Lâu nay người Trung Quốc vẫn coi Khang Hy như một “đại đế” anh minh lỗi lạc, người đã sáng tạo nên “thời thịnh trị Khang - Càn” trong lịch sử gần 300 năm của triều đại nhà Thanh (1644 - 1911). Tuy nhiên, lần giở những trang bí sử của triều đại này, người ta lại phát hiện ra rằng, hóa ra, phía sau ánh hào quang của một “đại đế”, Khang Hy cũng gây ra không ít những vụ lùm xùm tai tiếng.
Lấy cô ruột làm vợ
Chuyện lùm xùm khiến các sử gia bất bình với Khang Hy chính là việc vị “đại đế” vì tư thù đã ngấm ngầm sai người phóng hỏa, đốt chùa giết chết Công chúa Hòa Thạc. Hòa Thạc vốn là con gái của Hiếu Trang Thái hậu, về danh phận tức là cô ruột của Khang Hy.
Sau khi nhà Thanh dẫn quân vào Trung Nguyên, để lôi kéo Ngô Tam Quế, người được coi là có công lớn giúp quân Mãn Thanh chiếm được Trung Nguyên, Hiếu Trang Thái hậu đã quyết định gả Công chúa Hòa Thạc cho con trai của Ngô Tam Quế là Ngô Ứng Hùng. Mặc dù là cuộc hôn nhân mang tính đãi bôi chính trị, tuy nhiên, cuộc sống giữa công tử họ Ngô và công chúa Mãn Thanh tại kinh thành vẫn có thể nói là hạnh phúc. Hai người còn sinh được một cậu con trai kháu khỉnh.
Tuy nhiên, việc đời thay đổi thất thường khó ai có thể lường trước được. Tới năm Khang Hy thứ 12, tức năm 1673, Ngô Tam Quế từ chỗ là liên minh, phục tùng quay ra làm phản. Khang Hy ngay lập tức cho bắt Ngô Ứng Hùng và con trai giam vào ngục làm con tin. Trong thời gian đầu khởi binh chống Thanh, thế lực của Ngô Tam Quế khá mạnh, có những lúc chiếm gần một nửa lãnh thổ Trung Quốc lúc bấy giờ.
Chính vì vậy, một thời gian sau đó, Ngô Tam Quế đã đề nghị với Khang Hy rằng, nếu như Khang Hy thả con trai và cháu của mình ra, ông ta sẽ không đem quân đánh nhà Thanh nữa, hai bên chia đôi giang sơn để cùng cai trị. Khang Hy nhận được tin báo nổi giận đùng đùng, lập tức ra lệnh giờ Ngọ ngày hôm sau chém đầu Ngô Ứng Hùng và con trai giữa chợ, thông báo cho toàn bộ dân chúng trong cả nước, thể hiện quyết tâm sẽ tiêu diệt lực lượng chống đối của Ngô Tam Quế tới cùng.
Khi biết được thông tin này, Công chúa Hòa Thạc lập tức trở nên hoảng loạn. Nghĩ tới việc chồng và con mình ngay ngày mai sẽ đầu lìa khỏi cổ, Hòa Thạc không khỏi đau xót. Để cứu mạng chồng và con mình, Hòa Thạc công chúa vội vàng mặc quần áo tang màu đen vừa khóc vừa chạy vào trong vườn Sướng Xuân của cung Từ Ninh, quỳ gối trước mặt Hiếu Trang Thái hậu xin bà vì đứa cháu ngoại còn non dại của mình mà đến nói với Khang Hy tha cho cha con Ngô Ứng Hùng.
Hiếu Trang Thái hậu nhìn Hòa Thạc quỳ dưới đất khóc lóc nhất định không chịu đứng dậy cũng nước mắt lưng tròng, trong lòng vô cùng khó xử. Một bên là cô con gái mà chính tay bà nuôi lớn cùng đứa cháu ngoại kháu khỉnh, một bên lại là cháu nội và sự uy nghiêm của triều đình. Đương lúc thái hậu còn đang băn khoăn chưa biết quyết định ra sao thì Khang Hy vốn đến thỉnh an thái hậu đã đứng bên ngoài nhìn thấy tất cả những gì vừa diễn ra.
Khang Hy không nói gì, đến khi bước vào phòng thì quỳ xuống trước mặt thái hậu nói: “Thưa thái hậu, giờ đây ngoài chiến trường, binh lính đang ngày đêm đổ máu, thanh thế Ngô Tam Quế ngày một lớn hơn, không giết Ngô Ứng Hùng không thể khích lệ tinh thần quân sỹ. Việc này con e rằng khó có thể nghe theo ý thái hậu được”. Sau đó, với vẻ mặt đau khổ, Khang Hy quay sang nói với cô ruột của mình: “Nỗi khổ của cô cháu không phải không biết, nhưng nếu như không giết Ngô Ứng Hùng, Ngô Tam Quế sẽ còn điên loạn hơn nữa, tới lúc đó, sẽ càng có nhiều người chết hơn. Đứa cháu này không thể hiếu nghĩa vẹn toàn, chỉ mong cô có thể rộng lượng!”.
Tử Cấm Thành
Trưa ngày hôm sau, Ngô Ứng Hùng và con trai bị xử chết đồng thời thông báo khắp cả nước. Cũng may là nhờ thân phận quốc thích, lại có sự cầu xin của thái hậu, hai người mới được chết toàn thây. Nhìn thấy chồng và con trở thành vật hy sinh cho cuộc tranh giành quyền lực, Hòa Thạc khóc ròng nhiều ngày vẫn không nguôi ngoai.
Sau lần đại họa ấy, Hòa Thạc một lòng hướng Phật. Sau đó, một lần tới chùa Thù Tượng trên núi Ngũ Đài, thấy trong chùa có một căn nhà nằm khuất nẻo ở góc Tây Bắc của chùa, bèn đổi tên thành Thiện Tình Thất rồi ở lại đó, ngày đêm tụng kinh niệm Phật. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau đó, có người mật báo rằng, Hòa Thạc và một hòa thượng trong chùa thường xuyên cùng nhau bàn luận kinh sách, giữa hai người dường như có tình cảm đặc biệt, e rằng một ngày thông tin này lộ ra ngoài thì không hay cho hoàng thất chút nào.
Với Khang Hy, bảo vệ sự thống trị của Mãn tộc là điều quan trọng nhất, vì vậy, nghe tin này Khang Hy vô cùng tức giận. Ngay lập tức, vị “đại đế” sai người bí mật đến chùa Thù Tượng phóng hỏa, định đốt cháy toàn bộ chùa nhân đó giết luôn cả Hòa Thạc Công chúa và vị hòa thượng kia. Tuy nhiên, điều đáng kinh ngạc chính là, trong đám cháy ngùn ngùn kéo dài suốt 3 ngày ở chùa Thù Tượng, mọi thứ đều cháy rụi, chỉ riêng có một Thiện Tịnh Thất là vẫn y nguyên, Công chúa Hòa Thạc và vị hòa thượng nọ vẫn bình yên vô sự.
Không chỉ sẵn sàng ra lệnh thiêu sống một người cô ruột vì sợ làm hủy hoại thanh danh của hoàng tộc, với bản tính háo sắc Khang Hy còn chiếm đoạt một người cô khác làm vợ của mình, bất chấp các quy định của tổ tiên. Người Mãn vốn là một dân tộc du mục, khi tiến vào Trung Nguyên vẫn đang ở giai đoạn cuối của xã hội nô lệ. Vì vậy, mặc dù Hoàng Thái Cực, ông vua đầu tiên xây dựng nên sự lớn mạnh của nhà Thanh đã ban bố lệnh cấm không cho người trong cùng một họ được lấy nhau.
Coi đó là tội loạn luân, không thể chấp nhận. Tuy nhiên, việc thay đổi tập tục không phải là ngày một ngày hai có thể thay đổi được. Ngay như việc xảy ra sau khi Hoàng Thái Cực chết, em trai ông ta là Đa Nhĩ Cổn được phong làm nhiếp chính đã lấy Hoàng hậu Hiếu Trang, chính cung của Hoàng Thái Cực làm vợ. Khi đó, cả Hoàng tộc Mãn triều coi đó là chuyện hoàn toàn bình thường, không có gì đáng phải bàn cãi.
Cho tới thời kỳ Khang Hy, cũng từng xảy ra một chuyện tương tự. Trong sách “Thanh đại ngoại sử” có chép rằng, vào thời kỳ Khang Hy có một công chúa là con gái nhỏ của Hoàng Thái Cực, tức là em gái của vua Thuận Trị và là cô ruột của Khang Hy. Khi Thuận Trị chết, cô công chúa này vẫn còn nhỏ nên chưa đi lấy chồng. Sau khi Khang Hy lên ngôi, cô công chúa này vẫn lưu lại sống trong hậu cung. Sau đó, có đại thần xin Khang Hy lo chuyện “trăm năm” cho công chúa này. Khang Hy nghe xong thản nhiên nói: “Giờ còn bàn chuyện cưới hỏi gì nữa, ta đã nạp làm phi tần từ lâu rồi”.
Các quan nghe Khang Hy nói vậy thì giật mình, nói: “Nơi hậu cung cũng là nơi cần phải có sự vương hóa, luân thường không thể đảo loạn. Nay công chúa về vai vế là cô ruột của hoàng thượng, hoàng thượng không thể nạp cô của mình làm thiếp được”.
Khang Hy bình thản nói: “Chưa chắc. Cái gọi là không được kết hôn cùng họ là chỉ mẹ, em gái và con gái do chính mình sinh ra. Đằng này cô thì chẳng phải mẹ cũng chẳng phải con gái ta, cũng chẳng phải là em gái ruột của ta, có nạp làm thiếp thì đã làm sao”. Các đại thần nghe xong cực kỳ kinh hãi, hết sức khuyên can nhưng Khang Hy nhất định không chịu nghe, vẫn nạp công chúa vốn là cô ruột của mình làm phi tử.
Cướp vợ đại thần
Khang Hy là ông vua có nhiều phi tần nhất và cũng là người có nhiều con nhất trong lịch sử các vị Hoàng đế của Trung Quốc. Cho tới tận cuối đời, khả năng chăn gối cũng như sự háo sắc của Khang Hy vẫn không hề giảm. Vì vậy, người đương thời vẫn còn lưu truyền rất nhiều câu chuyện về sự háo sắc bất chấp tất cả của vị “đại đế” này.
Chuyện kể rằng, dưới thời Khang Hy có một vị đại thần họ Trương, vốn là em trai của Trương Đình Ngọc, một trọng thần nổi tiếng dưới thời Khang Hy. Gia đình họ Trương nhiều đời làm thông gia với họ Diêu, thuộc hàng danh gia vọng tộc. Vợ của họ Trương vốn cũng mang họ Diêu, lúc bấy giờ được coi là bậc quốc sắc thiên hương, sắc đẹp khó ai bì kịp. Trong số những người Hán làm quan trong triều đình, họ Diêu là vị phu nhân xinh đẹp và hiền thục nhất. Họ Trương vì vậy, cảm thấy đắc ý vô cùng.
Không ngờ, một lần trong dịp mừng thọ Hoàng Thái hậu, triều đình ra lệnh, các vị phu nhân người Hán cùng với các phu nhân người Mãn phải vào cung để chúc thọ thái hậu. Những người phụ nữ thuộc hai phủ họ Trương và họ Diêu theo lệnh, trang điểm ăn vận thật đẹp để vào cung chúc thọ thái hậu. Đến khi vào cung thái hậu, Khang Hy cũng đang có mặt ở đó. Hoàng Thái hậu vui lắm mới mở tiệc khoản đãi, cho mọi người ở lại trong cung ăn uống vui chơi thoải mái, một ngày sau mới cho về.
Sau khi rời khỏi cung, những người phụ nữ này vẫn như cũ lên kiệu ai về nhà nấy. Tuy nhiên, trong khi tất cả mọi người đều bình yên vô sự thì chỉ có một gia đình gặp chuyện chẳng lành, đó chính là gia đình vị đại thần họ Trương nọ.
Người ta nói rằng, khi Trương phu nhân họ Diêu trở về thì mặc dù quần áo giống hệt lúc rời khỏi nhà nhưng khuôn mặt thì đã hoàn toàn khác. Cả gia đình họ Trương và họ Diêu đều biết là chuyện gì, tuy nhiên, vì không muốn chuốc họa vào thân nên không dám hé ra nửa lời. Cũng từ đó, các vị phu nhân người Hán không ai dám “vâng mệnh” vào trong hậu cung của Khang Hy nữa.
Giết cả con trai
Cả đời Khang Hy có tổng cộng 52 người con, 32 con trai, 20 cô con gái trong đó có 12 người con trai và 9 người con gái mắc bệnh chết khi còn nhỏ. Với con số kỷ lục này, Khang Hy là ông vua đông con nhất trong lịch sử Trung Quốc. Mặc dù thời bấy giờ, hoàng đế không phải thực hiện “sinh đẻ có kế hoạch”, tuy nhiên, việc sinh con quá nhiều đã khiến Khang Hy gặp phải không ít rắc rối.
Vào thời kỳ đầu, nhà Thanh thực hiện “người có đức sẽ được làm chức vụ lớn” chứ không phải theo quy chế “con trưởng kế thừa” như sau này. Tuy nhiên, tiêu chuẩn “có đức” lại rất khó áp dụng trong thực tế, không thể đáng tin như dựa vào quan hệ huyết thống được. Cũng chính vì lý do này, giữa những đứa con của Khang Hy đã nổ ra một cuộc đấu tranh tranh giành ngôi vị thái tử trong suốt một thời gian dài.
Vào năm Khang Hy thứ 14, đứa con trai thứ do hoàng hậu sinh ra là Dận Nhưng được phong làm Hoàng thái tử. Thực tế, tên Dận Nhưng còn có một người anh là con cả Dận Đề, tuy nhiên, do mẹ của Dận Đề chỉ là một thứ phi, thêm nữa, hoàng hậu mẹ của Dận Nhưng sau khi sinh con được ít lâu thì mất sớm. Khi hoàng hậu lâm chung, Khang Hy vô cùng thương tiếc, vì vậy để thỏa mãn ước nguyện của hoàng hậu bèn quyết định phong cho Dận Nhưng làm thái tử, dù Dận Nhưng chỉ là con thứ.
Đàm Diệu Văn trong vai Khang Hy
Tuy nhiên, tới năm Khang Hy thứ 47, do Dận Nhưng “có lối sống xa hoa”, “dâm loạn”, “ngôn ngữ lộn xộn, có triệu chứng của người điên” nên bị Khang Hy phế bỏ. Một năm sau đó, lại nói, Dận Nhưng “do bị ma nhập, nhưng đã chữa khỏi” vì vậy khôi phục lại ngôi vị hoàng thái tử cho Dận Nhưng.
Song, chỉ 2 năm sau đó, Khang Hy lại mượn cớ “bệnh điên” của Dận Nhưng để phế bỏ ngôi vị thái tử rồi đem bắt giam vào ngục tối. Trên các văn bản triều đình, Dận Nhưng do mắc bệnh điên mà bị phế truất, tuy vậy, người ta nói rằng, thực tế không hề diễn ra như thế.
Vào năm đó, Khang Hy đi du hành ở phía Bắc Trường Thành, rất có hứng thú nên mang theo đứa con nhỏ mà ông ta yêu mến nhất là Dận Giới. Tuy nhiên, vùng biên giới phía Bắc không giống như những căn phòng được sưởi ấm ở trong cung, nên trên đường đi, hoàng tử Dận Giới đã nhiễm gió lạnh rồi bệnh rất nặng.
Khang Hy vốn rất yêu mến vị hoàng tử này, nay thấy con bị bệnh không biết làm cách nào, vội vàng cho gọi thái y tới chẩn trị. Người ta nói rằng, trong suốt thời gian Dận Giới bị bệnh, Khang Hy ngày đêm ở cạnh, còn thường xuyên ôm Dận Giới vào lòng sưởi ấm. Tuy nhiên, cuối cùng vị hoàng tử bất hạnh này vẫn không thể qua khỏi.
Sau khi Dận Giới chết, Khang Hy vô cùng đau khổ. Điều khiến Khang Hy đau lòng hơn chính là các vị hoàng tử khác, những người anh em của Dận Giới dường như không hề quan tâm chút gì đến cái chết của Dận Giới, đặc biệt là Thái tử Dận Nhưng. Trong suốt thời gian Dận Giới mắc bệnh nặng, Dận Nhưng không hề hỏi thăm lấy một lần. Đến khi Dận Giới chết, Dận Nhưng cũng không tỏ vẻ gì là đau thương.
Sau đó, một sự việc khác lại xảy ra, giống như lửa đổ thêm dầu. Sau khi Dận Giới chết, Khang Hy liên tục nổi giận với các hoàng tử, tính tình rất bất thường. Điều này khiến các hoàng tử cảm thấy sợ hãi vô cùng. Thái tử Dận Nhưng bị chửi mắng, càng cảm thấy lo lắng vì sợ ngôi vị thái tử của mình bị lung lay. Do quá lo sợ, Dận Nhưng đã sai người bí mật tới thám thính tại phòng ngủ của Khang Hy. Không may, thông tin này bị lộ ra, các vị hoàng tử khác nhân cơ hội đã báo với Khang Hy rằng thái tử Dận Nhưng cho người bí mật theo dõi ông ta.
Khang Hy nghe xong nổi giận đùng đùng cho gọi toàn bộ các đại thần, tướng lĩnh cùng toàn bộ các hoàng tử tới. Trước mặt các đại thần, Khang Hy mắng chửi những đứa con vô tình vô nghĩa của mình, đặc biệt là thái tử Dận Nhưng: “Ngươi thực là quá tệ hại rồi! Bình thường ngươi sống còn xa hoa hơn cả ta, thôi thế cũng cho xong. Đến khi ta phái ngươi đi tuần phía Nam, ngươi lại bắt quan địa phương cống nạp hết thứ này tới thứ khác. Gan ngươi to hơn trời rồi! Đến cả những lễ vật của nước khác cống nạp ngươi cũng tự chiếm riêng cho mình!”.
Nghĩ tới sự việc vừa diễn ra, Khang Hy càng thêm giận dữ: “Em trai ngươi lâm bệnh, ta ngày đêm chăm sóc, trong khi ngươi thân là anh trai mà không hề có một chút quan tâm đau xót. Một người không biết hiếu lễ như ngươi làm sao xứng làm thái tử? Ngươi còn dám đêm tối phái người tới thám thính phòng ngủ của ta, chẳng lẽ ngươi muốn xem ta chết hay chưa? Ngươi phái người ngày đêm theo dõi nhất cử nhất động của ta, mục đích của ngươi là gì?”.
Nói tới đây, vị đại đế triều Thanh không khỏi nước mắt lưng tròng, cảm thấy thất vọng vô cùng vì những đứa con của mình. Cuối cùng, Khang Hy tuyến bố: “Phế bỏ ngôi vị thái tử của Dận Nhưng, những người như thế không thể kế thừa cơ nghiệp của tổ tông được”.
Tuy nhiên, nói đi nói lại thì Dận Nhưng cũng không phải hoàn toàn có lỗi. Khang Hy có quá nhiều con, vì vậy, tình thân giữa các hoàng tử rất ít cho dù là anh em cùng một mẹ. Nguyên nhân chính là vì các vị hoàng tử này ai cũng ngấp nghé vào ngôi vị thái tử. Việc Dận Nhưng phái người theo dõi Khang Hy cũng là vì tâm trạng quá lo lắng cho địa vị của mình.
Mặc dù hai lần phế lập thái tử, song ngôi vị thái tử vẫn chưa thể định đoạt. Khi Khang Hy già và kém minh mẫn, các hoàng tử bắt đầu kéo bè kết cánh, tranh giành nhau ngôi vị thái tử. Cho đến tận khi chết, Khang Hy vẫn chưa công bố người sẽ kế vị mình. Đây cũng chính là lý do vì sao việc Ung Chính, hoàng tử thứ 4 lên ngôi cho tới nay vẫn còn gây ra tranh cãi.
Người ta vẫn nói thái tử Dận Nhưng vì mắc bệnh điên nên mới bị phế truất khỏi ngôi vị thái tử. Tuy nhiên, sách “Thập Diệp dã sử” lại ghi chép một câu chuyện hoàn toàn khác. Chuyện kể rằng, hoàng tử thứ 4 là Dận Chân (tức hoàng đế Ung Chính sau này) khi còn nhỏ thích giao du với các nhân sỹ giang hồ. Có lần Dận Chân tới thiếu lâm, xin học võ. Sư phụ ở đây thấy Dận Chân không phải là người học võ nên dạy cho Dận Chân vài chiêu thiết trường rồi cho phép Dận Chân xuống núi. Trên đường trở về kinh thành, Dận Chân gặp một người trong cung của thái tử ỷ thế ép người. Vì vậy đã dùng thiết trượng đánh cho một trận.
Những người trong phe thái tử biết chuyện, đêm đó phái thích khách tới phủ Ung Chính Vương ám sát Dận Chân. Đêm đó, Dận Chân đang cùng một lạt ma tụng kinh trong phòng thì thấy ngoài cửa sổ có ánh sáng loang loáng, cảm thấy kỳ lạ mới phái vị lạt ma này ra xem có việc gì. Lạt ma nói: “Không cần, ta đã phái lực sỹ đi xem rồi”. Đến sáng hôm sau, Dận Chân ra vườn dạo chơi, thấy trên thân cây có rất nhiều vết đao kiếm, những con chó nuôi trong nhà đều bị chém mất đầu, bên trong vườn có đến 10 xác võ sỹ. Đang lúc Dận Chân còn kinh hãi thì vị lạt ma bước đến nói: “Đây là những thích khách tối qua tìm đến. Võ công của chúng không hề tệ. Tối nay có thể chúng còn tìm tới, mong điện hạ phải cẩn thận”. Dận Chân nghe xong, lập tức sai thủ hạ canh phòng cẩn mật. Đêm đó, người ta chỉ nghe thấy tiếng đao kiếm vang rền trên các mái nhà. Tuy nhiên, không ai dám ra xem vì sợ vạ lây.
Sáng ngày hôm sau, người trong cung thái tử vội vàng chạy ra ngoài mua mấy chục chiếc quan tài. Trong khi đó, phủ Ung Chính Vương cũng hệt như vậy, người ra người vào như có việc gì tấp nập lắm. Lúc đó, cả cung thái tử lẫn phủ Ung Chính vương đều cho người tới gọi vị lạt ma trong triều đến tụng kinh cầu siêu cho những người đã chết.
Người của Ung Chính Vương tới trước nhưng vị lạt ma vừa bước ra thì lại gặp người của thái tử tới gọi. Vị lạt ma vì là chỗ thân tình với Ung Chính nên nói rằng không thể phụng mệnh thái tử. Khi thái tử Dận Nhưng nghe nói như vậy, lập tức nổi giận, nói rằng muốn bắt giết ngay vị lạt ma này. Cũng từ đó, Dận Nhưng đem lòng oán hận Ung Chính.
Lúc đó, có một đạo sỹ từ vùng Tứ Xuyên tìm tới Ung Vương phủ gặp Dận Chân. Hai người vừa gặp, Dận Chân đã phát hiện ra vị đạo sỹ nọ vốn là người bạn mà mình kết giao khi còn du ngoạn giang hồ. Hai người đàm đạo một hồi về võ nghệ, bỗng nhiên, vị đạo sỹ nói: “Điện hạ có nạn, sao không nói cho ta biết?” Dận Chân giật mình hỏi: “Làm sao ông biết?”.
Vị đạo sỹ nói: “Ta nghe nói trong cung thái tử có một đạo sỹ có thể dùng chiếc mũ sắt lấy đầu người khác trong vòng cả trăm dặm. Đêm nay, y sẽ tìm cách làm hại điện hạ. May là ông trời không bạc với điện hạ, ta biết được việc này nên mới đến báo với điện hạ”. Ung Chính nói: “Vậy làm cách nào để đối phó?”.
Vị đạo sỹ cười nói: “Tên đạo sỹ kia dùng mật chú lạt ma để sử dụng ma thuật. Tối nay ta sẽ làm cho ma thuật của hắn phản ngược lại. Điện hạ nên căng một chiếc áo cà sa ở ngoài sân. Chiếc mũ sắt sẽ bị rơi vào chiếc áo cà sa này. Chúng ta giữ lấy, sau này sẽ có lúc dùng”.
Ung Chính nghe theo, quả nhiên thu được chiếc mũ sắt. Thái tử Dận Nhưng nghe nói chiếc mũ sắt bị biến mất, tức giận lắm nên mới thành bệnh, nằm liệt giường không dậy được. Ung Chính nghe vậy, phái lạt ma tìm tới cung thái tử nói: “Ta có một viên tiên đan có thể trị bệnh cho thái tử”.
Dận Nhưng nói: “Lần trước ngươi giúp cho Dận Chân, giờ làm sao ta dám uống thuốc của ngươi”. Lạt ma nói: “Không phải như vậy. Dận Chân bạo ngược, ta lầm tưởng y là bậc minh chủ mới theo y. Nay thấy thái tử gặp nạn, không thể không cứu”. Thái tử Dận Nhưng nghe vậy, liền tin lạt ma, uống viên tiên đan mà y đưa cho.
Viên tiên đan mà thái tử Dận Nhưng uống vào vốn là thuốc kích thích, không thể lạm dụng. Nhưng Dận Nhưng không biết, vẫn uống thuốc theo chỉ dẫn của lạt ma, cuối cùng thần kinh bị kích thích quá độ nên hóa điên, suốt ngày la hét đập vỡ hết đồ đạc xung quanh mình, đến cả việc đại tiểu tiện cũng không thể tự làm được. Thái tử phi thấy vậy, sợ hãi chạy tới tìm Khang Hy.
Khang Hy sai người tới xem xét bệnh tình của thái tử. Sứ giả đi rồi về báo thái tử đã trở nên điên loạn, giống như một con thú điên, không còn nhận ra ai nữa. Khang Hy không còn cách nào khác, đành phải ra lệnh phế bỏ ngôi vị thái tử của Dận Nhưng, rồi đem nhốt vào phòng tối. Vị thái tử Thanh Triều ít lâu sau đó đã chết vì bệnh tật và đói rách trong chốn thâm cung lạnh lẽo.
Đời sống & Pháp luật