Duyên phận kỳ lạ
Sinh ra ở mảnh đất cố đô Huế giàu truyền thống cách mạng, khi giặc ngoại sâm tràn vào đánh chiếm nước ta, người dân sống trong cảnh lầm than, khổ cực… Điều đó, đã đánh thức trái tim cô bế Diều mới 10 tuổi lòng căm thù giặc sâu sắc. Với tố chất thông minh, nhanh trí và có năng khiếu về ngoại ngữ, cô Diều được cài vào “Sở Mỹ” tại xã Phụ Bài, Thừa Thiên – Huế để làm các công việc như: Nấu ăn, giặt là quần áo, dọn dẹp, lau chùi, quét dọn… với mục đích thăm dò, lấy thông tin, mật báo cho bộ đội ta.
Ngồi trong nhà Rường “trăm tuổi”, cụ Diều nhớ lại: “Lúc đầu mới vào đó tôi sợ lắm, mặt bọn chúng lúc nào cũng “đằng đằng sát khí”, trên tay với khấu súng khư khư sẵn sàng nhả đạn bất cứ lúc nào, nếu chúng nghi ngờ. Thời gian đầu chúng kiểm soát tôi rất gắt gao, vì sợ tôi làm gián điệp. Đến lúc tin tưởng bọn chúng mới thả lỏng, nhân cơ hội này tôi truyền thông tin, tài liệu ra ngoài”.
Theo như lời cụ Diều, khi mới đặt chân vào môi trường “Tây – Việt” quân Mỹ “thử” rất nhiều chiêu bài. Luôn tạo ra các tình huống để xem cụ Diều có phải là gián điệp không như: Để rơi vãi giấy tờ, đơn từ, vũ khí… nhưng thực chất chúng đang bố trí người theo dõi, nếu phát hiện cụ Diều là gián điệp thì chúng “xử” ngay… Tuy nhiên, chiêu bài của bọn chúng đã không qua mắt được cụ Diều.
Lòng gan dạ, quả cảm kết hợp với sự mưu trí khôn lường và nhiều năm sống trong quân đội Mỹ. Cụ Diều đã đóng góp một phần không nhỏ và chiên thắng của quân đội ta. Đặc biệt, là đại thắng mùa xuân năm 1975, kết thúc cuộc kháng chiến oanh liệt chống Mỹ cứu nước suốt 21 năm, chấm dứt sự thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ và chủ nghĩa thực dân mới trên đất nước kéo dài 117 năm.
Non sông thu về một mối, cụ Diệu trở về sống ở làng Thủy Thanh, Thừa Thiên – Huế. Qua mai mối, cụ Diều kết hôn với một chàng trai cùng thôn, đôi vợ chồng trẻ sinh hạ một đứa con gái. Nhưng cuộc đời đã không mỉm cười với cụ Diệu, lấy phải người chồng nghiện cờ bạc, nghiện hút, luôn đánh đập vợ con. “Đứt gánh giữa đường”, hai mẹ con đành mang bị vào Sài Gòn “kiếm kế sinh nhai”… Cụ Diều thờ dài nhớ về quá khứ: “Lúc đó, 2 mẹ con tôi như con vật, lạc lõng, bơ vơ giữa chốn phồn hoa đô thị, mượn vỉa hè, gốc cây để trú ngụ, bới trong rác để kiếm cái ăn mà tồn tại. Cảm thương hoàn cảnh 2 mẹ con tôi, một số chủ quán cơm nhận vào rửa bát, giúp việc lặt vặt… Lúc ấy, tôi không nghĩ mình còn sống cho tới bây giờ”.
Bao nhiêu năm “tha phương cầu thực”, tuổi đã cao, sức khỏe yếu đi, con cũng đã lớn. Năm 1987, 2 mẹ con cụ Diều quyết định trở về quê hương sinh sống. Đưa tay lau vội giọt nước mắt, cụ Diều bần thần chia sẻ: “Đời tôi như cánh bèo trên sông, nay trôi dạt chỗ này mai trôi dạt chỗ khác. Chỉ biết ngậm ngùi mà chịu đựng, số trời đã định, mình có muốn cũng chẳng được”.
Những năm tháng lưu bạt đất khách quê người, chắt chiu để nuôi con khôn lớn, nay trở về quê hương tưởng rằng được nhờ cậy đến con. Nhưng ai ngờ con gái cụ lại “dẫm phải vết xe đổ”, lấy phải thằng chồng nghiện hút, cờ bạc… Đành mang tiếng bỏ chồng con hơn sống chung với với người chồng nghiện, gửi con lại cho cụ Diều chị vào Nam làm ăn. Thân già còm cõi vẫn không được nghỉ, lại phải kiếm cái ăn cái mặc cho đứa cháu. Nghĩ giờ tuổi cao sức yếu không biết làm gì ra tiền, sẵn có vốn ngoại ngữ và am hiểu một chút tướng số, cụ Diều đã chống gậy ra cầu ngói Thanh Toàn bán hàng rong và “coi bói” lấy niềm vui cho khách du lịch. Khi khách nước ngoài bước vào cầu ngói Thanh Toàn đều ngỡ ngàng và bất ngờ một cụ già luôn nở nụ cười, tiếp chuyện làm quen nói tiếng Anh rất “rành”.
Cụ Diều chia sẻ: “Tây thích nhất là coi quá khứ, tương lai sắp tới, tháng này làm ăn thế nào? Chuyện vợ chồng có cách trở hay không? Là tôi chỉ ra cho họ biết để họ tìm cách giải quyết…”. Cụ Diều còn bật mí thêm: “Dù mình biết nhưng cũng phải dấu chuyện buồn của họ đi, bởi quá khứ rất nhiều chuyện rơi lệ. Nói chuyện vui thì họ rất thích nghe, đặc biết là tôi nói cho họ về đường tình duyên, những chuyện sắp xảy ra cho họ tránh”.
Gần 40 năm gắn bó với “nghề” sử dụng ngoại ngữ để xem bói ở cầu ngói Thanh Toàn, tiếng tăm về cụ Diều đã vang xa khắp cả thế giới. Cụ Diều tâm sự: Cứ có đoàn khách nước ngoài về thăm quan cầu ngói Thanh Toàn là họ điều tìm gặp tôi bằng được. Còn chuyện tiền bạc, họ cảm ơn tôi bao nhiêu cũng được, tôi không đòi hỏi, cốt là được trò chuyện và làm cho họ vui vẻ”.
Hướng dẫn viên có một không hai
Xem bói có thế là cái nghề nuôi sống cụ Diều đến ngày hôm nay. Nhưng điều mong muốn nhất của cụ, là giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước hiểu thêm về di tích lịch sử cầu ngói Thanh Toàn.
Cụ Diều “hướng dẫn viên du lịch” ở cầu ngói Thanh Toàn
Theo sử sách ghi chép lại: Làng Thanh Thủy xưa kia có tên là Thanh Toàn (làng được 12 vị tộc trưởng người Thanh Hóa lập ra vào khoảng thế kỷ XVI). Xưa kia đây là vùng chiêm trũng, việc giao thông trong làng gặp nhiều khó khăn. Trước tình cảnh đó, bà Trần Thị Đạo (cháu 6 đời của một trong 12 vị khai canh làng, có chức tước “đặc kiến phụ quốc thượng tướng quân Cẩm Y Vệ Phó quản lĩnh”) kết hôn với một quan lớn hàng đầu triều ở xứ Thuận Hòa, vào thời nhà Trịnh đánh chiếm Phú Xuân. Sau một thời gian sống ở quê chồng bà đã quay về bản sinh sống. Bất trắc thay, hai vợ chồng không có con, để làm một điều gì đó lưu lại cho muôn đời sau, bà đã bỏ tiền túi ra mua gỗ, thuê thợ giỏi về tạo dựng chiếc cầu tặng quê hương. Cầu được khởi công vào năm 1776, kết cấu bằng gỗ, mái ngói theo (kiểu Thượng gia Hạ kiều), được trạm khắc hình con vật với chủ đề tứ linh: Long, Ly, Quy, Phụng, gồm 7 gian, gian giữa bây giờ thờ bà Trần Thị Đạo.
Khách Tây rất thích cách nói chuyện dí dỏm của cụ Diều khi giới thiệu về lịch sử ngôi làng cho đến cầu ngói Thanh Toàn và xem bói. Ấn tượng nhất khi khách tiếp xúc, là khả năng sử dụng ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp…) của cụ Diều rất chuẩn. Cụ Diều cho biết: “Hầu như khách Tây đến đây họ đều hỏi.Tại sao ở ngôi làng lại xuất hiện cái cầu độc đáo như vậy? Cầu do ai dựng lên, vào năm nào? “Đồng thời đây là cơ hội cho tôi giới thiệu về phong tục, tập quán, các đặc sản của quê hương cho Tây biết và hiểu về Huế nói riêng và Việt Nam nói chung”, cụ Diều chia sẻ.
Ngày mưa cũng như ngày nắng cụ Diều đều có mặt tại cầu ngói Thanh Toàn để làm công việc quen thuộc của mình. Khi khách du lịch đặt chân tới cầu đều bắt gặp ngay một cụ già có mái tóc bạc trắng với lời chào hỏi: “Hello! Welcome to Thanh Toan tile bridge” (Chào mừng quý khách đến với cầu ngói Thanh Toàn). Cụ Diều là sợi dây kết nối nét văn hóa truyền thống của Việt Nam đến bạn bè thế giới.
Cụ Ngảnh, 80 tuổi (người trong làng) cho biết: “Cụ Diều bây giờ đã nổi tiếng khắp thế giới rồi. Cụ nói chuyện với Tây giỏi lắm, khách du lịch trong nước hay nước ngoài tới đây thăm quan nếu muốn gặp cụ Diều cứ tìm đến cầu ngói Thanh Toàn là gặp liền. Cụ Diều đã đưa tên tuổi cầu ngói cũng như tên làng vang xa”.
Ông Trần Duy Khánh, chủ tịch xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy cho biết: Cụ Diều đã đem đến cho du khách nhiều niềm vui, đồng thời cụ là người biết đưa giá trị văn hóa truyền thống dân tộc mình đến bạn bè năm châu. Phía chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho việc làm của cụ Diều. Đây chính là pho lịch sử sống của làng, nhờ bà mà văn hóa được bay xa đế rất nhiều bạn bè khắp nơi trên thế giới.
Kinh Doanh & Pháp Luật