, bé út học lớp 12 thì tiền đâu trang trải. Thôi thì, tôi cố gắng lo cho cháu được chừng nào hay chừng đó. Đời nó không thể khổ như mẹ được”.
Giadinh.net.vn