Ngày 16/10, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, vừa có công văn khẩn đề nghị Sở Y tế TP.HCM khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ sự việc nữ bệnh nhân tử vong sau khi căng da mặt tại Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam TP.HCM.
Phó cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa yêu cầu Sở Y tế TP.HCM tiến hành xử lý vi phạm đối với người hành nghề và Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam (nếu có) theo quy định.
Đồng thời, Sở Y tế TP.HCM cần tăng cường kiểm tra, thanh tra, tuyên truyền giáo dục về pháp luật cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện nghiêm việc khám, chữa bệnh theo đúng quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Nghị định số 109 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Nơi xảy ra vụ việc nữ Việt kiều Mỹ căng da mặt dẫn đến tử vong. Ảnh: FB
Sau khi tiến hành kiểm tra, xác minh, Sở Y tế TP.HCM có trách nhiệm báo cáo kết quả về Bộ Y tế trước ngày 25/10.
Trước đó, chiều 15/10, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết Thanh tra Sở Y tế đã xuống Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam, tiếp nhận và niêm phong hồ sơ, phục vụ công tác điều tra.
Ban giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo thành lập hội đồng chuyên môn. Đồng thời, cơ quan này liên hệ với Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Chợ Rẫy để phối hợp điều tra, xác minh thông tin. Trong thời gian sớm nhất, Sở Y tế sẽ đưa ra kết luận về nguyên nhân vụ việc.
Trong báo cáo của Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam gửi Sở Y tế TP.HCM, sáng 11/10, bệnh nhân L.T.C. (59 tuổi, Việt kiều Mỹ) đến bệnh viện này với mong muốn căng da mặt. Kết quả khám lâm sàng ban đầu cho thấy bệnh nhân khỏe mạnh bình thường, nhưng từng bơm silicone 2 bên má (không rõ thời gian thực hiện).
Chiều cùng ngày, bệnh viện tiến hành căng da mặt cho khách hàng. Ca phẫu thuật được bắt đàu từ 14 giờ và kết thúc vào 17h30 ngày 11/10. Lúc phẫu thuật, bác sĩ có gây mê nội khí quản, thuốc tê với công thức: 25 ml Lidocain 1% + 0,5 ml Adrenalin pha trong 500ml Natri clorua 0,9%.
Bác sĩ phát hiện có ít silicon ở 2 bên vùng má và đã lấy ra khi rạch da theo đường chân tóc. Bà C. được cắt da thừa vùng mặt, đặt dẫn lưu 2 bên. Sau khi rút nội khí quản, bà C. lơ mơ, tự thở và khi bác sĩ hỏi đều trả lời đúng. Đến 18 giờ cùng ngày, nữ Việt kiều này tự thở mạch và huyết áp ổn định.
Song, đến 21 giờ cùng ngày (11/10), bà C. đột ngột khó thở, khàn tiếng, phù môi, tím tái, lơ mơ; mạch nhẹ khó bắt, huyết áp tụt, chỉ số SpO2 (chỉ số oxy trong máu) giảm chỉ còn 80%.
Lúc này, bác sĩ tại Kangnam chẩn đoán bà C. bị sốc phản vệ sau phẫu thuật căng da mặt. Bác sĩ thực hiện cấp cứu tích cực như tiêm Adrenalin 1mg/1ml tĩnh mạch chậm, dùng Lipofuldin 20%/100ml tiêm tĩnh mạch.
Song, sức khỏe của bà C. không cải thiện, huyết áp tuột nhanh và các chỉ số khác liên tục giảm. Bác sĩ thêm lần nữa tiêm thuốc Adrenalin 1mg/1ml; tiêm thuốc Lipofuldin 20%/400ml. 2 phút sau đó, tình hình không khả quan nên bà C. được ép tim ngoài lồng ngực và tiêm Adrenalin 10mg.
Quá trình cấp cứu tại thẩm mỹ viện Kangnam diễn ra khoảng 6 phút, sau đó thấy tình hình bất ổn, Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam gọi Trung tâm cấp cứu 115 hỗ trợ và chuyển người phụ nữ này sang Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây, bệnh nhân được điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu. Đến tối 14/10, bệnh nhân tử vong.
Theo bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốc nặng, ngưng tim ngoại viện rồi tử vong sau 3 ngày điều trị.
Nhận định ban đầu của các bác sĩ, bệnh nhân L. tử vong do sốc phản vệ.
Đức Hoà (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)