Vụ đánh ghen “gần đất xa trời”
Theo trình của bà H. tại các cơ quan chức năng cũng như chia sẻ với PV về sự việc bà bị đánh ghen tàn nhẫn, cắt xé quần áo, cướp điện thoại, dây chuyền vàng rồi quẳng ra ngoài không một mảnh vải che thân là một sự tủi nhục ghê gớm. Hơn nữa, việc xảy ra đã khá lâu nhưng những đối tượng đánh bà vẫn không hề có động thái thiện chí nào để giải quyết. Sau đó, sự việc được trình báo lên cơ quan chức năng nhưng quá trình điều tra, Công an huyện đã không khởi tố vụ án vì cho rằng sự việc không có dấu hiệu hình sự (!?).
Câu chuyện bà H. bị đánh ghen ở tuổi ngoài 60 đã khiến dư luận bàn tán, những ánh nhìn soi mói, diễu cợt, khó lý giải. Chưa bàn đến chuyện đúng sai, nhưng việc một bà cụ ngoài 60 tuổi bị một bà cụ khác cũng ở tuổi 70 cùng các con tổ chức đánh ghen là một câu chuyện... nực cười.
Hai cô con dâu (bên trái) bức xúc cho rằng sự việc không được giải quyết thỏa đáng
Vợ chồng ông C. (người hàng xóm) cho biết: “Hôm xảy ra sự việc, tôi cùng rất nhiều người dân trong xóm đều biết và tập trung lại nhằm can ngăn, giải cứu. Bà H. bị đánh khá nặng, cơ thể và chân tay tím tái, sưng vù; máu mũi, máu miệng trào ra; quần áo bị cắt xé tan tành, bà ấy phải lên thuyền giấu mình vì không có quần áo trên người, đến khi con cái phải mang quần áo đến cho mặc mới dám về nhà”. Tỏ vẻ thông cảm, chị L. (người trong xã và chứng kiến sự việc) bày tỏ: “Tôi chẳng hiểu các cụ ông, cụ bà này có tình cảm gì với nhau và thực hư của vấn đề ra sao, nhưng chắc chắn cũng phải có cái cớ, có lý do gì đó mập mờ thì mới xảy ra cái chuyện lùm xùm nực cười vậy. Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cách hành xử ghen tuông của những người đã lên ông, lên bà như vậy. Cách hành xử của họ rất thô bạo, tàn nhẫn, không thể chấp nhận được.
Được biết, nhà ông Kh. ở phía ngoài đê, cách nhà bà H. khoảng 2km. Con trai, con gái và cháu của ông Kh. cũng đã trưởng thành; kinh tế gia đình thuộc dạng khá giả. Sau sự việc lùm xùm mà vợ con mình gây ra, ông Kh. không sống ở nhà nữa vì cho rằng chẳng còn mặt mũi nào nhìn bà con làng xóm.
Bà H. có 3 người con trai đều đã có gia đình riêng. Tuy nhiên, cụ ông, chồng bà làm nghề mộc, thường xuyên đi đây đó, chẳng mấy khi về nhà.
Để tìm hiểu thực hư câu chuyện, PV đã có cuộc tiếp xúc với người đàn bà là nạn nhân của sự việc này. Buổi gặp gỡ không chỉ có bà H. mà còn có cả hai người con dâu của bà, những người trực tiếp giải cứu mẹ chồng trong vụ việc này. Bà H. hiện tuổi cao, sức khỏe rất yếu, chậm chạp, lại nặng tai nên giờ sống cùng các con.
Với vẻ ái ngại, xấu hổ khi phải nói về những gì xảy ra với mình, bà H. chob biết: Bà và ông Kh. cùng tham gia Hội người cao tuổi của thôn nên những năm gần đây thường qua lại, chuyện trò hỏi thăm nhau. Trước khi bà bị vợ con ông Kh. đánh ghen, do điện thoại của bà không đổ chuông nên ông Kh. không liên lạc được. Ông Kh. bảo bà mang điện thoại sang nhà để ông sửa giúp. Khoảng 12h ngày 8/8 bà H. đi xe đạp từ nhà con trai mang điện thoại sang nhà ông Kh. nhờ sửa. Ông tiếp bà ở nhà hàng xóm mà ông đang trông hộ (sát nhà ông Kh.). Hai người đang ngồi uống nước, nói chuyện ở bàn thì vợ con và các cháu ông Kh. xuất hiện. Bà V. (vợ ông Kh.) liền hô hào các con cháu xông vào tấn công bà H.. Các con bà V. liên tục dùng tay và gậy đánh lên khắp cơ thể khiến bà Hiền bị bầm tím, gãy 1 chiếc răng cửa. Đồng thời, bà V. còn dùng dao cắt quần áo và giật chiếc dây chuyền, cướp chiếc điện thoại của bà H. kèm những lời lẽ dọa dẫm (dọa cắt tai, rạch mặt...), thóa mạ. Hàng xóm biết chuyện cũng không thể vào can ngăn vì bà V. đóng chặt hết các cửa. Sau khi bị đánh, cắt nát quần áo bà H. bị mẹ con bà V. mở cửa đẩy ra ngoài. Trên người không còn mảnh vải che thân nên bà H. đi xuống phía bờ sông và lên một chiếc thuyền trú thân.
Những mối quan hệ họ hàng
Trong vụ việc này, chị Nguyễn Thị Thái (con dâu trưởng của bà H.) cho biết, hôm bà H. bị đánh là ngày trời mưa bão, vì bà H. ở cùng vợ chồng người em dâu thứ hai nên chị không hề hay biết. Chỉ đến đến khi nhận được tin báo của một người cháu họ thì chị mới hốt hoảng chạy ra. Thấy mẹ chồng bị đánh, cắt quần áo đến mức không dám về nhà như vậy, chị Thái rất bức xúc. Chị phải mang quần áo đến mặc cho bà rồi đưa về nhà đồng thời báo tin cho chồng và những người trong gia đình. Hôm sau, bà H. bị đau nên gia đình phải đưa bà vào bệnh viện đa khoa huyện Yên Dũng điều trị. Sau khi sự việc xảy ra, các con trai bà H. đã vô cùng bức xúc và muốn trả thù, nhưng đều được vợ con can ngăn và nhờ đến sự xử lý của pháp luật. Tuy nhiên, cho đến nay, mẹ con bà V. (vợ ông Kh.) vẫn không có động thái gì, thiện chí xin lỗi hay bù đắp cho mẹ chồng chị càng làm cho mâu thuẫn hai gia đình thêm căng thẳng.
Khi được hỏi về mối quan hệ giữa bà H. và ông Kh. chị Thái cho biết thêm: Là con dâu trưởng trong nhà, nên chị cũng biết khá rõ chuyện trong gia đình. Thực tế thì mẹ chị cũng đã bị mẹ con bà V. cảnh cáo nhắc nhở một vài lần vì nghi ngờ có quan hệ với ông Kh., nhắc nhở không nên tiếp xúc với ông ấy. Các con của bà H. cũng đã khuyên mẹ hạn chế giao tiếp với ông Kh. để tránh rắc rối. Tuy nhiên, không ai thừa nhận hay chứng kiến việc bà H. và ông Kh. có quan hệ bất chính, việc mẹ con bà V. đánh và giật đồ của mẹ chị như vậy là không được, là hạ nhục người khác, là vi phạm pháp luật. Hơn nữa, gia đình nhà chồng chị với gia đình ông Kh. còn là mối quan hệ cùng dòng họ. Ông Kh. và bố chồng chị là họ nội tộc; bà nội ông Kh. và bà nội mẹ chồng chị (bà H.) là hai chị em ruột. Mọi việc lớn nhỏ trong họ luôn có mặt cả hai gia đình. Gia đình chị đã liên tục gửi đơn tới các cơ quan pháp luật với mong muốn sự việc được giải quyết một cách công bằng, đúng pháp luật.
Xử lý hành chính những đối tượng gây thương tích cho bà H.?Thiếu tá Dương Văn Duân (Đội trưởng đội điều tra hình sự, công an huyện Yên Dũng) cho biết: Hiện CQĐT đã ra quyết định không khởi tố hình sự vụ án vì không có dấu hiệu hình sự. Chiếc điện thoại và dây chuyền vàng trong quá trình xô xát rơi ra đã được trả lại cho bà H.. CQĐT đã xử lý hành chính những đối tượng gây thương tích cho bà H..
Có bỏ lọt tội phạm?
Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (đoàn Luật sư Hà Nội): Hành vi lột quần áo của một người giữa nơi công cộng là hành vi làm nhục người khác. Nếu có đơn yêu cầu của bị hại, phải khởi tố hình sự về tội danh làm nhục người khác theo Điều 121BLHS. Ngoài ra còn bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích. Hành vi trả lại điện thoại và dây truyền vàng phải xem xét dưới nhiều góc độ. Rõ ràng là có dấu hiệu của hành vi cướp tài sản, nhưng tự ý nửa chừng (do có tác động hoặc tự ý trả lại người bị hại) khi đó được coi là tình tiết giảm nhẹ. Nếu bị hại đã có đơn yêu cầu mà CQĐT không khỏi tố bị can là "bỏ lọt tội phạm". Nói cách khác là CQĐT vi phạm về mặt tố tụng.
Theo Đời sống và Pháp luật