Việc làm của các chàng trai đã khiến cho người dân trong bản không dám ra giếng thiêng lấy nước về ăn mà phải đi lấy ở những con suối cách xa bản. Tuy nhiên, con gái ở bản Mậu chẳng bởi vì thế mà không đi lấy chồng thiên hạ.
Trước đây chỉ là vài người, càng về sau này, con gái bản Mậu càng đi lấy chồng ngoài nhiều. Điều này khiến cho con trai trong bản bất lực hoàn toàn trong việc giữ gái bản. Giếng thần thì đã bị hủy hoại, con gái bản vẫn ùn ùn kéo nhau đi nơi khác lập gia đình.
Không bằng lòng với sự thật này, đàn ông trong bản Mậu đã quyết thề với khẩu hiệu: “Không cho gái bản đi lấy chồng ngoài. Bất kể gã đàn ông nào đến cũng phải xử lý”.
Với khẩu hiệu đã được đề ra, con trai trong bản Mậu luôn đề phòng mỗi khi có sự xuất hiện của người đàn ông lạ mặt, đặc biệt là những chàng trai trẻ tuổi.
Khi đến bản Mậu, những người đàn ông, ngoài việc được ngắm nhìn những cô gái đẹp thì còn phải đề phòng những ánh mắt sắc như dao quắm của trai bản. Đã có không ít các chàng trai đến đây rơi vào cảnh khi vào thì nguyên vẹn khi ra thì tả tơi.
Khiếu Thị Huyền Trang-Giải nhất cuộc thi Người mẫu Việt Nam năm 2010
Tuy nhiên, chính quyền xã nắm bắt được sự việc này nên đã có biện pháp ngăn chặn cũng như tuyên truyền đến các thanh niên trong bản nhờ vậy mà những việc đáng tiếc đã không xảy ra.
Chuyện trai bản giữ gái bản ở bản Mậu đã được truyền nối bao nhiêu năm nay. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, con trai ở bản Mậu đã có cách giữ gái làng hoàn toàn khác.
Không cố hữu làm những việc vớ vẩn như phá giếng thần, chặn đường con trai lạ mà họ đã nghĩ ra những cách khẳng định mình để có thể thu hút được con gái trong bản. Thanh niên ở bản Mậu giờ đây chủ yếu đi làm ăn xa, ở những tỉnh thành phố khác.
Rất nhiều thanh niên chịu khó học tập, đỗ Cao đẳng, Đại học nên họ cũng tạo ra sự hấp dẫn riêng của mình. Vào những ngày bình thường, bước chân vào bản Mậu, thanh niên ở độ tuổi trên 18 rất ít vì đa phần họ đi học tập hoặc làm ăn xa.
Những cô thiếu nữ nơi đây chủ yếu đều là học sinh phổ thông, học ở trường huyện, trường xã thì mới ở lại với gia đình. Bác Trịnh Văn Đủ, một người dân bản Mậu cho biết:
“Thanh niên trong bản giờ đây chẳng muốn ở lại với gia đình để làm nương, làm rẫy. Cứ đến tuổi lớn là chúng nó lại rủ nhau đi xin việc ở những khu công nghiệp hay ở thành phố.
Mà chúng nó đi như vậy thì văn hóa bản mới có thể mở mang, học được nhiều cái mới, chứ cứ chôn chân ở lại bản thì chẳng làm được việc gì lên cơm, lên cháo cả”.
Thế hệ thanh niên hiện tại ở bản Mậu giờ đây đã đổi khác rất nhiều. Họ không phải là những chàng trai, cô gái ăn vận theo đúng sắc phục của người Dao.
Trước đây, dân bản Mậu 100% là người dân tộc Dao, nhưng bây giờ chỉ còn khoảng 50%. Người dân tộc Kinh và một số dân tộc khác đã đến đây sinh cơ lập nghiệp đã tạo ra một cộng đồng đa dạng cho vùng đất này.
Một cán bộ văn hóa của Sơn Động cho biết, bản Mậu có nhiều dân tộc khác nhau nhưng những người Dao bản địa vẫn giữ được những nét đặc thù của văn hóa. Những cô gái gốc của bản luôn có vẻ bề ngoài khác biệt so với những người dân mới đến sống.
Nếu muốn biết các cô gái có phải là người bản Mậu hay không chỉ cần nhìn họ thêu thùa, may vá, hay cách họ ăn vận cũng như cử chỉ, giọng nói là biết liền. Dù có dù nhập nhiều văn hóa mới nhưng con gái bản Mậu vẫn thể hiện được nét tinh tế riêng biệt của mình.
Chuyện vui, chuyện buồn ở bản gái đẹp
Trước đây vài năm, nhiều người đã nhắc đến bản Mậu khi cô gái Trịnh Thị Hương, một người con của bản Mậu đã được xướng danh trong cuộc thi Hoa hậu các dân tộc năm 2007. Thời điểm đó, Hương đang là sinh viên của một trường đại học ở Hà Nội.
Cô gái này tham gia cuộc thi với tư cách là đại diện cho các cô gái của dân tộc Dao. Nét đẹp đằm thắm, phóng cách duyên dáng của Hương đã khiến cô khá nổi trội so với các thí sinh khác.
Dù không đoạt được danh hiệu cao nhất nhưng Hương cũng được trao tặng danh hiệu “Người đẹp Hoa Cúc” - Danh hiệu dành cho người đẹp năng động nhất.
Ngoài vẻ bề ngoài thanh thoát, Hương cuốn hút mọi người bởi sự trẻ trung, năng động, hoạt bát của mình. Khi thông tin đoạt giải của Hương về tới bản làng, trong làng ngoài xã ai nấy đều cảm thấy tự hào.
Người dân bản Mậu cảm thấy rằng, sắc đẹp con gái nơi họ đã được khẳng định. Người bác của Hương tên Trịnh Tiến Hồng tự hào kể về cô cháu gái của mình: “Nó là đứa con gái đẹp cả người, cả nết và giỏi giang nữa”.
Hương là một trong những số ít thiếu nữ ở bản Mậu đỗ đại học ở Hà Nội. Sau khi dành danh hiệu ở cuộc thi hoa hậu, tốt nghiệp đại học Hương lập nghiệp và xây dựng gia đình ở thành phố. Cho đến bây giờ, khi về tới bản Mậu, mọi người vẫn không ngớt lời khen ngợi Hương.
“Người đẹp Hoa Cúc” không chỉ làm rạng rỡ nhan sắc của vùng đất sơn cùng thủy tận này mà còn chứng tỏ được sự thông minh, năng động của những cô gái vùng sơn cước. Bên cạnh đó, khi Hương đoạt giải, người phụ nữ Bắc Giang cũng có phần tự hào như là một nơi sinh ra con gái đẹp.
Tiếp theo đó, đến lượt Khiếu Thị Huyền Trang đoạt giải cao nhất trong cuộc thi Người mẫu Việt Nam, tiếng tăm của con gái Bắc Giang nói chung và của mảnh đất gái đẹp nói riêng càng trở lên nổi tiếng.
Việc Trang đoạt Giải Nhất của cuộc thi Người mẫu khiến không ít người bất ngờ. Nhiều người đánh giá cô là “vịt con lột xác thành thiên nga, nhưng trong suốt cuộc thi, một điểm gây ấn tượng nhất ở cô gái này chính là sự phấn đấu vượt lên chính mình.
Từ một cô thôn nữ chân chất, mộc mạc, chưa một lần bước lên sàn diễn thời trang, vậy mà em đã băng băng về đích khi thể hiện được những sự nổi bật của mình. Trang đoạt giải, và lại một lần nữa, phụ nữ Bắc Giang và vùng đất gái đẹp được tự hào.
Hai cô gái đoạt danh hiệu ở hai cuộc thi phần nào thể hiện được sự đặc biệt của vùng đất gái đẹp vẫn được truyền tụng trong dân gian bấy lâu nay.
Một lãnh đạo Phòng văn hóa - Thông tin huyện Sơn Động tự hào nói rằng, các cô gái đẹp ở nơi đây phần nào đã làm rạng rỡ cho mảnh đất vốn vẫn biết đến là vùng sâu, vùng xa, nghèo khổ và heo hút này.
Tuy nhiên, những câu chuyện về các cô gái đẹp ở bản Mậu và xã Tuấn Mậu cũng có nhiều nốt trầm buồn. Theo thống kê của chính quyền thì phần lớn các cô gái trong xã kết hôn ở độ tuổi dưới 22.
Khi các cô gái đến tuổi lớn, đi ra ngoài làm ăn, bắt gặp những mối quan hệ xã hội mới là lập tức tiến tới chuyện lấy chồng. Đã có thời kỳ, con gái bản Mậu chưa bước qua tuổi 18 đã ngấp nghé đi lấy chồng, thậm chí nhiều em kết hôn ở tuổi 15.
Đây là một trong những chuyện đang buồn mà trong suốt những năm tháng qua, những người có trách nhiệm trong chính quyền đang cố gắng phá bỏ tập tục lạc hậu này.
Người Dao bản địa vốn thường thích con gái trong nhà đi lấy chồng sớm, chính vì vậy, nhà nào có con gái mới lớn được thanh niên đến tìm hiểu là lập tức tính đến chuyện hôn nhân. Lấy chồng sớm cũng có nghĩa là các cô gái ở nơi đây phải kết thúc việc học tập của mình sớm.
Chỉ khoảng gần chục năm về trước, chuyện các thiếu nữ khi học chưa quá cấp 2 đã ở nhà tính chuyện lấy chồng xảy ra thường xuyên ở nơi đây. Tuy nhiên, khi những luồng văn hóa mới du nhập tới thì suy nghĩ này đã dần thay đổi.
Bản Mậu dần dần có nhiều người đi học cấp 3 hơn và một vài người trong số đó trúng đại học, cao đẳng nên đã làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người trong bản làng.
Bản Mậu cho đến thời điểm này vẫn được người dân xung quanh tung hô là xứ sở của người đẹp. Tuy nhiên, bao nhiêu năm tháng qua là cũng bấy nhiêu năm tháng con gái bản Mậu sống với những tư tưởng chật hẹp.
Cho đến bây giờ, khi du nhập lối sống hiện đại, người ở bản Mậu lại sợ hãi một điều, khi các cô gái đẹp đi ra các thành phố lớn, biết bao cạm bẫy ở bên cạnh, liệu họ có đứng vững được để giữ trọn phẩm giá của mình?
Người giữ được, người không và những câu chuyện vui, chuyện buồn cứ đan xen ở trong đời sống của người dân vùng xứ sở mỹ nữ này.
Phunutoday