Sau những ngày theo dõi, PV bóc trần thủ đoạn của các nhóm chăn dắt trẻ em đang hoạt động tại khu vực Q.5, 8 và10.
Chăn dắt suốt đêm
Từ đường Tạ Quang Bửu (Q.8) đến đường Nguyễn Văn Cừ (Q.5) là địa bàn hoạt động của nhóm chăn dắt trẻ em bán vé số thâu đêm suốt sáng do ông Hùng và bà Thu điều khiển. Bốn đứa trẻ tội nghiệp ấy là Vinh “mập” (9 tuổi), Tường “ốm” (10 tuổi), Mai (12 tuổi) và Tiền “út” (6 tuổi). Suốt đêm, cả bốn đứa trẻ được hai “chủ chăn” rải ở các tuyến đường trong “lãnh địa” để đến quán nhậu bán vé số.
Chiều 12/12/2012, Hùng và Thu “đổ” mấy đứa trẻ xuống ngã tư Bông Sao - Tạ Quang Bửu (P.5, Q.8), phát cho Mai, Tiền và Vinh mỗi bé một xấp vé số dày cộp rồi xua mấy đứa tản đi bán. Riêng Tường, bé trai gầy ốm, đen đúa, được giao xe đạp để đi. Giao việc xong, hai “chủ chăn” ngồi ở góc đường chờ các em ra nộp tiền. Nhằm quản lý chặt, Hùng còn trang bị cho mỗi trẻ một điện thoại di động để điều khiển từ xa. Đến 20g, thấy các em đã lượn nhiều vòng qua mấy quán nhậu, Hùng lấy điện thoại gọi các em ra vị trí vắng dưới chân cầu Tạ Quang Bửu, từng em khép nép đưa những tờ tiền vừa có được qua việc bán vé số.
Bé Vinh trong đường dây chăn dắt của ông Hùng bán vé số trên đường - Ảnh: Đức Phú
Khoảng 22g, nhóm chăn dắt tiếp tục chở ba đứa bé đến các quán nhậu ở P.4, Q.8. Sau đó chạy xe đến công viên khu phố 10 (đường Cao Lỗ, P.4, Q.8) ngồi nói chuyện rôm rả với những người khác. Vài chục phút sau, Hùng gọi điện hối thúc từng em chạy đến công viên nộp tiền. Thấy bé Vinh đến í ới nói bán ế, ông ta ngồi trên xe máy nhảy xuống tát mấy cái thật mạnh vào mặt đứa trẻ. Khi thấy người đi đường nhìn một cách tò mò, Hùng lẳng lặng chở bé Vinh tới lề đường Cao Lỗ để tiếp tục đánh và chửi.
Khoảng 23g, sau khi “gom” đủ ba em, hai “chủ chăn” chở các em đến đường Tạ Quang Bửu nối dài (thuộc P.4, Q.8) tiếp tục bán vé số, còn cả hai ra ngồi ghế đá ôm nhau bỡn cợt. Mười phút sau, bé Vinh lầm lũi cầm xấp vé số trên tay đi tới nói lí nhí với Hùng không bán được. Lần này, Hùng giật phăng xấp vé số và tiếp tục chửi rủa. Chửi chưa dứt lời, ông ta vung tay tát mạnh làm Vinh ngã dúi ra sau. Xong trận đòn, bé Vinh tiếp tục cầm mũ bảo hiểm rồi leo lên xe để Hùng chở đi chỗ khác bán.
Suốt tối 12/12 đến rạng sáng 13/12/2012, ba đứa trẻ liên tục được chở đến các tuyến đường mà không có được chút đồ ăn nào, chỉ một lần được “chủ chăn” mua cho một bịch nước. Tới 2g sáng, Hùng và Thu chở ba đứa bé trở lại ngã tư Bông Sao - Tạ Quang Bửu. Lúc này bé trai tên Tường đạp xe đến, nhập vào nhóm rồi cùng đi bộ bán, bước chân của các em quờ quạng sau một đêm làm việc vất vả nhưng Hùng vẫn hối thúc các bé tiếp tục công việc.
Đến gần 3g sáng, khi các quán nhậu bắt đầu dọn hàng, hai “chủ chăn” mới gom bốn đứa trẻ chở về phòng trọ ở ấp 1, xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè.
Trẻ bại liệt cũng không tha
Nhóm chăn dắt trẻ em khuyết tật có “ổ” nằm sâu trong hẻm số 369 Lê Hồng Phong (P.2, Q.10). Trong căn phòng tối om là nơi ông Quân, bà Liên chuyên đưa hai trẻ em khuyết tật và một bé gái tên Linh (6 tuổi) đi xin tiền ở các tuyến đường trên địa bàn Q.5, 11.
Khoảng 18g ngày 11/1, từ căn phòng này, bà Liên, dáng nhỏ thó, thoăn thoắt dắt bé Linh ra ngã tư Lê Đại Hành - Ba Tháng Hai. Lẽo đẽo theo sau, ông Quân đẩy xe lăn chở một bé trai (khoảng 14 tuổi) bị bại liệt ra đặt tại vỉa hè đường Ba Tháng Hai, không quên bỏ chiếc nón lên người đứa bé tội nghiệp để người đi đường rủ lòng thương. Sau khi đưa “lính” vào vị trí làm ăn, hai “chủ chăn” lùi ra ngồi ở vỉa hè cách đó khoảng 20m theo dõi và thu tiền.
Bé trai bại liệt mắt đờ đẫn, chân tay teo tóp ngồi trên vỉa hè có ánh đèn mờ mờ, ngoảnh cổ ngóng theo người đi đường. Nhiều người rủ lòng thương dừng lại rút ví hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn đồng để vào nón của bé trai. Khi thấy tiền đã nhiều, bà Liên từ xa ra hiệu cho bé Linh đến gom tiền trong nón và nhanh chóng đưa cho bà ta.
Đến khoảng 22g, ông Quân, bà Liên đẩy bé trai khuyết tật băng qua đường đón xe ôm về “ổ”. Xe máy chạy, bé trai bại liệt ngửa cổ ra một bên, nước dãi chảy ra hai bên mép. Thỉnh thoảng, bé còn co giật khiến ông Quân phải giữ chặt mới ngồi yên. Sau khi đưa bé trai bại liệt vào “ổ”, ông Quân chạy ra đầu hẻm tiếp tục dìu thêm đứa trẻ bại liệt khác vào nhà.
Theo điều tra, đường dây của Quân - Liên cùng thuê nhà sống trọ chung với hơn mười người bán vé số từ hơn tám tháng qua. Người dân xung quanh cho biết ông Quân, bà Liên rất ít nói chuyện với người xung quanh và chỉ xuất hiện vào ban đêm khi chở trẻ em đi ăn xin về.
Người già cũng bị chăn dắt Cùng với nạn chăn dắt trẻ em, nạn chăn dắt người già đi ăn xin cũng nở rộ với sự biến tướng khi các “chủ chăn” nhét cho các cụ thêm mấy hộp tăm bông, tăm tre để bán. Đường dây chăn dắt của ông Tâm (36 tuổi, ngụ ở khu phố 2, P.Tân Chánh Hiệp, Q.12) đã hoạt động được khoảng sáu năm nay. Mỗi ngày, các cụ già được ông Tâm chở đi bán tăm và ăn xin ở những ngã tư như Trường Chinh - Phan Huy Ích (Q.12) và ngã ba mũi tàu trên đường Cộng Hòa. Ông Tâm thừa nhận các cụ già ăn lương theo tháng từ 1,5-2 triệu đồng, còn tiền lời lãi ông Tâm thu hết. Để kiếm được nhiều tiền, ông Tâm chỉ nhận các cụ cao tuổi nhằm đánh vào lòng thương của người đi đường, nhưng không nhận các cụ lắm bệnh tật vì dễ mang vạ vào thân. Ông Tâm kể có đợt một “chủ chăn” phải chạy vạy, thương lượng khắp nơi vì cụ già bất ngờ đổ bệnh và qua đời. Đường dây chăn dắt năm cụ già bán tăm bông, tăm tre khác do ông Lê Ngọc Huy (44 tuổi) và vợ là Phạm Thị Hà tổ chức ngụ ở đường Nguyễn Văn Luông, P.12, Q.6. Mỗi ngày, ông Huy và vợ chia nhau chở các cụ ra ngã tư các địa bàn Q.1, 3... bán tăm. Nhưng người mua tăm bông thì ít, mà người bố thí thì nhiều. Ông Huy thừa nhận các cụ vẫn được “bo” thêm tiền khi bán hàng, mấy chục ngàn đồng là chuyện thường. Trong cuốn sổ do vợ chồng ông Huy tự ghi chép chỉ ghi số tiền các cụ kiếm được trong một ngày, không ghi cụ thể số tiền từng cụ kiếm được. Chẳng hạn ngày 29/6/2012, ghi tổng thể các cụ bán được 30 hộp bông và 16 gói tăm với số tiền 2 triệu đồng. Đến ngày 1/7, các cụ bán được 36 hộp bông và 18 gói tăm với số tiền 2,3 triệu đồng. “Số tiền trên được ghi tổng thể như vậy, sau đó cuối tháng sẽ tính ra trả cho từng cụ. Toàn bộ số tiền các cụ gửi cho tôi, cuối tháng hoặc khi nào các cụ cần gửi về quê thì tôi sẽ trả lại” - ông Huy nói. |
Tuổi Trẻ