Theo thông tin từ báo Người Lao Động, sau khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, quy mô dân số của TP. Hồ Chí Minh đã đạt ngưỡng 14 triệu người, vượt xa các địa phương khác. Xếp sau đó là thủ đô Hà Nội với hơn 8,6 triệu dân và tỉnh An Giang mới (sau hợp nhất với Kiên Giang) với khoảng 4,9 triệu dân.
TP. Hồ Chí Minh mới được hình thành trên cơ sở sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính của hai tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương vào TP. Hồ Chí Minh hiện hữu, và vẫn giữ nguyên tên gọi. Quy mô diện tích của thành phố cũng tăng lên đáng kể, từ 2.095 km2 lên 6.772 km2.
Đặc biệt, theo báo VnExpress, với dân số 14 triệu người, TP. Hồ Chí Minh đã chính thức gia nhập nhóm "siêu đô thị" – những thành phố có quy mô dân số trên 10 triệu người, theo định nghĩa của Vụ Liên Hiệp Quốc về vấn đề Kinh tế và Xã hội (UN DESA). Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một siêu đô thị.
TP. Hồ Chí Minh là tỉnh thành đông dân nhất Việt Nam sau sáp nhập (Ảnh minh hoạ)
Cùng với đó, TP. Hồ Chí Minh còn là siêu đô thị thứ 4 của khu vực Đông Nam Á, đứng sau Bangkok Metropolitan Region (Thái Lan), Jakarta (Indonesia) và Metro Manila (Philippines). Quy mô dân số của TP. Hồ Chí Minh mới, với 14 triệu người, gần tương đương với vùng đô thị Bangkok và gấp hơn hai lần dân số của Singapore (hơn 6 triệu dân).
UN DESA định nghĩa vùng siêu đô thị là sự liên kết của các thành phố liền kề, với hạt nhân là "thủ phủ" quốc gia. Các ví dụ điển hình bao gồm Bangkok Metropolitan Region bao gồm Bangkok và 5 tỉnh lân cận, hay Metro Manila liên kết gần 20 thành phố có mức độ đô thị hóa cao.
Bên cạnh sự gia tăng quy mô dân số, dữ liệu công bố về tổng tỷ suất sinh (TFR) năm 2024 cho thấy, TP. Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục là địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước với 1,43 con/phụ nữ. Điều này tiếp tục duy trì xu hướng trước sáp nhập khi TP. Hồ Chí Minh đã có mức sinh thấp nhất với 1,39 con/phụ nữ.
(Ảnh minh hoạ)
Trong 34 tỉnh/thành phố sau sắp xếp, số lượng địa phương có mức sinh dưới mức thay thế (TFR dưới 2,1 con/phụ nữ) đã giảm từ 21 xuống còn 13. Các tỉnh có mức sinh thấp nhất còn lại là Tây Ninh (1,52), Cần Thơ (1,55), Cà Mau (1,58) và Vĩnh Long (1,60). Ngược lại, Điện Biên (2,65), Tuyên Quang (2,55) và Lào Cai (2,5) là ba tỉnh có mức sinh cao nhất.
Cục Dân số (Bộ Y tế) nhấn mạnh, việc một số địa phương có mức sinh thấp, bao gồm cả TP. Hồ Chí Minh, cần được quan tâm và hỗ trợ để duy trì mức sinh thay thế, tránh nguy cơ già hóa dân số sớm. Những thay đổi về mức sinh là chỉ tiêu quan trọng trong Chiến lược Dân số đến năm 2030 và có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội.
Tháng 6 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số, cho phép mỗi cá nhân, cặp vợ chồng tự quyết định thời điểm, số con và khoảng cách sinh, phù hợp với điều kiện sức khỏe, thu nhập và hoàn cảnh sống của mình.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)