Nhà mua trả góp trước khi kết hôn là tài sản chung?
Khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định, tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Trường hợp mua nhà trả góp trước hôn nhân có thể phải đứng tên hai vợ chồng? (Ảnh minh hoạ)
Theo quy định trên, nhà mua trả góp trước khi đăng ký kết hôn nhưng các đợt trả góp trong thời kỳ hôn nhân được thanh toán bằng tiền lương hoặc các thu nhập khác của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân thì phần nhà ở được trả góp là tài sản chung của vợ chồng.
Theo khoản 3 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 còn quy định trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Như vậy, đối với người mua nhà trả góp trước khi đăng ký kết hôn với mục đích làm tài sản riêng và đứng tên một mình thì khi bán vẫn phải có sự đồng ý của người vợ, chồng còn lại hoặc khi ly hôn vẫn phải chia nếu tiền trả góp là tiền lương, thu nhập khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ khi thanh toán bằng tiền được tặng cho, thừa kế riêng.
Có được thêm tên vợ, chồng vào sổ đỏ?
(Ảnh minh hoạ)
Khoản 4 Điều 135 Luật Đất đai 2024 quy định: Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có yêu cầu.
Như vậy, khi nhà đất là tài sản chung nhưng Giấy chứng nhận chỉ ghi tên một người thì được cấp đổi sang Giấy chứng nhận mới để ghi đầy đủ cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có yêu cầu.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)