Hiện nay tùy vào điều kiện từng gia đình, mà có thể làm lễ tiến ông Công ông Táo vào thời điểm khác nhau. Có người cúng buổi sáng, có người cúng buổi chiều ngày 23 tháng Chạp, có người cúng hôm trước. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, nếu cúng vào đúng ngày 23 tháng chạp thì vẫn hay hơn.
Nếu không thể cúng đúng ngày, thì các gia đình có thể cúng ông Công, ông Táo bắt đầu từ ngày 21 tháng Chạp. Thông thường giờ cúng tốt nhất là vào trưa ngày 23, giờ Ngọ (từ 11 - 13h), vì đây là thời điểm các thần tập trung để chuẩn bị về Trời.
Cúng ông Công, ông Táo ở đâu?
Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến trái chiều về việc cúng ông Công, ông Táo trên bàn thờ hay ở bếp. Thông qua nguồn gốc ý nghĩa của việc thờ cúng, từ xưa cuộc sống của người Việt cổ quây quần bên bếp lửa, mọi sinh hoạt trong gia đình đều diễn ra quanh bếp lửa nên việc cúng ông Công ông Táo khởi thủy là đặt bên cạnh bếp lửa.
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo phải được đặt ở một nơi riêng, có thể đặt trong nhà, dưới bếp, ngoài vỉa hè, tùy từng gia đình nhưng không được cúng trên bàn thờ chính, cúng giờ nào cũng được, từ ngày 22 đến 24 tháng Chạp, theo tục lệ của từng địa phương, quan trọng nhất là tấm lòng thành của gia chủ.
Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo gồm những gì?
Lễ vật cúng Táo quân truyền thống gồm có mũ ông Công 3 cỗ hay 3 chiếc: hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà.
- Mâm cỗ mặn:
1 đĩa gạo; 1 đĩa muối; 5 lạng thịt vai luộc hoặc gà luộc ngậm hoa hồng
1 bát canh mọc hoặc canh măng; 1 đĩa xào thập cẩm
1 đĩa giò; 1 đĩa xôi gấc hoặc bánh chưng
- Mâm cỗ ngọt:
1 đĩa chè kho; 1 đĩa hoa quả; 1 ấm trà sen
3 chén rượu; 1 quả bưởi; 1 quả cau, lá trầu
1 lọ hoa đào nhỏ; 1 lọ hoa cúc; tập giấy tiền, vàng mã; cá chép sống
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ lễ nghi cần thiết thì người lớn nhất trong nhà tắm rửa sạch sẽ, xúc miệng bằng rượu, trước khi làm thủ tục.
Bài cúng ông Công ông Táo bằng tiếng Việt (Theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hóa Thông tin)
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương
Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ (chúng) con là: ……………
Ngụ tại:…………
Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.
Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.
Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm.
Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.
Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.
Nam mô A di đà Phật!
Nam mô A di đà Phật!
Nam mô A di đà Phật!
Không nên khấn xin tài lộc, sung túc
Thực chất, lễ cúng 23 tháng Chạp mang ý nghĩa tiễn ông Công ông Táo về trời để báo cáo việc lớn việc nhỏ trong năm của gia chủ với thiên đình. Vì thế, việc cầu xin tài lộc, sung túc là không nên. Các gia đình chỉ nên khấn xin Táo báo những việc tốt đẹp trong năm.
Không được ném cá từ trên cao
Trong ngày 23, cá chép tượng trưng cho thần linh chính vì vậy các gia đình nên thả cá từ từ xuống nước để cá có thể sống được. Vì vậy, tuyệt đối không được đứng từ trên cao như trên cầu, ném cá chép xuống sông, hoặc buộc cả túi bóng ném xuống nước rất có thể cá sẽ chết. Làm như vậy không những làm mất đi ý nghĩa tâm linh mà còn gây ô nhiễm môi trường.
Lưu ý: không đốt tiền âm phủ vì họ là thần tiên, họ không phải là vong hồn người âm nên nếu đốt tiền âm phủ họ sẽ không nhận.
Cúng ông Công, ông Táo theo từ vấn của GS phong thuỷ
Theo quan niệm của người xưa, Thổ Công, Táo Quân, Thổ Kỳ là 3 vị thần tiên được Trung ương Hoàng Đế phái xuống để làm các vị thần cai quản những gia đình ở hạ giới.
Họ đều là nguyên thần của các vị thần tiên trên trời được nhận sắc lệnh của Ngọc Đế mà xuống cai quản ở trần gian. Họ là đại diện cho thần tiên. Vì vậy, theo GS Lương Ngọc Huỳnh, lễ cúng Táo Quân là nghi lễ của Thần Tiên. Không phải nghi lễ của Phật Giáo. Mọi người không nên hiểu lầm.
Do vậy, bài Văn khấn cúng tiễn theo tư vấn của GS Lương Ngọc Huỳnh như sau: (Ta viết văn khấn vào một tờ giấy sớ màu đỏ hoặc màu vàng)
Kính lạy Thượng Đế.
Kính lạy Ngũ Đế. Đông phương Thanh Đế, Nam phương Xích Đế, Tây phương Bạch Đế, Bắc phương Hắc Đế, Trung ương Hoàng Đế.
Kính lạy các vị đại tiên.
Kính lạy: Thượng đàm thần tướng thiên thiên tướng.
Trung đàm thần tướng thiên thiên binh.
Hạ đàm thần tướng thiên thiên mã.
Kính lạy sơn thần, long thần, thổ địa, thổ công táo quân, thổ kỳ, thần tài hạ đàn chứng giám
Hôm nay là ngày 23 tháng chạp năm.... Là ngày thần Táo quân về trời tấu sớ.
Tín chủ con tên là... sinh ngày... tháng... năm... nguyên quán... địa chỉ thường trú... với tấm lòng thành kính con xin sửa soạn lễ vật, cùng sơn hào hải vị, tiền vàng, nhang đăng thỉnh cầu kính mời Thượng Đế, Ngũ Đế, các vị Đại Tiên, các vị Thần Tướng, Thiên Tướng, Thiên Binh, Thiên Mã, cùng chư vị thần tiên trên trời dưới đất, chứng giám cho con được làm lễ tiễn thần Thổ Công Táo Quân về trời tấu sớ lên Ngọc Hoàng Đại Đế.
Kính lạy Sơn Thần, Long Thần, Thổ thần thổ địa, thổ công táo quân, thổ kỳ hạ đàn chứng lễ.
Trong năm qua nhờ ân phúc của Thượng Đế, Ngũ Đế, các vị Đại Tiên và các Ngài mà chúng con được mạnh khoẻ, hạnh phúc, vận khí hanh thông mọi việc đều như ý.
Nay con làm lễ với tấm lòng thành kính biết ơn và xin được tiễn chư ngài về trời tấu xin Thượng Đế, Ngũ Đế, cùng chư vị Thần Tiên, toàn gia quyến chúng con xin vô cùng cảm tạ ân đức của Thượng Đế cùng chư ngài đã che chở cho chúng con trong suốt năm qua.
Nay kính mong Thần Táo Quân gợi ý lên Tam Thanh Ngọc Hoàng Đại Đế cầu xin Thượng Đế khai ân minh xét để sang năm mới Kỷ Hợi 2019, đất nước con được thái bình, quê hương con được giàu đẹp, gia tộc và gia đình con luôn được mạnh khoẻ hạnh phúc, an khang thịnh vượng, vận khí hanh thông, vạn sự như ý.
Con cầu xin Thượng Đế, Ngũ Đế các vị Đại Tiên, cùng chư ngài chứng giám cho tấm lòng thành kính của chúng con.
Kính chúc Thượng Đế, Ngũ Đế, các vị Đại Tiên cùng chư ngài thiên thiên tuế. Con xin tỏ lòng biết ơn và xin đa tạ.
(Con xin đa tạ, con xin đa tạ, con xin đa tạ!)
Những gia đình có điều kiện thì làm được như vậy. Ai không có điều kiện thì thần tiên không bắt buộc phải lễ nghi trịnh trọng. Tuỳ theo hoàn cảnh của mình mà làm, có sao thì ta làm vậy, cốt ở tấm lòng thành kính là được.
* Bài viết mang tính tham khảo, chiêm nghiệm!
Đức Hoà (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)