Quản lý nhập khẩu chưa chặt
Ông Trịnh Ngọc Giao cho biết, hiện nay trên thị trường đang tồn tại hai loại phương tiện xe đạp điện và xe máy điện. Trong đó, xe máy điện trong một thời gian dài được nhập về lẫn lộn với xe đạp điện.
Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng, xe đạp điện là mặt hàng được nhiều người tiêu dùng mua sử dụng là do giá cả hợp lý, đi lại thuận tiện và lúc đầu chưa có quy định đi xe đạp điện phải đội MBH. Chưa có quy chuẩn xe máy, xe đạp điện nên xe đạp điện và xe máy điện phát triển rất nhanh.
Ông Lam thừa nhận, chính sự “mập mờ” của người bán hàng giữa xe đạp điện và xe máy điện nên nhiều người tiêu dùng đã mua hàng mà không phân biệt được chất lượng và giá cả.
Với xe máy điện không có số khung, số máy thì cơ quan công an sẽ đóng số và
cấp đăng ký để dễ quản ly (Ảnh minh hoạ: tin tức)
Xung quanh việc để cho xe đạp điện, xe máy điện phát triển tràn lan, ông Lam thừa nhận là do “có những nơi này, nơi khác phối hợp chưa kịp thời” và để giải quyết triệt để phải nằm ở khâu quản lý.
Theo đó, ngoài việc cơ quan chức năng giám sát được chất lượng thì cần có biện pháp kịp thời chống nhập lậu xe đạp điện, xe máy điện.
“Trong chiến dịch chống xe đạp điện nhập lậu, lực lượng quản lý thị trường và Công an sẽ phối hợp chặt chẽ để xử lý nghiêm vi phạm…”, ông Lam khẳng định.
Xe máy điện phải được cấp biển số như xe máy!
Ông Trịnh Ngọc Giao cho rằng, không cần đưa xe đạp điện vào diện đăng ký mà chỉ cần áp dụng với xe mô tô và xe máy điện. Người sử dụng xe máy điện tới đây cũng phải có bằng lái.
“Với xe máy điện không có số khung, số máy thì cơ quan công an sẽ đóng số và cấp đăng ký để dễ quản lý. Với xe điện lưu thông trên đường, xe không có bàn đạp thì chắc chắn không phải xe đạp điện…”, ông Giao khẳng định.
Thượng tá Nguyễn Hữu Luyện, Cục CSGT Đường bộ, đường sắt (C67) cho biết: học sinh, sinh viên đi xe đạp, xe mô tô điện đã hạn chế rất nhiều tình trạng học sinh đi xe máy đèo 3, đèo 4 lạng lách đánh võng khi TNGT xảy ra hậu quả vô cùng thảm khốc.
Tuy nhiên, thượng tá Luyện cũng khẳng định, chuyện xử lý học sinh, sinh viên đi xe đạp điện, xe máy điện vi phạm luật không khó. Bởi trước khi tiến hành xử phạt, đã phối hợp với nhà trường để tuyên truyền đến từng học sinh.
Qua kiểm tra các vi phạm chủ yếu đối với học sinh sinh viên là các lỗi: không đội mũ bảo hiểm, vi phạm tín hiệu giao thông, chở quá số người quy định.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch UBATGTQG mong rằng, vì xe đạp điện, xe máy điện đã có quy chuẩn rõ ràng nên sẽ không có chuyện buông lỏng, trôi nổi như tình trạng mũ bảo hiểm.
Do vậy, từ nay đến hết tháng 12, UBATGTQG sẽ tổ chức chiến dịch tuyền truyền và xử lý vi phạm trong sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng xe đạp điện, xe máy điện.
Theo VietNamNet.vn