Giới hạn giờ dạy thêm để bảo vệ sức khỏe nhà giáo
Một trong những điểm thay đổi quan trọng nhất của dự thảo là việc quy định cụ thể tổng số giờ dạy tối đa trong một năm học mà mỗi cơ sở giáo dục được chi trả tiền lương dạy thêm giờ. Dự thảo mới tập trung vào việc giới hạn số giờ dạy thêm, nhằm đảm bảo nhà giáo không bị quá tải công việc và có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.
Cụ thể, đối với giáo viên mầm non, số giờ dạy thêm được chi trả không quá số giờ làm thêm theo quy định của pháp luật về lao động. Tuy nhiên, đối với nhà giáo khác (bao gồm giáo viên phổ thông, giáo dục thường xuyên, dự bị đại học, trường chuyên biệt và cơ sở giáo dục nghề nghiệp), dự thảo dự kiến giới hạn tối đa là 150 giờ dạy/năm. Quy định này được Bộ GDĐT giải thích nhằm ngăn chặn tình trạng nhà giáo phải làm việc quá giờ quy định, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng giảng dạy.
Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Thông tư quy định chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập (Ảnh minh hoạ)
Dự thảo cũng bổ sung quy định tổng số giờ dạy thêm trong một năm học của tất cả nhà giáo không được cao hơn tổng số giờ dạy thêm giờ tối đa trong một năm học của cơ sở giáo dục. Điều này nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục trong việc phân công nhiệm vụ, đảm bảo số giờ dạy thêm được phân bổ hợp lý trong phạm vi cho phép.
Tuy nhiên, dự thảo cũng tính đến những trường hợp đặc biệt. Trường hợp môn học không thể bố trí đủ nhà giáo giảng dạy và nhà giáo phải dạy vượt quá số giờ tối đa được thanh toán cho một nhà giáo, người đứng đầu cơ sở giáo dục có trách nhiệm báo cáo cơ quan quản lý có thẩm quyền để xem xét và thực hiện chi trả tiền lương dạy thêm giờ cho nhà giáo đó.
Linh hoạt trong chi trả lương dạy thêm giờ liên trường và biệt phái
Dự thảo mới cũng bổ sung quy định về trách nhiệm chi trả tiền lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo dạy liên trường hoặc được cử đi biệt phái. Theo đó, lương dạy thêm giờ của nhà giáo được cơ quan có thẩm quyền cử đi biệt phái sẽ do cơ sở giáo dục mà nhà giáo đến biệt phái chi trả. Tương tự, tiền lương dạy thêm giờ của nhà giáo được cơ quan có thẩm quyền cử đi dạy liên trường sẽ do cơ sở giáo dục mà nhà giáo đến dạy liên trường chi trả.
Trong trường hợp nhà giáo được cử dạy liên trường đồng thời từ 3 cơ sở giáo dục trở lên (bao gồm cả cơ sở giáo dục nơi nhà giáo công tác), tiền lương dạy thêm giờ sẽ được chi trả bởi các cơ sở giáo dục mà nhà giáo đến dạy liên trường. Số giờ dạy thêm của nhà giáo sẽ được chia đều cho các cơ sở giáo dục này để tính toán và chi trả.
(Ảnh minh hoạ)
Dự thảo cũng bổ sung quy định quan trọng về việc các nhiệm vụ đã được nhận thù lao bằng tiền hoặc phụ cấp thì không được quy đổi ra giờ dạy hoặc giảm định mức tiết dạy để tính tiền lương dạy thêm giờ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Điều này nhằm tránh tình trạng trùng lặp trong việc chi trả chế độ và đảm bảo tính minh bạch trong quản lý tài chính.
Về thời điểm thực hiện việc chi trả chế độ tiền lương dạy thêm giờ, dự thảo quy định các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, dự bị đại học, trường chuyên biệt và cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ thực hiện chi trả sau khi kết thúc năm học.
Một điểm mới tích cực khác trong dự thảo là việc bổ sung quy định về việc chi trả tiền lương dạy thêm giờ cho nhà giáo công tác không đủ 1 năm học do các lý do như nghỉ hưu, nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá quy định của pháp luật, nghỉ việc không lương hoặc các trường hợp nghỉ khác không trực tiếp tham gia giảng dạy. Theo đó, những nhà giáo trong các trường hợp này vẫn được hưởng tiền lương dạy thêm giờ đối với thời gian thực tế công tác. Quy định này tạo hành lang pháp lý rõ ràng để các cơ sở giáo dục thực hiện việc chi trả, đảm bảo quyền lợi cho nhà giáo trong các tình huống đặc biệt.
Dự kiến, các cơ sở giáo dục sẽ được áp dụng quy định chế độ trả lương dạy thêm giờ tại Thông tư này khi trả lương dạy thêm giờ cho nhà giáo trong năm học 2024-2025.
T.Hà (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)