Ý tưởng này đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều từ phía các chuyên gia pháp lý, xã hội học, các đại biểu quốc hội. Tuy nhiên, với những rào cản về tâm lý, tập tục, tính nhân văn... khả năng có một nước thứ 2 ở châu Á sau Hàn Quốc cho phép thi hành hình phạt này có lẽ vẫn còn khá xa vời.
Báo động trẻ hóa tội phạm hiếp dâm
Hiện nay, khó có thể đưa ra con số thống kê chính xác số nạn nhân bị xâm hại tình dục mỗi ngày, mỗi tháng hay mỗi năm. Bởi, tội phạm hiếp dâm diễn ra muôn hình vạn trạng, không ít vụ chưa được đưa ra ánh sáng đã vĩnh viễn bị chìm vào bóng tối. Tuy nhiên, theo một cán bộ điều tra, công an TP.Hà Nội, số vụ hiếp dâm đang diễn ra mỗi ngày một nhiều với mức độ nghiêm trọng hơn. Đối tượng thực hiện hành vi hiếp dâm dường như không giới hạn về tuổi tác và đang có xu hướng trẻ hóa mỗi ngày.
Trong số hàng loạt những vụ án hiếp dâm được báo chí đăng tải có thể thấy, trẻ em và trẻ ở tuổi vị thành niên là những nạn nhân chiếm tỷ lệ nhiều nhất. Không ít trường hợp kẻ phạm tội chính là người quen hoặc có quan hệ huyết thống với nạn nhân. Nhiều vụ, sau khi bị phát hiện, không ít người đã phải rùng mình khi thấy cách xuống tay dã man của "yêu râu xanh". Kẻ thủ ác sẽ phải chịu tội trước pháp luật, nhưng đằng sau đó là nỗi đau đớn khôn nguôi về thể xác lẫn tinh thần, nỗi giằng xé của người nhà nạn nhân cũng như thủ phạm.
Mở đầu câu chuyện với PV, luật sư Phạm Thị Loan, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương đã kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện bi thương liên quan đến án hiếp dâm. Có đối tượng mặt búng ra sữa, thực hiện hành vi hiếp dâm khi chưa ý thức được thế nào là quan hệ nam - nữ. Khi vụ án bị phát hiện và đưa ra xét xử công khai, trước vành móng ngựa, đối tượng lí nhí thừa nhận rằng, do không nắm được luật hoặc hiểu luật một cách mơ hồ nên đã phạm sai lầm. Có những "yêu râu xanh" đã ở tuổi "xưa nay hiếm", đáng tuổi ông, tuổi cụ nạn nhân nhưng khi thú tính nổi lên đã làm chuyện trái pháp luật. Không ít trường hợp đã khóc như mưa khi phải đối diện với công lý vì phạm tội hiếp dâm chính "người yêu" của mình.
Hung thủ Đặng Trần Hoài - Kẻ hiếp bé gái 8 tuổi, chém
bé 4 tuổi ở Sơn Tây gây chấn động dư luận
Theo luật sư Loan, khi xét đến nguyên nhân của hàng loạt những vụ án hiếp dâm trẻ em thì nguyên nhân thiếu hiểu biết pháp luật được cho là một trong những nhân tố chính. Nhiều đối tượng có suy nghĩ, chỉ quan hệ trái ý muốn mới phạm tội còn được "người yêu" đồng ý và tự nguyện dâng hiến thì không sao. "Hậu quả không chỉ khiến nạn nhân phải dằn vặt và sống chung với nỗi ám ảnh trong nhiều năm, mà nhiều trường hợp đã tự tử vì không chịu nổi áp lực. Trong khi đó, khung hình phạt đối với loại tội phạm này, theo đánh giá của nhiều người là còn "khá nhẹ", chưa đủ sức răn đe", luật sư Loan băn khoăn.
Nhìn nhận hành vi hiếp dâm như một hiện tượng xã hội đáng báo động, TS. Tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý thừa nhận, trong xã hội hiện tại, tự do cá nhân con người được đề cao. Do đó bản năng trỗi dậy cũng nhiều hơn. Bên cạnh đó, vấn đề giáo dục lối sống của chúng ta còn kém, dẫn đến xảy ra ngày càng nhiều các vụ án hiếp dâm. "Nhiều hành vi nếu như trước kia bị quy về các giá trị đạo đức khá nặng nề, phải mang tiếng xấu để đời thì nay bị mọi người xem nhẹ. Quan niệm coi quan hệ tình dục như trào lưu hoặc cơm ăn nước uống hàng ngày được nhiều bạn trẻ ủng hộ. Điều này vô cùng nguy hiểm, chẳng khác nào vẽ đường cho hươu chạy", TS. Kim Quý nói.
Nói về việc tại sao ngày càng có nhiều vụ hiếp dâm trẻ em, TS. Kim Quý cho rằng, hiện nay, độ tuổi dậy thì ở trẻ em đang ngày càng bị rút ngắn. Trong khi nhu cầu quan hệ tình dục đã có thì các em lại chưa có sự phát triển tâm lý xã hội đầy đủ, vốn sống chưa có dẫn đến sự vênh nhau giữa phát triển thể chất và tâm lý xã hội. Cũng vì thiếu kiến thức nên ham muốn không được khống chế và không chiến thắng được bản năng dẫn đến những hành động trái pháp luật. Pháp luật phải nghiêm minh hơn nhưng cũng cần giáo dục các em để ngăn chặn hành vi từ trong trứng nước.
Khó "thiến hóa học" vì còn nhiều rào cản
Trước việc tội phạm hiếp dâm ngày càng diễn ra nghiêm trọng, nhiều ý kiến cho rằng, nên chăng chúng ta học tập ý tưởng của nước ngoài, thi hành án phạt "thiến hóa học" với những "yêu râu xanh". Đặt vấn đề trên với luật sư Phạm Thị Loan, vị này tỏ ra khá bất ngờ. Bà Loan cho biết: "Thực ra hình phạt này đã được áp dụng rất thành công ở một số nước như Mỹ, Anh, Đức, Nga... Mới đây nhất, quốc gia châu Á đầu tiên là Hàn Quốc cũng đi tiên phong trong áp dụng hình phạt này. Tại Việt Nam, vấn đề cũng đang tranh luận gay gắt trên báo chí nhưng tôi được biết chưa có cơ quan hay tổ chức nào đề xuất mà là ý tưởng của một đại biểu quốc hội".
"Là một người phụ nữ tôi vô cùng đau xót trước hiện tượng tội phạm hiếp dâm, đặc biệt là hiếp dâm trẻ em ngày càng gia tăng. Tôi được biết, hiện nay, quan điểm về hình phạt này của mỗi người cũng khác nhau. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ có rất nhiều rào cản để ý tưởng trở thành thực tế. Bởi việc thực hiện vi phạm này có thể gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và không nhân văn", luật sư Loan nhận định.
Có cái nhìn toàn diện về ý tưởng này, bà Dương Thị Thanh Mai, giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và phát triển cộng đồng (Hội Luật gia Việt Nam) cho rằng: "Cần thiết chúng ta phải tham khảo ý tưởng của các nhà khoa học, chuyên gia tâm lý, xã hội học. Ở nước ngoài, họ đã thực hiện nhưng chưa có một tổng kết, đánh giá xem bao nhiêu phần trăm số người ủng hộ, bao nhiêu phản đối, hệ quả đi vào cuộc sống ra sao. Cũng cần so sánh xem tâm sinh lý của người nước ngoài có tương đồng với người Việt hay không, trên cơ sở đó mới xem xét tham khảo".
Bà Mai cũng bày tỏ quan điểm, nếu các nước tổng kết thấy hiệu quả, các nhà khoa học trong nước sau khi "cân đong đo đếm" thấy rằng, không ảnh hưởng đến tính nhân văn thì hoàn toàn có thể xem xét ý tưởng trên. "Không thể phủ nhận, có một số đối tượng phạm tội vô cùng nghiêm trọng. Nếu không dùng biện pháp kiềm chế tính dục của họ sẽ không đảm bảo an toàn cho xã hội. Theo tôi, ý tưởng này cũng cần được nghiên cứu toàn diện xem có phù hợp với truyền thống văn hóa và điều kiện cơ sở vật chất của nước ta hay không", bà Mai nhấn mạnh.
Trao đổi với PV, đại biểu Tô Văn Tám, ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: "Bẩm sinh con người sinh ra đã được ban tặng cho những "chức năng". Chính vì vậy, luật pháp không nên can thiệp quá thô bạo bằng hóa học hay sinh học vào những chức năng đó. Luật pháp đảm bảo nghiêm minh nhưng cũng phải tính đến khía cạnh nhân văn. Đối với người phạm tội là vị thành niên thì phải có các biện pháp giáo dục giúp đỡ, kể cả các biện pháp giáo dục bắt buộc ngoài gia đình để thiết lập lại trật tự xã hội. Điều này sẽ góp phần hạn chế đến mức thấp nhất việc trẻ hoá tội phạm ngày càng gia tăng với tính chất phức tạp, nguy hiểm".
Đại biểu Tô Văn Tám cũng kiến nghị, Nhà nước và các cơ quan ban hành pháp luật sớm nắm bắt được các quy luật này để có phương án sửa đổi, bổ sung các đạo luật cho phù hợp. Trên cơ sở các hình phạt đủ sức răn đe với người phạm tội có gắn với độ tuổi phù hợp, với người thực hiện hành vi phạm tội để phòng ngừa tội phạm chung.
24h