Sau khi Hiến pháp được sửa đổi, dự kiến 696 đơn vị hành chính cấp huyện sẽ chính thức ngừng hoạt động từ ngày 1/7/2025. Theo đó, sẽ có 85 thành phố trực thuộc tỉnh và 2 thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương sẽ ngừng hoạt động. Đây là nội dung đã được đề cập chi tiết trong Nghị quyết số 60 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 11 khóa XIII.
Đáng nói, trong số 85 thành phố trực thuộc tỉnh dự kiến ngừng hoạt động từ ngày 1/7, có tên TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) - thành phố sở hữu đến 17 tên gọi khác nhau.
Thành phố có nhiều tên gọi nhất Việt Nam
Nằm ở độ cao trung bình 500m so với mực nước biển, Buôn Ma Thuột có vị trí chiến lược tại trung tâm vùng Tây Nguyên.
Thành phố giáp các huyện Krông Pắc, Cư Kuin, Cư Jút (Đắk Nông), Krông Ana, Cư M'gar và Buôn Đôn. Với diện tích 377,18km2, Buôn Ma Thuột là đô thị lớn nhất vùng Tây Nguyên.
Một góc Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk hiện nay.
Theo kết quả điều tra dân số giữa kỳ năm 2024, dân số trung bình của thành phố Buôn Ma Thuột đạt khoảng 375.590 người, với mật độ dân số khoảng 996 người/km2.
Về cơ cấu hành chính, từ ngày 1/11/2024, theo Nghị quyết số 1193/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành phố Buôn Ma Thuột đã thực hiện sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã. Cụ thể, thành phố hiện có 19 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 11 phường và 8 xã.
Buôn Ma Thuột được mệnh danh là "thủ phủ cà phê" của Việt Nam, với sản lượng và chất lượng cà phê hàng đầu cả nước.
Thành phố cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa và giáo dục của vùng Tây Nguyên, với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu và cơ sở y tế quan trọng.
Buôn Ma Thuột – thủ phủ của tỉnh Đắk Lắk – không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của vùng Tây Nguyên mà còn nổi bật với những kỷ lục độc đáo: Tên gọi dài nhất Việt Nam và sở hữu đến 17 tên gọi khác nhau. Theo thống kê dân gian được lưu truyền trong cộng đồng, thành phố này có tới 17 cách gọi khác nhau – phần lớn bắt nguồn từ việc phiên âm khác nhau trong từng thời kỳ, cách viết chệch hoặc biến âm theo vùng miền, phương ngữ. Danh sách đầy đủ gồm:
1. Buôn Ma Thuột
2. Ban Mê Thuot
3. Ban Mê Thuột
4. Ban Mê Thuộc
5. Ban Mê Thuật
6. Buôn Ma Thuộc
7. Buôn Ma Thuật
8. Buôn Mê Thuột
9. Buôn Mê Thuộc
10. Buôn Mê Thuật
11. Bản Mế Thuột
12. Bản Mế Thuộc
13. Bản Mế Thuật
14. Bản Mê Thuột
15. Bản Mê Thuộc
16. Bản Mê Thuật
17. Bản Mê Tuột
Trong số đó, Buôn Ma Thuột là tên gọi chính thức và được công nhận trong tất cả văn bản hành chính hiện nay. Theo giải thích từ Cổng thông tin điện tử thành phố, tên gọi này xuất phát từ "Buôn Ama Y Thuot" – tiếng Ê Đê có nghĩa là "buôn của cha Y Thuot", trong đó Ama nghĩa là "cha", Y Thuot là tên người con trai, buôn là buôn làng.
Vị tù trưởng Y Thuot được cho là người đã lập ra buôn đầu tiên bên suối Ea Tam – buôn làng dần phát triển thành trung tâm cư trú lớn và đến đầu thế kỷ XX trở thành thủ phủ của cả vùng.
Với vai trò trung tâm vùng Tây Nguyên về kinh tế, hành chính và văn hóa, Buôn Ma Thuột được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Đắk Lắk vào ngày 8/2/2010 – một dấu mốc quan trọng trong quá trình đô thị hóa của địa phương này.
H.Anh (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)