Giận cá chém thớt
Sinh ra và lớn lên ở miền quê sông nước, quanh năm phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng cuộc sống của Lực lúc nào cũng phải tằn tiện chi tiêu. Năm 2003, Lực và chị Lê Thanh Phương quyết định dọn về sống chung nhưng cả hai không đăng ký kết hôn. Mới đầu, cuộc sống của hai “vợ chồng” trẻ đầy ắp tiếng cười nhưng từ khi cháu Lê Hoài Ân (SN 2004) ra đời thì màu hồng của tình yêu cũng dần chuyển sang gam màu khác.
Hàng ngày, Lực bê tha nhậu nhẹt, không tu chí làm ăn và cùng vợ xây dựng hạnh phúc gia đình. Những lần đi làm về Lực không đưa tiền cho vợ nuôi con mà để dành chi vào những khoản nhậu nhẹt ở những quán bia ôm. Về nhà, Lực lại có thái độ và những lời nói khiếm nhã với vợ con, có những khi, chị Phương phải chịu những trận đòn roi từ người chồng mà hằng ngày mình “đầu ấp tay gối”.
Thời gian đầu, vì con, chị Phương đã bỏ qua cho chồng tất cả. Tuy nhiên sức chịu đựng của con người cũng có giới hạn . Năm 2007, chị Phương quyết định đưa cháu Ân về nhà mẹ sống. Từ ngày không còn được sống chung với vợ con nữa, Lực bắt đầu siêng năng làm ăn, những cuộc nhậu cũng thưa dần. Và sau nhiều lần đến năn nỉ chị Phương đưa cháu Ân quay trở về sống chung không được, Lực quyết định mang con về sống chung với mình để tiện việc chăm sóc cùng như bù đắp tình cha con.
Vẫn chứng nào tật nấy, từ ngày sống chung với cháu Ân, Lực lại quay cuồng trong nhậu nhẹt nên cuộc sống của hai cha con lại càng khó khăn hơn. Muốn có một chiếc xe để đi làm, chiều 28/4/2011, Lực tìm gặp mẹ ruột xin 2 triệu đồng nhưng không được người mẹ già đồng ý.
Lực lại tìm đến rượu. Trong cơn say, Lực ngồi suy ngẫm về cuộc đời của mình như đang đi vào con đường không có lối ra. Vừa bị vợ chia tay, vừa xin tiền cha mẹ không được, kinh tế lại khó khăn nên Lực nghĩ chỉ còn cách chết để giải thoát tất cả.
Trong ý nghĩ tìm đến cái chết, Lực muốn đứa con trai bé bỏng của mình cũng phải chết theo. Lực đưa cho cháu Ân 10.000 đồng rồi bảo cháu đi mua xăng ở tiệm tạp hóa gần nhà.
Cháu Ân tưởng ba kêu mình đi mua xăng để đổ vào xe máy nên vui vẻ nghe lời. Cháu Ân vừa mang bịch xăng tất tả chạy về đến nhà, Lực ôm con vào lòng rồi tưới xăng, châm lửa đốt. Khi lửa bốc cháy ngùn ngụt, Lực ôm con định chạy ra ngoài nhưng do nóng quá nên bỏ con xuống sàn nhà rồi một mình thoát thân. Mặc dù cháu Ân được đưa đi cấp cứu nhưng ngọn lửa mà người cha nhẫn tâm tạo nên vẫn cướp đi sinh mạng bé.
Lời khai khó tha thứ
Tại phiên tòa, trả lời những câu hỏi của Hội đồng xét xử, tại sao lại có hành vi giết con dã man như vậy. Lực cho biết, "con bị cáo sinh ra, bị cáo có quyền định đoạt mạng sống của nó. Lúc giết con, bị cáo đang trong men rượu nên bị cáo không biết đó là con mình". Tòa truy tiếp: Thế nhưng bị cáo có biết, lúc đó con bị cáo chỉ mới 7 tuổi, vậy đứa trẻ có tội tình gì không?. Bị cáo cúi đầu im lặng.
Một lúc sau, bị cáo Lực lí nhí trả lời: "Tại lúc đó, bị cáo nghĩ bản thân mình không còn thiết sống nữa khi mà bị cáo bị vợ bỏ, kinh tế khó khăn, bị cáo không có điều kiện nuôi con… nên bị cáo mua xăng về thiêu đốt cả hai cha con. Nghe đến đây, cả khán phòng im lặng. Trên vành móng ngựa, Lực vẫn cúi gằm mặt, không dám nhìn mọi người".
Vị Chủ tọa phiên tòa phân tích: Mạng sống của bị cáo, bị cáo muốn sống hay muốn chết là do bị cáo tự định đoạt, không ai có quyền ép buộc. Nhưng mạng sống của con bị cáo lại khác, được pháp luật bảo vệ. Bị cáo sinh con mình ra thì bị cáo phải có nghĩa vụ nuôi thành người, chứ không có quyền định đoạt hay có bất cứ hành vi xâm phạm đến con của mình.
Bị cáo tẩm xăng đốt chết con mình là một hành vi rất dã man, rất nguy hiểm , nếu bị cáo không lo được cuộc sống của con thì bị cáo phải giao lại cho mẹ cháu nuôi. Hơn nữa, bị cáo có sức khỏe, sức trẻ mà không nuôi nổi con mình thì đó là một việc hết sức phi lý.
Đối diện với vành móng ngựa, Lực vẫn cúi đầu lắng nghe. Nhưng không biết, bị cáo có thấm thía những hành vi mà mình gây ra cho đứa con vô tội?. Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, cũng như những diễn biến tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm.
Pháp luật Việt Nam