Đô thị cổ thứ hai chỉ sau Hà Nội
Hơn 200 năm trước Thành Nam Định vừa là một trung tâm hành chính của vùng, vừa là công trình quân sự kiên cố.
Thành cổ Nam Định là thành tỉnh lớn nhất được xây dựng dưới triều Nguyễn, được coi là công trình kiến trúc quân sự tiêu biểu của tỉnh Nam Định. Năm 1804, dưới thời vua Gia Long, thành được đắp bằng đất. Đến năm Minh Mệnh thứ 14 (1833) thì được xây bằng gạch, trên địa phận làng Vị Xuyên và Năng Tĩnh thuộc huyện Mỹ Lộc, Nam Định.
Theo nghiên cứu của Bảo tàng tỉnh Nam Định, thành cổ Nam Định được xây theo kiến trúc Vô-băng, tường thành chạy theo đường gãy khúc, nhưng tổng thể có hình vuông, chu vi 830 trượng 7 thước 3 tấc (3.324 m). Thành Nam Định có 4 cửa Đông, Tây, Nam, Bắc. Trên mỗi cửa thành có xây lầu, còn gọi là thú lâu (nơi gác). Phía ngoài cửa thành có xây một đoạn tường hình chữ V (gọi là Dương Mã thành), dài 5m, cao 3m.
Tường thành cao từ 1,7-3,35 m; mặt rộng 1-1,3 m, chân thành rộng 4,5 m. Tường thành được xây bằng gạch đỏ, với hai loại cơ bản: gạch vuông kích thước 30x30x6 cm và gạch chữ nhật 30x1515x8 cm. Trên nhiều viên gạch chữ nhật xuất hiện các chữ khắc (được xác định là chữ Hán) với nội dung "Cổ kính," "Trung Kính," "Mã Tiền"...
Thành phố Nam Định chủ yếu nằm ở phía Bắc sông Đào, Theo sách ghi lại, thành phố Nam Định là một đô thị có từ thế kỷ thứ XIII. Ngày 17 tháng 10 năm 1921, Toàn quyền Đông Dương đã ra Nghị định thành lập thành phố Nam Định. Trong quá trình phát triển, thành phố từng là đô thị lớn thứ 3 miền Bắc sau Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng.
Phố cổ Thành Nam hay phố cổ Nam Định là khu vực gồm các phố xá buôn bán nằm giữa sông Vị Hoàng xưa và hai mặt tường thành phía Đông và phía Nam của thành Nam Định thời Nguyễn.
Thành phố Nam Định xưa thuộc huyện Mỹ Lộc, phủ Thiên Trường, lộ Thiên Trường, có làng Tức Mặc - quê hương của nhà Trần, có sông Vị Hoàng và quân doanh Vị Hoàng bảo vệ cho hành cung Thiên Trường. Năm 1262, nhà Trần lập thành Nam Định, biến nơi đây trở thành trung tâm đô thị lớn thứ hai của cả nước, chỉ sau Thăng Long. Năm 1400, nhà Trần suy vong, phủ Thiên Trường mất vị trí vương đô. Đến thời Hậu Lê, lộ Thiên Trường được đổi thành Sơn Nam thừa tuyên, trị sở hành chính chuyển vào Vân Sàng (tỉnh Ninh Bình). Đời Nguyễn, cùng với việc dời trị sở trấn Sơn Nam về Vị Hoàng, Vua Gia Long còn cho đắp toà thành bằng đất trên địa hạt làng Vị Hoàng và Năng Tĩnh. Dưới thời Minh Mạng, tường đất được thay thế bằng tường gạch cao 5m, chu vi 3,5km, có hào sâu bao bọc, trong thành có cột cờ dựng năm 1842. Năm 1889 một chủ đầu tư người Pháp đã đến đây xây dựng nhà máy Sợi, các chủ đầu tư khác tiếp tục cho dựng nhiều nhà máy: nhà máy Tơ, nhà máy Điện, nhà máy Nước, nhà máy Chai, nhà máy Rượu... Lĩnh vực chính thuộc về dệt và sản phẩm dệt may, đã nổi tiếng trên thế giới, đưa thành phố Nam Định trở thành “Thành phố Dệt”.
Những ngồi nhà nhỏ ở phố cổ Thành Nam.
Thành phố Nam Định có 35/38 phố Hàng, 4 phố Bến, 4 phố Cửa trong các phố trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Về các phố cổ xưa dân phố buôn bán, sản xuất mặt hàng gì thì phố mang tên mặt hàng đó. Trên đường phố dài có thể có nhiều phố Hàng.
Nam Định từng trải qua nhiều lần nhập, tách tỉnh
Trước khi có tên gọi là Nam Định, vùng đất này có nhiều cái tên khác nhau. Năm 1239, vua Trần Thái Tông cho xây dựng hành cung Tức Mặc. Năm 1262, hương Tức Mặc được nâng cấp thành Phủ Thiên Trường, đây là dấu mốc đầu tiên cho đô thị Nam Định.
Phủ Thiên Trường là đơn vị hành chính đặc biệt, có vị trí như kinh đô thứ hai. Là đơn vị hành chính đặc biệt, Thiên Trường không chỉ là một trung tâm chính trị, nơi đây còn là trung tâm khởi phát nhiều giá trị văn hóa tư tưởng, tôn giáo, phong tục tập quán mang đậm bản sắc Đại Việt - Đông A.
Sơ đồ Thành cổ Nam Định do Henri Rivière vẽ năm 1883/Ảnh: Bảo tàng Nam Định
Giáo phái Trúc Lâm (Yên Tử) do Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập, đã đưa Phật thời nhập thế, gắn đạo với đời, đồng hành cùng dân tộc. Tại đây hiện còn công trình Phật Giáo Chùa Phổ Minh và Tháp Phổ Minh 14 tầng được xây dựng thời nhà Lý phồn thịnh, đầu triều Trần nâng cấp, mở rộng.
Dưới triều Nguyễn, năm 1822 (Minh Mạng thứ 3) đổi tên trấn Sơn Nam Hạ thành trấn Nam Định, tên gọi Nam Định chính thức ra đời. Chữ "Nam" trong Nam Định có nghĩa là phía Nam, chữ "Định" trong Nam Định có nghĩa là bình định yên ổn, nhà Nguyễn đã gửi gắm vào vùng đất này khát vọng lớn về một đất nước luôn hòa bình ổn định, hùng cường và hưng thịnh.
Cột cờ ở TP Nam Định, tỉnh Nam Định là 1 trong 4 cột cờ cổ xưa được xây dựng từ thời vua Gia Long (1812).
Đến năm Minh Mạng 13 (1832) đổi trấn Nam Định thành tỉnh Nam Định (tỉnh Nam Định được thành lập), với 4 phủ, 18 huyện, bao gồm phần đất tỉnh Thái Bình hiện nay.
Tên gọi trong nhân dân "Thành Nam" bắt đầu từ khi nhà Nguyễn cho xây dựng thành Nam Định và cột cờ Nam Định vào khoảng năm 1812. Đến năm 1839 thành xây bằng gạch nung, từng bước hình thành phố, phường, khu dân cư, chợ búa. Khi xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp xác định: "Chiếm được Hà Nội và Nam Định là chiếm được Bắc Kỳ".
Tại Nam Định, Pháp xây dựng Nhà máy Dệt lớn nhất Đông Dương, cùng với nhà máy Rượu, nhà máy Chai. Sản xuất công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề thành Nam Định mở mang, phát triển.
Năm 1890, Thái Bình tách ra thành tỉnh riêng và một phần phía bắc Nam Định tách ra để cùng một phần phía nam Hà Nội lập thành tỉnh Hà Nam. Từ năm 1890 Nam Định còn lại 2 phủ và 9 huyện (từ đây địa giới tỉnh Nam Định về cơ bản tương đương với hiện nay).
Sau thời Trần, Nam Định vẫn giữ vị trí trọng yếu trung tâm phía nam Bắc bộ về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng. Thời Lê - Nguyễn, tập trung khẩn hoang, quai đê lấn biển mở rộng đồng bằng hạ lưu sông Hồng trù phú; cho xây dựng nhiều đền đài, chùa miếu, khuyến khích phát triển các thiết chế văn hóa làng - xã, bồi bổ hun đúc hạt nhân văn hóa dân tộc.
Một góc thành phố Nam Định hiện nay.
Cuối thời kỳ Pháp thuộc, Nam Định là một trong 29 tỉnh của Bắc Kỳ. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Nam Định là một trong 10 tỉnh thuộc Liên khu III gồm 9 huyện, 158 xã.
Từ sau Cách mạng Tháng Tám, địa giới hành chính tỉnh Nam Định có sự thay đổi lớn. Ngày 21/4/1965, sáp nhập hai tỉnh Hà Nam và Nam Định thành một đơn vị hành chính mới lấy tên là tỉnh Nam Hà.
Ngày 27/12/1975, hợp nhất hai tỉnh Nam Hà và Ninh Bình thành một đơn vị hành chính mới lấy tên là tỉnh Hà Nam Ninh, trung tâm hành chính đặt ở Nam Định. Ngày 26/12/1991, chia tỉnh Hà Nam Ninh thành 2 tỉnh Nam Hà và Ninh Bình. Ngày 6/11/1996, tách tỉnh Nam Hà thành 2 tỉnh Nam Định và Hà Nam.
N.Minh (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)