Theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, dẫn Nghị định 33/2023 của Chính phủ quy định số lượng cán bộ, công chức cấp xã được tính theo loại đơn vị hành chính cấp xã. Đối với phường loại I là 23 người, loại II là 21 người, loại III là 19 người; đối với xã, thị trấn loại I là 22 người, loại II là 20 người, loại III là 18 người.
Ông Dĩnh nhận định, với mô hình chính quyền 3 cấp (tỉnh - huyện - xã), thẩm quyền của cấp xã có mức độ, các nhiệm vụ lớn do cấp tỉnh và cấp huyện giải quyết. Do đó, cấp xã với số lượng tối đa khoảng 25 cán bộ, công chức theo quy định hiện hành là phù hợp.
Theo dự thảo Nghị quyết mới nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính, do Bộ Nội vụ soạn thảo, số xã, phường trên cả nước giảm từ 10.035 xuống khoảng 5.000.
Thay vì giảm 60-70% số lượng cấp xã như đề xuất trước đó, thì hiện chỉ giảm khoảng 50%. Bên cạnh sự thay đổi về quy mô, Bộ Nội vụ cũng sửa tờ trình theo hướng tất cả công việc của huyện sẽ chuyển giao cho cấp cơ sở. Trước đó, Bộ đề xuất 85% quyền hạn, nhiệm vụ xuống cơ sở, 15% lên cấp tỉnh.
Đồng thời, căn cứ thực tiễn, cấp tỉnh đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho cấp xã nhằm nâng cao năng lực quản trị, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Để đáp ứng được các nhiệm vụ, quyền hạn mới, ông Dĩnh dẫn đề xuất của Bộ Nội vụ về việc UBND cấp cơ sở có 5 cơ quan chuyên môn, gồm: Văn phòng (tham mưu thực hiện nhiệm vụ chung của Đảng ủy, HĐND, UBND cấp cơ sở); Phòng Kinh tế (với xã, đặc khu) hoặc Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị (với phường và đặc khu Phú Quốc); Phòng Nội vụ - Tư pháp; Phòng Văn hóa - Xã hội và Trung tâm phục vụ hành chính công.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, quy mô mở rộng, nhiệm vụ tăng thêm thì số lượng cán bộ cấp cơ sở cũng phải được bổ sung để đảm bảo hoạt động, phục vụ người dân.
(Ảnh minh họa).
Ông Dĩnh dẫn ví dụ dự thảo đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã được tỉnh Bình Dương công bố hôm 28/3, sau khi sáp nhập theo tiêu chí diện tích và quy mô dân số, tỉnh Bình Dương sẽ giảm từ 91 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 27 đơn vị.
Theo định hướng của Trung ương, dự kiến tổ chức bộ máy ở cấp xã của tỉnh Bình Dương được bố trí từ 80-82 biên chế, trong đó 20 biên chế khối Đảng, 50 biên chế khối chính quyền, 10-20 biên chế khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ông Dĩnh nhấn mạnh để đảm bảo nguồn nhân lực cho chính quyền cấp cơ sở, ngoài cán bộ, công chức cấp xã hiện có, cần điều chuyển cán bộ công chức tỉnh và huyện xuống làm việc.
Đặc biệt sau khi Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) có hiệu lực với quy định không phân biệt công chức cấp xã với cấp tỉnh và Trung ương, thì việc điều chuyển này hoàn toàn dễ dàng.
H.Anh (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)