Theo Bộ Y tế, đây là một trong những giải pháp khuyến sinh trọng tâm, nhằm khuyến khích các gia đình sinh đủ hai con trong bối cảnh mức sinh của Việt Nam hiện chỉ đạt 1,91 con/phụ nữ, thuộc nhóm thấp nhất Đông Nam Á. Nhà ở xã hội là loại hình nhà ở được Nhà nước hỗ trợ, nhằm cung cấp nơi ở giá rẻ cho các nhóm đối tượng ưu tiên.
Bên cạnh chính sách hỗ trợ nhà ở, dự thảo Luật Dân số còn đưa ra nhiều đề xuất quan trọng khác. Cụ thể, Bộ Y tế đề xuất cho phép cặp vợ chồng, cá nhân có quyền tự quyết định thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh. Đặc biệt, lao động nữ khi sinh con thứ hai sẽ được kéo dài thời gian nghỉ thai sản từ 6 tháng lên 7 tháng, nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho việc chăm sóc con nhỏ.
Đề xuất hỗ trợ nhà ở xã hội cho phụ nữ sinh đủ hai con tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (Ảnh minh hoạ)
Đồng thời, dự thảo cũng nhấn mạnh vai trò của các cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, cuộc sống vợ chồng, và nuôi dạy con cho nam nữ trước khi kết hôn. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cũng sẽ được tăng cường để củng cố giá trị mỗi gia đình nên có hai con, nuôi dạy con tốt, và tư vấn các biện pháp phòng tránh vô sinh.
Những giải pháp này được Bộ Y tế đưa ra trong bối cảnh mức sinh của Việt Nam đang ở mức thấp đáng báo động. So với mức trung bình khu vực Đông Nam Á là 2 con/phụ nữ, Việt Nam chỉ cao hơn Brunei (1,8 con/phụ nữ), Malaysia (1,6 con/phụ nữ), Thái Lan và Singapore (1 con/phụ nữ).
Tình trạng giảm sinh thể hiện rõ qua sự gia tăng nhanh chóng của số tỉnh có mức sinh dưới mức sinh thay thế, từ 22 tỉnh năm 2019 lên 32 tỉnh năm 2024, tập trung chủ yếu ở Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. TP Hồ Chí Minh là địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước, chỉ đạt 1,39 con/phụ nữ. Nhận thấy sự cấp bách, đầu tháng 5, TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu rà soát, lập danh sách phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi (có ngày sinh con thứ hai từ 21/12/2024 đến 15/4/2025) để hỗ trợ bằng tiền và các chính sách khác.
(Ảnh minh hoạ)
Bộ Y tế dự báo, nếu mức sinh tiếp tục giảm, đến năm 2039 Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ dân số vàng, năm 2042 quy mô dân số trong độ tuổi lao động đạt đỉnh và sau năm 2054 dân số sẽ bắt đầu tăng trưởng âm.
"Mức sinh thấp kéo dài sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc tới quy mô, cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động, suy giảm quy mô dân số, đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số, gia tăng các dòng di cư", Bộ Y tế nhận định.
Các chuyên gia cũng đánh giá mức sinh Việt Nam đã giảm thấp nhất trong lịch sử và dự báo tiếp tục giảm trong tương lai. Xu hướng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song chủ yếu là áp lực kinh tế. Bác sĩ Mai Xuân Phương, nguyên Vụ phó Truyền thông - Giáo dục (nay là Cục Dân số), phân tích rằng lo ngại về chỗ ở và hàng loạt chi phí sinh hoạt như sữa, bỉm, giáo dục, y tế... trong bối cảnh trượt giá, khiến nhiều người trì hoãn và từ chối sinh con. Điển hình, tại Hà Nội, giá nhà ở và căn hộ tăng ở mức báo động, việc mua hay thuê đều không hề dễ dàng, chi phí chỗ ở rất tốn kém, tạo gánh nặng lớn cho các gia đình trẻ.
(Ảnh minh hoạ)
Tình trạng giảm sinh không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà còn là thách thức toàn cầu, đặc biệt ở các quốc gia phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Các nước này đang thay đổi hàng loạt chính sách nhằm khuyến khích sinh. Đơn cử, Hàn Quốc - quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới đã tăng gấp ba lần ngân sách cho chương trình khuyến sinh, đồng thời trợ cấp tài chính lớn cho các gia đình sinh con. Tại Hungary, phụ nữ sinh từ 4 con trở lên được miễn thuế thu nhập cá nhân suốt đời.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)