Đang lúc trái tim khô héo vì người vợ không may chết trẻ, Triệu La gặp Lý Tủa trên nương. Qua những tia nắng sống động buổi bình minh, người đàn bà có chồng, đẻ sòn sòn 3 con vẫn duyên dáng, nai tơ trong mắt người đàn ông góa vợ. Lửa tình yêu trong người nổi lên, Triệu La buông lời ong bướm tán tỉnh người đàn bà sống cùng bản. Lá cây rừng xào xạc, tiếng chim hót véo von chứng kiến cảnh “4 mắt nhìn nhau lóe lửa tình” và…
Ảnh minh họa
LS. Nguyễn Mai (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) mở đầu câu chuyện tình đẫm nước mắt mà chị nhớ từng chi tiết với chúng tôi bằng câu: “Thế gian được vợ, hỏng chồng. Đâu phải tiên bồng mà được cả đôi”.
Chồng say, ngả ngay vào lòng anh hàng xóm
Thế nhưng, cái hỏng của người vợ trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng này, khiến người nghe như chúng tôi đây phải giật mình kinh hãi. LS. Nguyễn Mai giọng đều đều: Mỗi lần lên nương về nhà, nhìn cảnh quen thuộc chồng say rượu nằm trên giường, Tủa thấy cuộc sống gia đình sao mà khổ đến vậy. Chẳng khác gì địa ngục. Nhìn quanh ở cái xã Nậm Né, Văn Bàn, Lào Cai này, chồng người ta hàng ngày chăm chỉ lên nương, làm rẫy khỏe như con trâu mộng. Còn chồng mình, người như cái giẻ khoai, yếu như con sên, suốt ngày say say, tỉnh tỉnh vì uống rượu quá nhiều, trái tim người vợ đau quặn thắt. Tình yêu vợ chồng tựa hồ như những giọt sương ban mai đọng trên lá cây rừng bị ánh nắng hè chói chang buổi trưa thiêu đốt, tan chảy đi đâu mất. Nhiều đêm không ngủ, nghĩ về tương lai 4 đứa con (1 đứa con riêng của chồng) đang tuổi ăn, tuổi lớn phải ăn đói, mặc rét, người vợ tủi thân, khóc thầm một mình.
Trước khi cưới Tủa về làm vợ, anh Tùng đã có một đời vợ và một đứa con. Cũng giống như bao gia đình người dân tộc Dao sinh sống ở huyện Văn Bàn, hàng ngày Tủa cùng chồng lên nương làm rẫy, vào rừng săn bắt, hái lượm. Cuộc sống của đôi uyên ương mới cưới này tuy còn vất vả, nhưng tràn đầy hạnh phúc, như đôi chim rừng luôn quấn quýt bên nhau từ sớm tinh mơ cho đến khi ông mặt trời đi ngủ. Sống tự nhiên như cây trong rừng chen hoa, đua lá, Tủa lần lượt sinh 3 đứa con (2 trai, 1 gái-PV). Con cái đông lên, cuộc sống gia đình thêm phần thiếu thốn. Hai vợ chồng Tủa bảo nhau cố gắng lên nương sớm hơn, về nhà muộn hơn để có cái ăn, cái mặc cho con cái. Những ngày giáp hạt, vợ chồng tiết kiệm, đến củ khoai, củ sắn lót dạ cũng phải tằn tiện qua ngày.
Từ ngày bị “con ma mẹ” sai khiến, kiếm được bao nhiêu tiền, người chồng cũng quy ra chai, ra lít rượu, tu sạch. Mỗi lần đi làm nương về, trong người đang mệt nhọc, chứng kiến cảnh người chồng hay say xỉn, người vợ trẻ mất dần tình yêu đối với chồng. Thay vào đó là sự chán chồng, buồn tủi về tương lai mù mịt đang ở phía trước.
Trong lúc trái tim Tủa đang ngày một héo mòn tình yêu với chồng, cô lại được gã đàn ông góa vợ sống cùng bản tên Triệu La tán tỉnh, le ve như muốn “ăn tươi, nuốt sống” ở trên nương rẫy. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, Tủa ngả vào vòng tay người đàn ông có thân hình săn chắc này lúc nào không hay biết. Chỉ biết rằng, cuộc tình vụng trộm của người đàn bà đã có chồng với người tình thường diễn ra trong màn che phủ của lá cây rừng rậm rạp. Người chồng nát rượu không hay biết mình đang bị vợ “cắm sừng” một cách phũ phàng.
Và còn khủng khiếp hơn nữa. Người vợ ấy và nhân tình đang lên kế hoạch khử ông chồng chỉ biết say và say. Kế hoạch đã sẵn sàng…
Ác nhân ra tay tàn độc
Khi đã trở thành người tình của La, hình ảnh người chồng “đầu gối tay ấp” hiền lành, không còn chỗ đứng trong trái tim Tủa. Khao khát được sống hàng ngày bên La khiến trái tim người đàn bà ngoại tình trở nên mất nhân tính. Kế hoạch giết chồng được Tủa bàn kỹ lưỡng với người tình. La xúi Tủa thực hiện mưu kế thâm độc giết hại chồng như sau: “Rủ nó (anh Tùng-PV) lên rừng, lấy đá ném vỡ đầu, rồi quẳng xác xuống vực là xong chuyện. Mọi người sẽ nghĩ nó ngã chết…”. Đúng như đã hẹn, Tủa rủ chồng vào rừng lấy cây mây. Trước đó, La trang bị súng kíp, dao nhọn vào rừng phục sẵn ở điểm hẹn.
Đúng như kế hoạch định sẵn, sau một ngày lao động vất vả, hai vợ chồng anh Tùng chặt được một bó cây mây to tướng. Tủa nói với chồng gùi bó mây to về trước, còn mình tranh thủ kiếm một bó mây nữa sẽ về sau. Nghe theo lời vợ nói, anh Tùng còng lưng gùi bó mây đi theo đường mòn về bản. Đi được một quãng đường rừng khá xa, do gùi nhiều cây mây nặng, người anh Tùng mồ hôi vã ra như tắm. Đang lúc mệt mỏi, rệu rạo chân tay, anh Tùng nhìn thấy La từ đâu đi tới. Khi hai người ở khoảng cách rất gần nhau, La bất ngờ ném một hòn đá to trúng đầu anh Tùng. Vì đang gùi trên lưng bó mây nặng, anh Tùng không thể né được đòn đánh chí mạng này. Anh ngã lăn ra đường, đầu óc choáng váng. Nhanh như một con sói vồ mồi, La xông đến đánh anh Tùng thừa sống, thiếu chết. Khi nạn nhân không còn khả năng chống cự, La tiếp tục thực hiện hành vi tàn ác của mình là đẩy anh Tùng xuống khe núi dưới vực sâu. Trong lúc hiểm nghèo, sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc, anh Tùng thều thào xin tha mạng, nhưng kẻ sát nhân giọng vẫn lạnh lùng: “Vợ mày bảo tao giết mày”. Nói xong, hắn đẩy anh Tùng xuống vực sâu.
Biết chắc chắn chồng của người tình đã chết, La ngồi đợi Tủa đi qua để “báo công”. Đôi gian phu, dâm phụ mãn nguyện với kế hoạch giết người của mình, cho rằng có thể che mắt được thiên hạ. Thế nhưng, lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt. Kẻ gây tội ác kinh hoàng, làm rúng động không chỉ tỉnh Lào Cai, mà lan xa mấy tỉnh vùng Tây Bắc suốt mấy năm qua đã phải trả giá bằng mạng sống của mình. Hung thủ Triệu La đã phải nhận mức án cao nhất là tử hình. Theo tin tức PV báo Đời sống và Pháp luật có được, hiện Lý Tủa đang thụ án tù chung thân về tội “giết người” tại trại giam Xuân Nguyên, Hải Phòng. Có lẽ, suốt cả cuộc đời này, Lý Tủa không thể nào quên được tội ác giết chồng. Người đàn bà này đang gặm nhấm thời gian, đau xót nghĩ về quá khứ với niềm ân hận vô bờ bến.
Tâm sự với chúng tôi, phạm nhân Tủa cho hay, nhiều năm thụ án tại trại giam Xuân Nguyên, 3 đứa con của chị ta chưa một lần đến thăm mẹ chúng. Đây là nỗi day dứt lớn nhất trong đời người đàn bà này. Nhiều lúc tình mẫu tử trỗi dậy, Tủa nhờ người biên thư về cho con. Người mẹ tội lỗi vẫn nuôi hy vọng một ngày nào đó, những đứa con mình đứt ruột đẻ ra sẽ “hồi tâm, chuyển ý”, gửi cho mẹ chúng một lá thư. Dù lá thư đó chỉ có một nhúm chữ thôi, nói về cuộc sống hiện tại của chúng, cũng đủ làm trái tim người mẹ bớt đau buồn, tủi hổ về tội lỗi của mình gây ra.
Thời gian trôi nhanh, tuổi ngày một cao, niềm hy vọng con đến thăm, hay biên thư hồi đáp mỗi ngày vẫn ngự trị trong trái tim người mẹ tội lỗi. Đến nay, niềm mong ước nhỏ nhoi này vẫn chưa một lần trở thành hiện thực.
Nhìn nhận về góc độ tâm lý, luật sư Mai cho biết, nguyên nhân của vụ án nói trên có rất nhiều. Về góc độ tâm lý của mỗi con người thì không có ý thức sát hại lẫn nhau nhưng do sự tác động của những chất kích thích, tính cách nóng nảy cùng với những tác động khác đã khiến họ có những hành xử như trên. Bên cạnh đó có một số người còn coi nhẹ giá trị gia đình, đạo đức cũng như nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với các thành viên khác trong gia đình. Từ đó mà họ có cách hành xử rất thiếu tôn trọng, không đúng mực với người thân…
Vì vậy bên cạnh các thiết chế văn hóa xã hội, pháp luật của Nhà nước thì bản thân mỗi người, mỗi gia đình phải tự xây dựng cho mình một lối sống biết hy sinh, sống vì người khác, đồng thời triệt tiêu sự bất bình đẳng và hóa giải mọi khúc mắc ngay từ khi nó mới nhen nhóm.
Doisongphapluat.com