Theo đó, giáo viên được nghỉ hè tối đa 8 tuần đối với bậc phổ thông, 6 tuần với giáo viên trung cấp và giảng viên cao đẳng. Trong thời gian nghỉ, giáo viên vẫn được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có).
Tuy nhiên, khi có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền, giáo viên vẫn có thể được điều động tham gia các hoạt động chuyên môn như bồi dưỡng nghiệp vụ, coi thi tốt nghiệp THPT hoặc công tác tuyển sinh.
Giáo viên được nghỉ bù khi nghỉ đẻ trùng với nghỉ hè
Trường hợp thời gian nghỉ hè trùng với thời gian nghỉ thai sản của giáo viên nữ, tổng số ngày nghỉ sẽ được tính cộng cả hai chế độ. Ngoài ra, nếu số ngày nghỉ hè ít hơn so với số ngày nghỉ hàng năm theo Bộ luật Lao động, giáo viên sẽ được nghỉ bù thêm cho đủ định mức. Thời gian nghỉ bù sẽ do hiệu trưởng và giáo viên thỏa thuận, linh hoạt sắp xếp.
Theo quy định mới, giáo viên sẽ được nghỉ bù khi nghỉ đẻ trùng với thời gian nghỉ hè. (Ảnh minh hoạ)
Ngoài ra, quy định mới cũng giảm tiết cho giáo viên nuôi con nhỏ, giáo viên nam không phải dạy bù khi nghỉ chế độ.
Đối với giáo viên nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi sẽ được giảm định mức giảng dạy: 4 tiết/tuần nếu dạy tiểu học, 3 tiết/tuần với các cơ sở giáo dục khác.
Đối với giáo viên nam nghỉ theo chế độ thai sản khi vợ sinh con, thời gian nghỉ sẽ được tính đủ số tiết theo định mức, không phải dạy bù. Tuy nhiên, nếu thời gian nghỉ trùng với kỳ nghỉ hè, sẽ không được cộng thêm ngày nghỉ.
Thông tư cũng quy định rõ: thời gian làm việc của giáo viên được tính theo năm học, quy đổi thành tiết dạy. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng làm việc 40 giờ/tuần, bao gồm cả thời gian giảng dạy.
Việc phân công công việc phải bảo đảm đúng định mức tiết dạy, thời giờ nghỉ ngơi, và đặc biệt là công khai, công bằng giữa các giáo viên trong cùng trường. Trường hợp giáo viên được giao thêm nhiệm vụ kiêm nhiệm, hiệu trưởng cần ưu tiên những người chưa đủ số tiết giảng dạy theo quy định và có đủ năng lực đảm nhận thêm nhiệm vụ.
H.Anh (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)