Dự án dự kiến được xây dựng trên địa bàn xã Tân Tiến và xã Long Hưng, với tổng diện tích khoảng 67,65ha.
Theo báo cáo từ phía nhà trường, công tác đo đạc, lập lưới khống chế và chuẩn bị bàn giao mốc giới đã hoàn tất. Trường cũng đã hoàn thành dự thảo nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, sẵn sàng trình các cơ quan chức năng phê duyệt.
Dự án cơ sở mới của Đại học Bách khoa Hà Nội tại Hưng Yên được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực như kỹ thuật điện - điện tử, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và công nghệ bán dẫn.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Trước đó, vào ngày 25/3, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án Phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội, với mục tiêu đưa trường trở thành một trong những cơ sở giáo dục đại học hàng đầu tại châu Á. Theo đề án, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ phát triển thành một cơ sở giáo dục hiện đại, xuất sắc trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ, đồng thời là trung tâm nghiên cứu, đào tạo tài năng và đổi mới sáng tạo.
Mục tiêu đặt ra là phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội thành cơ sở giáo dục đại học hiện đại, thuộc nhóm hàng đầu châu Á trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ; là trung tâm xuất sắc về đào tạo, phát triển tài năng, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo giữ vai trò dẫn dắt trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam ở các ngành phục vụ phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược (bao gồm các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, chuỗi khối, điện tử, bán dẫn, chip, công nghệ số, robot và tự động hoá, năng lượng, môi trường, công nghệ sinh học, vật liệu tiên tiến...); đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội, của vùng Đồng bằng sông Hồng và của cả nước.
Đề án đặt ra mục tiêu cụ thể cho năm 2030, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt 85%, trong đó có ít nhất 30% giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư, cùng 10% giảng viên, nhà khoa học quốc tế. Ngoài ra, ít nhất 25% chương trình đào tạo sẽ được giảng dạy bằng tiếng Anh, và trường sẽ đào tạo khoảng 8.000 kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ trong các ngành liên quan đến công nghệ và công nghiệp chiến lược. Cùng với đó, trường đặt mục tiêu sở hữu từ 25 đến 30 bằng sáng chế, giải pháp hữu ích mỗi năm, đồng thời có 4 đến 6 nhóm ngành được xếp hạng trong top 300-500 thế giới...
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án Phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội, với mục tiêu đưa trường trở thành một trong những cơ sở giáo dục đại học hàng đầu tại châu Á.
Đến năm 2035, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến trở thành trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo xuất sắc đứng đầu cả nước về khoa học, kỹ thuật và công nghệ, được xếp hạng trong nhóm 100-150 trường đại học hàng đầu khu vực châu Á. Vào năm 2045, trường sẽ nằm trong top 100 trường hàng đầu châu Á về kỹ thuật và công nghệ, đạt danh tiếng toàn cầu về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Để thực hiện mục tiêu này, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đầu tư xây dựng cơ sở 2 của Đại học Bách khoa Hà Nội tại tỉnh Hưng Yên. Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Hưng Yên phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan hỗ trợ nhà trường mở rộng không gian phát triển tại huyện Văn Giang, đảm bảo phù hợp với các quy hoạch có liên quan. Bên cạnh đó, trường sẽ hoàn thiện mô hình phát triển theo hướng tự chủ, hiện đại, hội nhập quốc tế, thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ nghiên cứu và đề xuất cơ chế, chính sách thu hút các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tích hợp chặt chẽ với hệ sinh thái quốc gia, nhằm tạo môi trường nghiên cứu và khởi nghiệp năng động.
H.Anh (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)