Lựa chọn ngành học và trường đại học là một trong những bước ngoặt quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi học sinh. Tuy nhiên, không ít bạn trẻ do thiếu thông tin, bị tác động bởi bên ngoài hoặc không hiểu rõ bản thân đã đưa ra những quyết định sai lầm, ảnh hưởng đến tương lai học tập và nghề nghiệp.
Theo Thạc sĩ Hoàng Thanh Tú, Phó phòng phụ trách phòng Thông tin-Truyền thông Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) từng chia sẻ, trên website của các trường đại học đều có thông tin về yêu cầu đầu vào và chuẩn đầu ra của một ngành học. Ngoài ra, còn có nội dung các môn học, số lượng tín chỉ phải học từng năm trong chương trình đào tạo.
Thạc sĩ Tú khuyên trước khi chọn ngành, học sinh cũng nên tìm hiểu thông tin từ người làm trong nghề. Bên cạnh đó là chịu khó nghiên cứu các thông báo tuyển dụng của doanh nghiệp trong lĩnh vực ngành nghề mà mình muốn học, xem doanh nghiệp có yêu cầu chuyên môn kỹ năng gì, từ đó xem xét mình có thể theo đuổi ngành học, có đáp ứng được hay không. "Khi các em hiểu ngành học, chọn ngành một cách nghiêm túc và trong quá trình học cố gắng khai thác thế mạnh của mình thì sẽ không bị tình trạng 'vỡ mộng'”, thạc sĩ Tú chia sẻ.
Không ít trường hợp đăng ký ngành học mình yêu thích, trúng tuyển nhưng sau khi học được 1, 2 năm thì 'vỡ mộng', không còn cảm thấy yêu thích nữa. (Ảnh minh họa)
Thạc sĩ Trần Việt Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cũng cho hay trường có các kênh tư vấn, thí sinh cần quan tâm ngành nào đều có thể liên lạc để được các thầy cô là trưởng, phó khoa; trưởng bộ môn tư vấn. “Các em sẽ biết được nội dung chi tiết các môn học của năm 1, năm 2, năm 3 để hiểu thêm về ngành mình muốn học”, thạc sĩ Dũng thông tin.
Theo chia sẻ của Trần Thị Diễm Linh, thủ khoa Trường ĐH Luật TP.HCM năm 2023, nhiều năm nay, không ít học sinh chọn ngành trong tình trạng mù mờ, dựa trên cảm tính, trào lưu hoặc vì nghe ngành đó sau này dễ xin việc nên chọn, chứ không có sự tìm hiểu một cách nghiêm túc để hiểu đúng về ngành mình sẽ theo học.
Việc hiểu đúng về ngành học trước khi chọn rất cần thiết. Không chỉ mang yếu tố sống còn đối với cả quá trình học tập lẫn sự nghiệp về sau, mà nó còn quyết định việc mình sẽ định vị bản thân trở thành người như thế nào.
Thủ khoa Trường ĐH Luật TP.HCM năm 2023 cho rằng trước hết các bạn thí sinh cần hiểu mỗi ngành học không chỉ gói gọn trong một cái tên, mã số trên cuốn cẩm nang tư vấn tuyển sinh. Đằng sau đó là cả một hệ thống kiến thức, kỹ năng, phương pháp tư duy và môi trường làm việc cụ thể. Việc chọn ngành mà không hiểu rõ mình sẽ học gì, làm gì sau khi ra trường dễ dẫn đến chán nản, mất phương hướng hoặc thậm chí gãy gánh giữa chừng trong 4 năm. Đã có không ít sinh viên "vỡ mộng" khi nhận ra ngành mình chọn hoàn toàn khác xa so với hình dung ban đầu.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc hiểu sai ngành học, theo Diễm Linh, là do học sinh tiếp cận thông tin quá hời hợt. Nhiều bạn chỉ nghe qua loa rằng báo chí là đi phỏng vấn người nổi tiếng, tâm lý học là đọc được suy nghĩ người khác hay công nghệ thông tin là ngồi gõ máy tính suốt ngày… Những cách nhìn nhận đơn giản hóa ấy khiến việc lựa chọn ngành học trở thành một trò may rủi, hơn là một quyết định có căn cứ.
Theo Diễm Linh, hiểu đúng ngành học không phải là điều quá khó, nếu mỗi học sinh chịu chủ động tìm hiểu một cách chi tiết, cụ thể. Hãy bắt đầu bằng việc đọc kỹ chương trình đào tạo chính quy của các trường, tham khảo ý kiến từ các anh chị đi trước, tìm hiểu môi trường làm việc thực tế, cũng như những vấn đề xoay quanh về ngành đó khi sau này chúng ta chính thức gia nhập thị trường lao động thì nó sẽ như thế nào…
H.Anh (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)