Thông tư số 6/2016/TT-BGTVT ngày 8/4/2016 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ.
Theo đó, quy chuẩn quy định về hệ thống báo hiệu đường bộ, bao gồm hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu, tường bảo vệ và rào chắn, cột km, mốc lộ giới, gương cầu lồi, dải phân cách có lan can phòng hộ.
Từ tháng 11, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ của Bộ Giao thông vận tải
sẽ có hiệu lực. Ảnh minh họa: Lê Quân.
Quy chuẩn quy định về hệ thống báo hiệu áp dụng cho tất cả các tuyến đường bộ trong mạng lưới đường bộ Việt Nam bao gồm đường cao tốc, đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị, đường chuyên dùng và các đường nằm trong hệ thống đường bộ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (các tuyến đường đối ngoại).
Về tổ chức thực hiện, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy chuẩn trên toàn mạng lưới đường bộ; triển khai thực hiện trên hệ thống quốc lộ; xây dựng các bộ định hình hướng dẫn việc thiết kế và lắp đặt hệ thống báo hiệu đường bộ, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ theo Quy chuẩn này.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/11.
Hướng dẫn tham gia giao thông khi thấy đèn vàng
Theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ ban hành kèm Thông tư 06/2016/TT-BGTVT, khi tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn “Vạch dừng xe”, nếu không có vạch sơn “Vạch dừng xe” thì phải dừng phía trước đèn tín hiệu theo chiều đi.
Từ tháng 11, việc phạt đèn vàng sẽ bị phạt tới 400.000 đồng. Ảnh minh họa: Tiến Tuấn.
Trường hợp phương tiện đã tiến sát đến hoặc đã vượt quá vạch sơn “Vạch dừng xe”, nếu dừng lại sẽ nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau.
Ở nơi đường giao nhau vừa có đèn tín hiệu vừa có biển báo hiệu và vạch sơn thì lái xe phải tuân theo hiệu lệnh của đèn tín hiệu.
Trường hợp đèn tín hiệu tắt hoặc có đèn tín hiệu vàng nhấp nháy thì lái xe phải tuân theo biển báo hiệu và vạch sơn theo thứ tự hiệu lực đã quy định. Chính sách này có hiệu lực từ 1/11.
Đánh giá học sinh tiểu học theo 3 mức
Có hiệu lực từ 6/11, Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 của Bộ Giáo dục & Đào tạo quy định có 3 mức đánh giá học sinh tiểu học: Hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành.
Việc đánh giá học sinh tiểu học sẽ có 3 mức từ 6/11. Minh họa: Khánh An.
Hoàn thành tốt: thực hiện tốt các yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục;
Hoàn thành: thực hiện được các yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục;
Chưa hoàn thành: chưa thực hiện được một số yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục;
Việc đánh giá theo 3 mức sẽ được giáo viên thực hiện vào giữa kỳ, cuối mỗi học kỳ.
Thông tư 22 cũng quy định thông qua quá trình đánh giá thường xuyên đến giữa và cuối mỗi học kỳ, lượng hóa mỗi năng lực, phẩm chất thành ba mức: Tốt, Đạt, Cần cố gắng.
Quy định chi phí bắt buộc bên nhờ mang thai hộ chi trả
Thông tư số 32/2016/TT-BYT quy định việc chi trả các chi phí thực tế để bảo đảm chăm sóc sức khỏe sinh sản của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có hiệu lực từ 1/11.
Theo đó, các chi phí bắt buộc bên nhờ mang thai hộ chi trả gồm: Chi phí đi lại tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được tư vấn, khám, kiểm tra, theo dõi sức khỏe, thực hiện dịch vụ, kỹ thuật y tế: xác định theo giá ghi trên vé, hóa đơn, hoặc giấy biên nhận thanh toán với chủ phương tiện. Đồng thời, chi trả chi phí liên quan đến y tế…
Bổ sung mức phụ cấp đối với số chức danh tư pháp và thanh tra trong quân đội
Quyết định 42/2016/QĐ-TTg bắt đầu có hiệu lực từ ngày 25/11/2016 bổ sung mức phụ cấp đặc thù đối với một số đối tượng như sau:
- Mức 15% đối với Chấp hành viên thuộc cơ quan Thi hành án Bộ Tổng Tham mưu.
- Mức 10% đối với Thẩm tra viên và Thư ký thi hành án thuộc cơ quan Thi hành án quân khu, quân chủng Hải quân, Bộ Tổng Tham mưu.
Theo Zing.vn