Tốt nghiệp loại Giỏi, chàng trai tạm chạy xe ôm công nghệ chờ sang Nhật làm việc
Mới đây, đoạn clip ghi lại hành trình nhận bằng tốt nghiệp loại Giỏi rồi chạy xe ôm công nghệ của Phạm Văn Nghĩa (SN 2001, quê Phú Thọ, hiện sinh sống tại Hà Nội) đã lan truyền trên mạng xã hội, thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng mạng.
Phạm Văn Nghĩa vừa tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội vào tháng 6/2025. Thay vì lựa chọn công việc văn phòng ngay sau tốt nghiệp, Nghĩa quyết định tạm thời hành nghề xe ôm công nghệ từ tháng 5/2024.
Được biết, chàng trai trẻ tranh thủ thời gian chờ sang Nhật làm việc theo hợp đồng đã trúng tuyển để học tiếng Nhật, ôn luyện thi chứng chỉ N3 và kiếm thêm thu nhập.
Mỗi ngày, Nghĩa dành khoảng 3 tiếng học online, sau đó chạy xe từ 7 – 8 tiếng để có thêm 400.000 – 500.000 đồng trang trải sinh hoạt. Anh cho biết, đây không chỉ là công việc mưu sinh mà còn là trải nghiệm thực tế.
Anh chia sẻ rằng, bản thân muốn gặp gỡ nhiều người, được nghe nhiều câu chuyện thú vị và có cơ hội rèn luyện giao tiếp, thậm chí cả tiếng Anh và tiếng Nhật.
Tuy nhiên, sau khi đoạn video được đăng tải, Nghĩa nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Một số người tiếc nuối cho tấm bằng Giỏi ngành IT, cho rằng anh “phụ lòng bố mẹ” khi chọn nghề xe ôm. Số khác hoài nghi về mục đích chia sẻ, cho rằng đây là chiêu trò “làm nội dung mạng xã hội”.
Tốt nghiệp loại Giỏi ngành IT ĐH Công nghiệp Hà Nội vẫn chạy xe ôm công nghệ (Ảnh minh họa).
Đáp lại những bình luận trái chiều
Trước những bình luận này, Nghĩa phản hồi thẳng thắn: “Mình nghĩ chuyện bằng giỏi rồi chạy xe ôm công nghệ không có gì sai cả, học công nghệ và chạy xe công nghệ thì đúng ngành mà. Nói đùa vậy thôi nhưng mình thấy bản thân làm việc đàng hoàng, kiếm tiền chân chính và sống vui với lựa chọn của mình”.
Ban đầu, gia đình từng muốn anh trở về quê vừa học vừa chờ xuất cảnh. Nhưng Nghĩa kiên quyết xin ở lại Hà Nội để học hỏi thêm, tự lập và rèn luyện kỹ năng sống. Anh cho rằng, việc chạy xe cũng là một cách học, ngoài sách vở, từ chính cuộc sống.
Chặng đường đến tấm bằng Giỏi của Nghĩa cũng không hề dễ dàng. Xuất thân trong gia đình lao động, bố là thợ xây, mẹ là công nhân, anh phải tự trang trải học phí và sinh hoạt từ năm nhất.
(Ảnh minh họa)
Khi không tìm được cơ hội thực tập đúng chuyên ngành vào năm 3, Nghĩa từng loay hoay, hoang mang đến mức quyết định bảo lưu và sang Nhật làm việc trong ngành sản xuất ô tô gần 2 năm. Trở về nước năm 2024, anh hoàn thành chương trình học với GPA 3.28/4.0.
Khi được hỏi có ngại gặp lại bạn bè, thầy cô cũ trong lúc chạy xe, Nghĩa thừa nhận có chút ngại ngùng, song anh sẵn sàng chia sẻ sự thật về công việc hiện tại và khẳng định không có gì phải xấu hổ.
Chàng trai trẻ quan niệm, giá trị của một con người không nằm ở nghề nghiệp họ đang làm, mà ở cách họ sống, cách họ nghĩ và cách họ đang cố gắng trở thành ai đó trong tương lai. Và với anh, việc chạy xe công nghệ chỉ là một giai đoạn, còn hành trình rèn luyện để trưởng thành là suốt đời.
A.Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)