Một số trường như Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Thủ đô Hà Nội, Sài Gòn, Phan Châu Trinh và Nha Trang chấp nhận mức IELTS 4.0, tạo điều kiện cho thí sinh không chỉ được xét tuyển mà còn được miễn thi môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên, phần lớn các trường đại học đưa ra yêu cầu cao hơn, thường từ 5.0 IELTS trở lên. Mức quy đổi phổ biến là từ 7 đến 8.5 điểm cho môn tiếng Anh. Đáng chú ý, nhiều trường như Đại học Bách khoa Hà Nội, Mở Hà Nội, và Sư phạm Hà Nội 2 sẵn sàng cho thí sinh đạt 10 điểm tiếng Anh nếu có IELTS 6.5. Học viện Ngoại giao có yêu cầu cao nhất, chỉ quy đổi điểm cho thí sinh có IELTS 6.0 trở lên, tương đương 7.5 điểm, và yêu cầu IELTS 8.5 để đạt điểm tối đa 10.
Mức quy đổi điểm IELTS của 41 trường đại học, đến 22/4
Bên cạnh việc quy đổi thành điểm tiếng Anh theo thang điểm 10, nhiều trường còn áp dụng quy đổi theo thang điểm khác để kết hợp nhiều tiêu chí. Ví dụ, Đại học Ngân hàng TP HCM quy đổi IELTS từ 4.5 trở lên thành 18-26 điểm theo thang 150. Một số trường còn cộng điểm khuyến khích cho thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Chẳng hạn, Đại học Sư phạm Hà Nội cộng thêm 1-3 điểm cho thí sinh có IELTS 6.5 trở lên khi đăng ký vào các ngành Sư phạm Tiếng Anh hoặc các ngành Sư phạm Toán/Lý/Hóa dạy bằng tiếng Anh.
Theo quy chế tuyển sinh, các trường được phép quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ vào tổ hợp xét tuyển, nhưng trọng số không được vượt quá 50%. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng quy định điểm cộng khuyến khích không được vượt quá 10% mức tối đa của thang điểm xét, nhằm đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong quá trình tuyển sinh. Điều này có nghĩa là nếu thí sinh đã đạt điểm tối đa theo tổ hợp xét tuyển, việc có chứng chỉ ngoại ngữ có thể không còn nhiều ý nghĩa.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)