Nhưng chính từ trong tăm tối anh Hoàng Nhật Tân và chị Nguyễn Thị Quyên (nhiều người vẫn đùa gọi họ là chàng trai "quỷ" và cô gái "ma") đã gặp nhau, xây dựng lên câu chuyện tình cảm động, đến cả thép cũng phải tan chảy.
Hạnh phúc rạng ngời của cặp vợ chồng thiếu may mắn
Số phận run rủi và ngã rẽ cuộc đời
Tôi đến Mái ấm Hoàng Tử Bé ở xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, người phụ nữ tên là Nguyễn Thị Quyên, 27 tuổi, quê ở Thái Nguyên kể lại: Lúc mới sinh chị, hàng xóm ai cũng tấm tắc khen con bé sao mà đáng yêu, đôi mắt đen lay láy, môi hồng chúm chím. Lớn lên một chút chị rất hiểu chuyện, mới 4 tuổi đầu đã biết trông em giúp mẹ. Cuộc đời bất hạnh của chị bắt đầu vào một ngày đông giá lạnh, khi chị đang chơi cùng đứa em nhỏ cạnh lò bếp nóng rực thì chẳng may chị bị vấp ngã, đổ sập cả người vào đống than hồng.
Chị nghẹn lời: "Tôi vẫn nhớ như in cảm giác đau đớn đó, nóng, nóng lắm, tê tái và rát bỏng từng thớ da non, chân tay co giật, đôi mắt dúm díu... chỉ biết nằm im chết lịm. Đứa em nhỏ thấy tôi bị như vậy khóc rống lên, thấy động nên mẹ ở bên ngoài chạy vào xem. Nhìn thấy lửa đang nuốt lấy thân thể tôi, mẹ chết sững rồi nhanh như chớp bồng tôi ra trạm xá gần nhà".
Chị Quyên kể tiếp: "Tôi đã trải qua biết bao đợt thay da, lấy thịt lành đắp thịt hỏng... nghĩ lại mà tưởng chừng như mới hôm qua. Nhà cửa ruộng vườn dồn vào lo cho các cuộc phẫu thuật của tôi. Sinh ra lành lặn như bao người, trải qua biến cố kinh hoàng, tôi phải tháo một đoạn xương trán, cắt bỏ một bàn tay. Ngày đó, bác sĩ lấy da non ở trên khắp người tôi để đắp vào những chỗ da bị hoại tử, hai con mắt trồi ra được đắp lại bằng phẳng. Nhưng rồi, cơn đau dằn vặt cộng với sự tủi thân khiến tôi khóc như con suối rừng, một con mắt không thể chịu đựng được bị lở loét, trôi đi kẽ da được đắp trên vòm mi".
Trở lại ngôi nhà sau mấy năm trời nằm trên giường bệnh, niềm vui nho nhỏ của Quyên là được đến trường. Rồi có một lần Quyên như chết trân giữa trường học khi giữa giờ chào cờ thầy hiệu trưởng gọi chị đứng lên vì cái tội dám đội mũ trong khi quy định của trường không cho phép. Chị sợ hãi nhìn xung quanh, mong sao có một cái hố để chui tọt xuống. May thay cô giáo chủ nhiệm biết chuyện đã xin giúp cho Quyên.
Từ lúc đi học chị không có bạn bè thân ngoài người bạn duy nhất thường ngồi bên cạnh. Rồi Quyên cũng tốt nghiệp trung học phổ thông mang theo nỗi khát khao được bước chân vào giảng đường đại học. Ngày đi nộp hồ sơ Quyên thấy mình lạc lõng giữa bao nam thanh nữ tú tự tin và năng động. Trong chốc lát nhìn lại mình, chị chợt quẳng hồ sơ đăng kí dự thi vào sọt rác, lặng lẽ trở về nhà.
Không thực hiện được giấc mơ, những ngày sau đó, sức khỏe suy giảm chị đến điều trị tại Bệnh viện bỏng 103. Tại đây Quyên đã gặp chị Bùi Thị Nguyên, 42 tuổi quê ở Thanh Hóa, trong một lần bỏng đã hủy hoại gần hết khuôn mặt. Quyên ngước mắt nhìn tôi, kể lại: "Nghe chị Nguyên kể về Mái ấm Hoàng tử Bé, nơi chị đang lưu trú với những người bị tàn tật như mình và sống cuộc sống hạnh phúc vui vẻ. Chị chợt nảy ra ý định theo chị Nguyên vào Nam”. Vào tháng 11/2005 chị rời gia đình gia nhập vào Mái ấm Hoàng Tử Bé ở Vĩnh Cửu (Đồng Nai), chính nơi đây chị đã gặp tình yêu định mệnh của cuộc đời mình.
Tình yêu đơm hoa kết trái sau giông bão
Tình yêu của Quyên chính là Hoàng Nhật Tân sinh năm 1980 ở Đà Lạt (Lâm Đồng). Nhìn anh, tôi ngỡ rằng nếu không có những vết nhăn hằn sâu xuống trên khuôn mặt thì chắc anh đã là một chàng trai phong độ lắm. Khác với chị luôn nói chuyện không ngớt và liên hồi, anh trầm tính và điềm đạm.
Chị Bùi Thị Nguyên, người đã đưa chị Quyên đến với mái ấm Hoàng Tử Bé
Thấy chị bế con đã lâu ắt mệt, anh chuyển tay bồng con thay chị rồi mỉm cười kể chuyện. Anh là con thứ 5 trong gia đình có 6 anh chị em trong một gia đình chuyên nghề trồng rau ở Đà Lạt. Người mẹ bị bệnh tâm thần, người chị đầu sinh ra cũng bị ngờ nghệch. Người chị này lớn lên đã bị tên yêu râu xanh hãm hiếp rồi sinh ra một đứa con bị thiểu năng.
Đó là hoàn cảnh gia đình anh. May thay, anh và những người anh em còn lại vẫn bình thường. Nhưng họa vô đơn chí, khi anh vừa tròn 6 tháng tuổi, ngọn đèn dầu rớt vào làm cháy mùng, cháy cả khuôn mặt đứa trẻ đang nằm ngủ vùi trong nôi là anh. Vì mặc quần áo len dày nên toàn thân không bị thương nhiều nhưng khuôn mặt thì bị lửa ăn vào từ đỉnh đầu xuống đến tận cằm. Nếu tuổi thơ của đứa trẻ cùng lứa là được chạy nhảy vui đùa thì tuổi ấu thơ của anh lại phải gắn liền với những lần vào viện ra khám liên miên.
Được 6 tuổi bệnh tình của anh dần ổn định. Anh chăm học lắm, nhà không có tiền anh ráng cặm cụi đi làm thuê làm mướn để mua sách. Tốt nghiệp lớp 12, anh thi đậu vào trường Cao đẳng Kế toán. Tuy nhiên, căn bệnh thần kinh của người mẹ truyền qua cho mấy đứa con, đến anh giờ mới bộc phát. Thời điểm đó anh luôn phải chống chọi với cơn đau đầu hành hạ, nhức buốt đến tận xương tủy, cả các cơn động kinh vào ngày trái gió trở trời. Đến lúc không thể chịu đựng được, anh bỏ học trở về nhà.
Khí hậu Đà Lạt mát mẻ làm cho tinh thần của anh dần ổn định lại. Cha anh là họa sĩ tài hoa, bắt chước cha, anh học nghề chép tranh. Thấy mình có khiếu, anh quyết định đi học thêm cho thạo nghề. Trong một lần đang học việc, anh gặp cô Đặng Ngọc Nga, là người sáng lập Mái ấm Hoàng Tử Bé. Chính cô là người đã góp ý anh thi vào trường Đại học Mỹ Thuật và cũng là người đề nghị được giúp đỡ anh toại nguyện ước mơ. Giữa năm 2005 anh trở thành một thành viên của Mái ấm Hoàng Tử Bé, nơi mà anh gặp được chị bởi sợi dây se duyên của số phận.
Nếu như trước kia chị ganh tị với cả cây hoa trinh nữ ngoài vườn thì từ khi vào mái ấm Hoàng Tử Bé, chị trở nên hòa đồng cởi mở, anh cũng bớt trầm lặng. Được sự se duyên của cô Đặng Ngọc Nga, hai anh chị chính thức trở thành vợ chồng sau 6 tháng gặp nhau. Ngày sinh con đầu lòng, anh tất tả mang tã, đồ trẻ con vào bệnh viện chăm sóc vợ khiến các bà mẹ đang chờ đợi khai hoa nở nhụy trong phòng sinh cũng phải ganh tị. Họ nói: Chị tuy bề ngoài như vậy nhưng lại diễm phúc, có được người chồng thương yêu hết mực, trông hạnh phúc xiết bao.
Người đưa tin