Cô gái tên Lingling, sống ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, quan tâm đến một phương pháp nâng ngực mới được chủ một thẩm mỹ viện ở địa phương giới thiệu vào năm 2017. Theo chủ cơ sở làm đẹp này nói, họ sẽ chiết xuất và nuôi cấy collagen của chính bệnh nhân trước khi tiêm lại vào ngực. Điều này là do collagen được sử dụng là collagen tự thân, vì vậy cơ thể sẽ không phải đào thải nó.
Tháng 9 năm 2017, Lingling đến Phòng khám thẩm mỹ y khoa Bắc Kinh Creating cùng với chủ thẩm mỹ viện địa phương. Cô ấy được bác sĩ Bai Jin khẳng định rằng quy trình này không chỉ đơn giản mà còn an toàn. Tuy nhiên, sau thủ thuật, Lingling cảm thấy rất đau và như có vật lạ ở ngực.
Trong 6 năm sau đó, cô trải qua 9 cuộc phẫu thuật, bao gồm cả cấy ghép và sửa chữa, với tổng chi phí 2,39 triệu nhân dân tệ (khoảng 8,4 tỷ đồng). Đến năm 2023, Lingling phát hiện túi độn ngực của mình bị rò rỉ và biến dạng. “Tôi có hai cục u ở ngực và kéo dài tới bụng”, cô nói.
Cô gái phải chịu nỗi đau về thể chất và tinh thần sau khi nâng ngực (Ảnh minh họa).
Lingling yêu cầu phòng khám ở Bắc Kinh phẫu thuật chỉnh hình cho mình, nhưng họ yêu cầu phải có báo cáo đánh giá y khoa. Tháng 10/2024, cô đến một bệnh viện ở Thượng Hải để tháo bỏ và kiểm tra túi độn. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ nhận thấy mẫu vật cấy ghép vào ngực đã gây tổn thương cho cơ thể.
Qua xét nghiệm, họ phát hiện ADN của nai sừng tấm và gia súc trong các mô cấy ghép, thực tế này hoàn toàn trái ngược với tuyên bố của phòng khám rằng khách hàng được cấy ghép collagen tự thân. Một tổ chức y tế có thẩm quyền đã phân loại tình trạng biến dạng ngực của Lingling là "dạng khuyết tật nghiêm trọng", gây ra nỗi đau đáng kể về thể chất và tinh thần.
Fu, một người làm việc trong ngành làm đẹp ở tỉnh Giang Tây, chia sẻ với Đài truyền hình Giang Tây rằng một số bệnh nhân của mình từng bị cấy ghép túi độn có ADN từ lạc đà, dơi và khỉ đột. Fu giải thích: “Những chất liệu không phải của con người này có thể gây ra phản ứng bất lợi như phản ứng thải ghép”.
Chất dùng để nâng ngực của Lingling rò rỉ (Ảnh: 3.15tebiebaodao)
Khi Lingling định yêu cầu bồi thường thì phát hiện cả phòng khám và thẩm mỹ viện liên quan đều đã đóng cửa. Phòng khám thẩm mỹ y khoa Creating ở Bắc Kinh, nơi cô phẫu thuật, bị thu hồi giấy phép kinh doanh và liên quan đến 398 vụ tranh chấp về hành nghề y. Bác sĩ phẫu thuật chính của phòng khám là Bai Jin cũng không có giấy phép hành nghề hợp lệ.
Ngày 1/3 vừa qua, Lingling gửi khiếu nại lên Ủy ban Y tế thành phố Bắc Kinh. Tuy nhiên, vì đây là tranh chấp liên quan đến những tổ chức đã đóng cửa nên cô phải đối mặt với thách thức đáng kể trong việc tìm kiếm công lý. Về hoạt động quảng cáo sai sự thật của phòng khám, cơ quan quản lý thị trường tuyên bố sẽ điều tra thêm.
(Ảnh minh họa)
Vụ việc thu hút sự chú ý đặc biệt trên mạng xã hội Trung Quốc, các chủ đề liên quan thu hút hơn 37 triệu lượt xem. Cộng đồng mạng bày tỏ sự lo ngại: "Nỗi lo lắng về ngoại hình đã ảnh hưởng đến giá trị của nhiều phụ nữ. Lingling thật không may"; “Nhiều thẩm mỹ viện vô đạo đức mở đã cửa trở lại với tên mới sau khi đóng cửa, tạo ra một vùng xám pháp lý rất khó để truy cứu trách nhiệm”; “Hai triệu nhân dân tệ đó có thể dùng để tập thể dục và ăn kiêng nhằm cải thiện ngoại hình chứ không phải để phẫu thuật và suýt mất mạng”....
A.Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)