Phút nông nổi chết người
Gặp phạm nhân Nguyễn Thị Bích (SN 1983, ở Hát Lót, Mai Sơn, Sơn La) ở trại giam Xuân Nguyên - Hải Phòng, tôi không khỏi chạnh lòng buồn về câu chuyện của người đàn bà tội lỗi ấy. Những kham khổ nơi trại giam không làm mất đi vẻ mặn mà của cô gái miền sơn cước thủa nào.
Chúng tôi mở đầu buổi trò chuyện bằng những câu chuyện về con cái. Nhắc đến con, những giọt nước mắt lặng lẽ rơi ra từ đôi mắt u buồn của Bích: “Em sai lầm, em chịu. Nhưng chỉ thấy ân hận nhất là làm khổ con em…”
Bích kể, với cô, con cái là tất cả sự sống. Ở quê nơi cô sinh ra, các bà mẹ thường bận bịu và ít có điều kiện chăm chút cho con cái. Nhưng với cô thì khác, Bích đặc biệt chăm chút đến cái ăn, cái mặc cho con. Tất cả các đồ ăn của con, cô đều tự tay làm. Còn quần áo của con, ngoài việc “tích cực xin” của các chị lớn, mỗi lần đi chợ, Bích đều bớt lại một, hai nghìn đồng đợi đến lúc tiết trời giao mùa, cô sẽ vào phiên chợ mua thêm một vài cái dày dặn để đến khi trời rét cắt da cắt thịt còn mặc cho con gái. Cho rằng con dâu chi tiêu hoang phí, không biết tiết kiệm, “sĩ diện không phải lối”, mẹ chồng cô đã không tiếc lời nhiếc móc, sỉ vả cô.
Về làm dâu bà Nguyễn Thị Thoan (SN 1930), biết tính mẹ chồng cay nghiệt, Bích nhất mực im lặng, nhẫn nhịn chịu đựng. Bích lấy con trai bà Thoan khi đã gần 20 tuổi, cái tuổi mà ở quê Bích đã được liệt vào “hàng ế”. Hơn nữa, cuộc tình giữa Bích và con trai bà Thoan có phần chóng vánh, từ lúc quen biết, yêu đương đến khi cưới, chỉ vỏn vẹn chưa đầy ba tháng. Bởi thế nên bà Thoan luôn cho rằng Bích đã “bỏ bùa” con trai bà để có tấm chồng. Bà Thoan lấy đó làm ấm ức trong lòng.
Từ ngày Bích về làm dâu, thấy con trai vui cười hớn hở, bà Thoan càng thấy con trai mình “ngu, bị ăn quả lừa”. Đã thế, thấy nhà Bích toàn chị em gái, bà Thoan lo sợ con dâu có “gen” đẻ con gái, sẽ chẳng ai chống gậy khi con trai bà mất… Những tức tối, ấm ức cứ âm ỉ trong lòng bà Thoan, để rồi khi có cớ, bà dồn cả lên Bích.
Nhà có cửa hàng kinh doanh nhỏ ở mặt đường thị trấn nên chuyện ruộng nương bà Thoan không màng đến, bà để cho họ hàng gieo trồng trên nương rẫy của bà. Để vừa lòng mẹ chồng, Bích bỏ cả làm ở xưởng may ở gần nhà để ngày ngày vất vả cực nhọc với nương với rẫy.
Tất cả những gì Bích làm đều không vừa lòng mẹ chồng cay nghiệt. Bích làm việc vất vả, cực nhọc từ lúc những giọt sương còn chưa tan trên những ngọn ngồng cải cho đến khi trời nhá nhem tối mới về mà mẹ chồng vẫn không hài lòng. Bà Thoan bắt Bích không những chăm lo nương rẫy mà chuyện nhà cửa, bếp núc, cô cũng phải quán xuyến. Hễ Bích làm không vừa ý việc gì lập tức, bà không tiếc lời mắng mỏ, chì chiết, đay nghiến rồi bà quay sang nhiếc móc nhà thông gia không biết dạy dỗ con cái.
Đỉnh điểm, khoảng 15h ngày 9/6/2006, khi Bích vừa xuống bếp thì lập tức bị bà Thoan chửi như té nước vào mặt mà cô không rõ lí do vì sao. Muốn làm dịu cơn bực tức của mẹ chồng, Bích nhẹ nhàng: “Con sai, có gì mẹ từ từ dạy bảo”. Lời nói thiện chí bỗng chốc biến thành sự đối đầu, bà Thoan bắt đầu như phát điên. Bao nhiêu từ ngữ “hay ho”, “đẹp đẽ” ở ngoài chợ bắt đầu được bà tuôn ra.
Mắng chửi té tát vào mặt con dâu dường còn chưa hả dạ, bà sấn sổ xông tới vơ lấy cái chổi dựng ở góc nhà, xoay ngược phần cán chổi lại rồi dùng hết sức lực còn lại quật túi bụi vào người con dâu. Vừa đánh, bà vừa chửi bới ầm ĩ cả tiểu khu: “Mày ăn gan hùm phải không? Đây là chỗ để mày lên tiếng phải không? Đồ mất dạy này…, mất nết này… Mày đừng tưởng mày bước vào cái nhà này rồi là mày có thể cắm rễ được ở đó, làm ma nhà tao! Tao có thể tống cổ mày ra khỏi nhà bất cứ lúc nào! Đồ không có người dạy…”. Rồi bà quay sang chửi gia đình thông gia là không biết đẻ, không biết dạy con, chỉ biết xúi bẩy con gái về nhà chồng “bòn mót”…
Nghe mẹ chồng sỉ vả từng lời cay nghiệt xúc phạm bố mẹ mình, không kìm chế được bản thân, Bích đã vùng dậy cầm cầm con dao nhọn đâm vào người bà Thoan. Trong lúc giằng co, cả hai cùng bị ngã xuống sàn. Nhìn thấy chiếc chày gỗ, cô cầm lên đập nhiều nhát vào người mẹ chồng. Sau đó, dù được gia đình đưa đi cấp cứu nhưng bà Thoan đã tử vong, còn Bích bị kết án chung thân.
Nỗi ân hận muộn màng
Từ ngày Bích bị bắt giam đến ngày Bích phải hầu Tòa, chịu án, người chồng mà cô từng đầu gối tay ấp chưa một lần đến thăm cô. Nhắc đến chồng, người đàn bà miền sơn cước cố giấu đi nét buồn u uất. Bích bảo, cô hiểu được nỗi khổ tâm của người chồng và cũng không trách móc gì anh. Nhưng dường như trong ánh mắt của Bích, chút gì đó vẫn như hy vọng, đợi chờ. Chồng không thăm nom, đến đứa con Bích rứt ruột đẻ ra Bích cũng không được gặp. Với Bích, đây là sự trả giá đắt nhất.
Sau hai năm trong trại, Bích nhận được đơn li dị của chồng. “Qua những cuộc điện thoại với gia đình, em biết anh đã lấy vợ và có con. Như thế cũng tốt, nếu không em còn khổ tâm nữa. Anh không vào thăm em, em lại thấy may vì em sợ phải đối diện với anh, với con, vì tội lỗi mình gây ra quá lớn. Em chỉ hy vọng, chị ấy đối xử với con em như con đẻ thôi. Thế là em mãn nguyện rồi”- Bích cười buồn.
Nữ phạm nhân có làn da mịn màng tiếp tục câu chuyện: “Giờ mọi chuyện đã qua, em không muốn nhắc lại nữa. Chỉ thấy mình quá nông nổi, không nghĩ đến hậu quả. Giá như ngày đó, em đừng mải chơi, bỏ học từ năm lớp 8 mà nghe lời bố mẹ và các chị cố gắng học có lẽ em sẽ có hiểu biết hơn, suy nghĩ chín chắn hơn không hành động dại dột để bố mẹ em lại phải khổ. Em có tội với gia đình em, với con em…”
Bích im lặng để nén những cảm xúc đang dâng trào. Tôi chẳng mở lời, để mặc cho Bích được thổn thức với chính mình. Khi cảm xúc qua đi, Bích tâm sự: “Em có nhiều điều ước lắm, ước cho bố mẹ được khỏe mạnh, con ngoan, học giỏi, không phải chịu sự ghẻ lạnh của người mẹ kế, ước mình đủ ý chí và nghị lực để “trả nợ” và sớm trở về với con…”.
VnMedia