Đất nền tăng giá mạnh mẽ
Sau một thời gian trầm lắng, thị trường đất nền Bắc Giang đã "nóng" trở lại từ đầu năm 2025. Động lực chính đến từ thông tin sáp nhập tỉnh, cùng với những yếu tố phát triển hạ tầng và công nghiệp mạnh mẽ.
Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, tốc độ tăng giá đất nền Bắc Giang đạt khoảng 10-15% so với cuối năm 2024. Một số khu vực ghi nhận mức tăng ấn tượng hơn, lên đến 20%. Tùy từng khu vực, lượng giao dịch cũng tăng từ 20-40% so với nửa năm trước.
Cụ thể, tại thành phố Bắc Giang, giá đất nền ghi nhận sự tăng trưởng ở nhiều khu vực. Đất nền khu Tôn Đức Thắng, gần Big C thành phố, giá bán đã tăng từ 73-77 triệu đồng/m2 lên mức 84-90 triệu đồng/m2. Tại Tân Mỹ, khu vực gần chợ Mía, giá đất dao động từ 65-70 triệu đồng/m2, tăng 15% so với tháng 12/2024. Ngay cả những khu vực có vị trí kém đẹp hơn như Đồng Sơn, giá đất cũng tăng từ 27-30 triệu đồng/m2 lên mức 31-36 triệu đồng/m2. Đất mặt đường Thân Nhân Trung thuộc phường Mỹ Độ cũng chứng kiến mức tăng từ 65-68 triệu đồng/m2 lên 72-78 triệu đồng/m2.
Đất nền Bắc Giang đang trỗi dậy mạnh mẽ, được thúc đẩy sau khi sáp nhập tỉnh với Bắc Ninh (Ảnh minh hoạ)
Tại huyện Việt Yên, đất gần khu công nghiệp Vân Châu, có vị trí mặt tiền đường kinh doanh, đã tăng từ 40-43 triệu đồng/m2 lên mức 45-52 triệu đồng/m2. Đất ở Quang Châu cũng tăng từ khoảng 30 triệu đồng/m2 lên 34-37 triệu đồng/m2. Đất Ninh Khánh, cạnh quốc lộ 1A thuộc Thị trấn Nếnh, Việt Yên, cũng tăng giá 15% so với tháng 11/2024, đạt mức 55-58 triệu đồng/m2.
Tương tự, tại Hiệp Hòa, đất mặt tiền kinh doanh thuộc Thị trấn Thắng cũng tăng giá từ 70-75 triệu đồng/m2 lên mức 80-84 triệu đồng/m2. Đất mặt đường quốc lộ 37, thuộc Thị trấn Thắng, cũng tăng giá 10% so với trước Tết Nguyên đán, đạt mức 28-35 triệu đồng/m2. Đất thuộc khu dân cư Bắc Lý cũng tăng từ 38-40 triệu đồng/m2 lên mức 42-44 triệu đồng/m2 trong cùng khoảng thời gian.
Động lực tăng trưởng từ hạ tầng và công nghiệp
Sự tăng trưởng của thị trường đất nền Bắc Giang còn được thúc đẩy bởi những động lực phát triển hạ tầng và công nghiệp mạnh mẽ. Các dự án hạ tầng giao thông như tuyến vành đai 4, cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn mở rộng, quy hoạch các tuyến kết nối sang Hải Dương, Quảng Ninh tạo hiệu ứng lan tỏa, gia tăng tính kết nối và tiềm năng phát triển của khu vực.
Bên cạnh đó, các khu công nghiệp (KCN) như Quang Châu, Vân Trung, Hòa Phú tiếp tục thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kéo theo nhu cầu nhà ở, dịch vụ và đất nền tăng theo. Lực đẩy về thu hút FDI và phát triển công nghiệp tiếp tục là đòn bẩy cho sự tăng trưởng của thị trường bất động sản Bắc Giang nói chung và phân khúc đất nền nói riêng.
Giới đầu tư săn lùng đất nền tiềm năng
Theo các môi giới địa phương, những lô đất có giá khoảng 50-70 triệu đồng/m2, vị trí mặt tiền kinh doanh, đang được giới đầu tư địa phương, Bắc Ninh và Hà Nội đặc biệt quan tâm. Đây là nhóm nhà đầu tư sành sỏi, chuyên nghiệp, có xu hướng thận trọng và tập trung vào các lô đất có pháp lý rõ ràng, nằm trong khu vực đã quy hoạch hạ tầng hoặc gần các khu công nghiệp lớn.
Một môi giới địa phương chia sẻ: "Bắt đầu từ khi có đề xuất sáp nhập tỉnh, thành được đưa ra, giá đất tại nhiều khu vực tiềm năng của tỉnh Bắc Giang đã tăng lên, trong đó tăng mạnh nhất là khu vực thành phố".
Đặc biệt, sau khi Nghị quyết 60, dự kiến hợp nhất tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, lấy tên tỉnh là Bắc Ninh, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Bắc Giang, được ban hành, sự quan tâm của giới đầu tư càng trở nên mạnh mẽ hơn.
Kỳ vọng "siêu thủ phủ công nghiệp"
Bắc Giang và Bắc Ninh vốn là hai tỉnh có thế mạnh phát triển công nghiệp, được mệnh danh là "thủ phủ công nghiệp miền Bắc" và là cứ điểm sản xuất của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới.
Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang cho thấy, trong năm 2024, toàn tỉnh thu hút được trên 2,23 tỷ USD vốn đầu tư FDI, xếp thứ 11 cả nước. Riêng trong quý 1/2025, tỉnh Bắc Giang thu hút được 20 dự án đầu tư, trong đó có 11 dự án trong nước với vốn đăng ký 13.630 tỷ đồng (gấp 1,8 lần so với cùng kỳ) và 9 dự án FDI với vốn đăng ký 22,8 triệu USD (bằng 21,8% so với cùng kỳ).
Với 16 khu công nghiệp và 55 cụm công nghiệp, Bắc Giang đang dần hình thành chuỗi sản xuất logistics khép kín, đặc biệt tại các huyện, thị xã giáp với Bắc Ninh như Việt Yên, Hiệp Hòa, Lạng Giang.
Trong khi đó, Bắc Ninh, dù là tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước, nhưng lại đứng thứ 9 về quy mô kinh tế với GRDP năm 2024 đạt hơn 232.800 tỷ đồng. Riêng quý I vừa qua, tình hình kinh tế tỉnh Bắc Ninh có những khởi sắc đáng kể khi GRDP tăng 9,64% so với cùng kỳ.
Hiện nay, Bắc Ninh có 16 khu công nghiệp đã được duyệt quy hoạch với tổng diện tích gần 6.400 ha. Trong đó, 12 dự án đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 62%, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động.
Việc hợp nhất tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh được kỳ vọng sẽ hình thành "siêu thủ phủ công nghiệp" của miền Bắc, với những khu công nghiệp mới có quy mô lớn, tạo không gian phát triển mới hấp dẫn nhà đầu tư.
Giới đầu tư tin rằng, sau sáp nhập, thành phố Bắc Giang, với vai trò là thủ phủ, sẽ thu hút đông đảo dân cư đến sinh sống và làm việc, kéo theo sự phát triển của nhiều dịch vụ và nhu cầu cao về đất ở. Điều này được dự báo sẽ đẩy giá đất khu vực này lên cao hơn nữa.
"Hiện tại, giá đất tại khu vực này vẫn thấp hơn nhiều so với một số địa phương lân cận. Tại một số thành phố lân cận, có khu vực lên đến 200 triệu đồng/m2, trong khi giá cao nhất của Bắc Giang mới đạt hơn 100 triệu đồng/m2. Do đó, nhiều người kỳ vọng đất tại khu vực thành phố Bắc Giang còn nhiều dư địa tăng trưởng", một nhà đầu tư nhận định.
Tú Anh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)