Trong nghiên cứu, 3 nhóm chuyên gia thuộc Đại học Aalto, Trung tâm Nghiên cứu kỹ thuật VTT và Viện Khí tượng Phần Lan đã sử dụng siêu máy tính để mô phỏng hiện tượng các hạt siêu nhỏ lan truyền từ hệ hô hấp của một người sang người khác thông qua việc ho.
Khi người nhiễm bệnh ho ở lối đi giữa các kệ hàng và xung quanh có hệ thống thông gió, "đám mây" sol khí lan tỏa ngay lập tức, lan ra các khu vực xung quanh người vừa ho. Quá trình này có thể kéo dài trong vài phút và những người tình cờ đi ngang qua, trên lý thuyết có thể hít phải các hạt siêu nhỏ chứa virus. Những hạt sol khí siêu nhỏ mà các nhà nghiên cứu mô phỏng trên máy tính có kích thước chỉ 20 micro mét, nhỏ đến mức đủ nhẹ để lơ lửng trong không khí (thay vì rơi xuống sàn) và thông qua luồng gió lan truyền đi xa.
Những chấm đỏ biểu hiện những giọt có kích thước lớn. Chúng chứa nhiều vi sinh vật nhưng cũng rơi xuống nhanh hơn. Nhưng khi chạy nhanh qua, chúng vẫn sẽ bám được vào quần áo của bạn.
Những mô phỏng này cũng chỉ ra rằng khi bạn đi bộ, chạy hoặc đạp xe cũng cần phải cẩn thận hơn. Khi ai đó thở trong khi chạy hay thậm chí là ho, hắt hơi thì giọt bắn sẽ lưu lại trong khoảng không phía sau lưng họ. Như vậy, người phía sau họ chạy ngang qua khoảng không đó (đám sương các giọt bắn) sẽ vô tình hít vào những giọt bắn còn lơ lửng trong không khí.
Khi chạy song song với nhau thì khoảng cách xã hội (1-2m) là ít bị ảnh hưởng hơn trong điều kiện gió nhẹ. Các giọt bắn sẽ chỉ bị lưu lại phía sau lưng cả 2 người. Khi chạy chéo phía sau thì khả năng bị dính các giọt bắn cũng ít hơn so với việc chạy ngay phía sau người khác.
Dựa vào các nghiên cứu này, các nhà khoa học cho rằng khoảng cách an toàn cho những người đi bộ theo 1 đường thẳng là 4 đến 5m còn cho những người chạy hay đạp xe là lên tới ít nhất 10m và có thể lên tới 20m nếu đạp xe nhanh. Nếu muốn chạy vượt qua nhau, bạn cần phải đi ở 1 làn khác hẳn từ cách đó 20m (cho xe đạp).
Đức Hoà (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)