Điều 216 của dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) tập trung vào tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN. Theo đó, Khoản 1 quy định người có nghĩa vụ đóng bảo hiểm nhưng gian dối hoặc dùng thủ đoạn để không đóng, hoặc không đóng đầy đủ trong thời gian từ 6 tháng trở lên, và đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi này mà vẫn tái phạm, sẽ bị phạt tiền từ 100 đến 400 triệu đồng (mức hiện hành là 50 đến 200 triệu đồng), hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. Điều kiện để áp dụng hình phạt này bao gồm trốn đóng bảo hiểm từ 100 triệu đến dưới 600 triệu đồng (mức hiện hành là 50 triệu đến dưới 300 triệu đồng), hoặc trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 đến dưới 50 người lao động.
Tại dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ Công an đề xuất nâng mức phạt với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội. (Ảnh minh hoạ)
Khoản 2 của điều luật quy định mức phạt nặng hơn đối với các trường hợp phạm tội có tính chất nghiêm trọng hơn. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 400 triệu đến 1 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu thuộc một trong các trường hợp sau: phạm tội 2 lần trở lên; trốn đóng bảo hiểm từ 600 triệu đến dưới 2 tỷ đồng (mức hiện hành là 300 triệu đến dưới 1 tỷ đồng); trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 đến dưới 200 người lao động; hoặc không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động.
(Ảnh minh hoạ)
Mức phạt cao nhất được quy định tại Khoản 3 của điều luật, áp dụng cho những hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 1 tỷ đến 2 tỷ đồng (mức hiện hành là từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng), hoặc phạt tù từ 2 đến 7 năm nếu thuộc một trong các trường hợp sau: trốn đóng bảo hiểm từ 2 tỷ đồng trở lên (mức hiện hành là 1 tỷ đồng); trốn đóng bảo hiểm cho 200 người lao động trở lên; hoặc không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động.
Ngoài các hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền bổ sung từ 40 triệu đến 200 triệu đồng (mức hiện hành là từ 20 triệu đến 100 triệu đồng).
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)