Năm 1971, Phạm Ngọc Cảnh - chàng du học sinh Việt Nam chuyên ngành Hóa học đã gặp người con gái mang tên Ri Young Hui tại Công ty Hóa chất Phân đạm Humbung (phía Đông Thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên). Ông Cảnh phải lòng bà Ri ngay từ cái nhìn đầu tiên khi thoáng thấy bà qua cửa sổ phòng thí nghiệm công ty. “Ý nghĩ đầu tiên trong đầu tôi lúc bấy giờ là làm sao có thể lấy được cô ấy làm vợ”, ông kể.
Ông Phạm Ngọc Cảnh và bà Ri Young Hui.
Năm 1973, ông Cảnh hết hạn học tập và trở về nước nhưng vẫn kiên trì biên thư sang Triều Tiên ròng rã nhiều năm trời. Những lá thư không phải gửi trực tiếp cho bà Ri mà gửi cho...mẹ bà, dưới cái tên giả rất nữ tính - Pơm Nốc Kiêng. Vì lý do thời cuộc, họ vẫn phải giữ kín mối tình của mình, hỏi nhau bằng những lời khô khan: “Đồng chí Ri Yong Hui lúc này có mạnh khỏe không?”, “Chúc đồng chí luôn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao?”,... ủy mị lắm cũng chỉ đến mức: “Mùa đông năm nay, tuyết ở Hambung có đổ dày hơn không?”.
Cơ chế hà khắc của Triều Tiên cấm công dân liên lạc với người nước ngoài khiến ông Cảnh phải dùng đến những chi tiết vận động hành lang (lobby) cho sự đoàn tụ của mình. Năm 1997, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm có chuyến thăm chính thức Triều Tiên. Ông Cảnh viết thư cậy nhờ Bộ trưởng giúp mình tìm hiểu thông tin. Lần lượt, ông nhận được những tin “sét đánh”: bà Ri đã lấy chồng, bà Ri đã qua đời từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, ông Cảnh một mực không cho đó là sự thật.
Một lần, ông gom 40 lá thư mà ông bà từng trao đổi trong 20 năm, đem tới đại sứ quán Triều Tiên để kêu gọi sự giúp đỡ. Ông được chuyển công tác từ Tổng cục Hóa chất sang Sở Thể dục - Thể thao Hà Nội với cương vị phiên dịch viên cho các đội tuyển đi thi đấu. Nhờ vậy, ông có một số cơ hội được đi lại sang đất Triều.
Niềm tin của ông được củng cố khi sau đó, qua một người bạn, ông nhận được lá thư từ chính bà Ri. Bà nhắn nhủ: dù ông bà đã có tuổi nhưng tình yêu của họ vẫn mãi trẻ trung và bà vẫn son sắt một lòng chờ đợi ông.
Họ hạnh phúc bên nhau sau 30 năm bền bỉ "chiến đấu" vì tình yêu
của mình.
Đến năm 2002, đoàn Đại biểu Việt Nam tiếp tục có chuyến thăm hữu nghị CHDCND Triều Tiên. Ông Cảnh viết thư tới Chủ Tịch nước Trần Đức Lương và nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Trần Di Niên, nhờ phái đoàn lên tiếng với Chính Phủ nước bạn.
Sau nhiều tháng, ông nhận được câu trả lời từng mong mỏi suốt 30 năm qua – sự phê chuẩn của chính quyền Triều Tiên về việc kết hôn giữa hai ông bà.
Đám cưới của họ được tổ chức tại thủ đô Hà Nội với 700 khách tham dự. Nhiều người đã xúc động rơi nước mắt khi nghe về câu chuyện tình bền bỉ không biên giới, vượt qua mọi rào cản thời cuộc với một kết thúc có hậu dành cho hai ông bà.
Bây giờ khi ở tuổi 60, họ chung sống trong một căn hộ hiện đại ở Hà Thành. “Những cảm xúc năm nào của tôi dành cho bà ấy vẫn vẹn nguyên, không hề thay đổi”, ông Cảnh tâm sự.
Đất Việt