Mới đây, trang Sohu đưa tin về một vụ bắt cóc gây xôn xao dư luận. Điều đáng chú ý là đứa trẻ 5 tuổi trở thành mục tiêu của 2 kẻ bắt cóc đã thoát được bằng sự thông minh nhanh trí của mình.
Vũ Vũ là con trai duy nhất của chị Đồng Bảo (Trung Quốc). Một ngày, Đồng Bảo đang nấu ăn ở nhà, đứa con trai chơi trong sân vui vẻ. Người mẹ yên tâm làm việc nhà mà không biết Vũ Vũ thấy nhiều bạn bè trong công viên đối diện nên chạy lại tham gia.
Trong lúc mẹ không để ý, cậu bé chạy đến chỗ bạn bè trong công viên (Ảnh minh họa)
Một lúc sau, đôi nam nữ lạ mặt xuất hiện và đi theo Vũ Vũ. Tranh thủ lúc không ai để ý, người đàn ông bế đứa trẻ đi. Cậu bé liên tục khóc nhưng hai người này giải thích với những người qua đường rằng đứa trẻ sẽ không chịu về nhà ăn tối và bị mẹ "tét đít" vì không nghe lời.
Nhiều người xung quanh cũng không mấy để ý, vì việc các bé khóc lóc không chịu đi lúc bố mẹ giục về ăn cơm cũng khá quen thuộc. Có người còn mỉm cười ra vẻ thấu hiểu khi đứa trẻ một mực bảo rằng đây không phải là cha mẹ của nó.
Nếu không nhanh trí, Vũ Vũ có thể đã bị bắt cóc (Ảnh minh họa)
Người đàn ông đưa đứa bé ra xe chờ sẵn, nhưng đúng lúc đó, Vũ Vũ nhìn thấy một cặp vợ chồng ở đằng xa và hét lên: "Bố mẹ ơi, sao bố mẹ lại ở đây? Con không biết hai người này, họ bắt con đi".
Cả hai sợ hãi khi nghe những lời của Vũ Vũ, và bỏ chạy ngay lập tức mà không nói được gì.
Trong lúc đó, người mẹ Đồng Bảo phát hiện con trai không có trong sân nên lo lắng đi tìm. Thấy Vũ Vũ đang đứng khóc vì sợ hãi, người mẹ hoảng hốt ôm con vào lòng.
Chính một câu hét lên đúng thời điểm này đã giúp đứa trẻ đã tự cứu mình. Ai nấy khen ngợi sự may mắn và nhanh trí của đứa trẻ 5 tuổi.
Trong trường hợp trên, có thể kẻ bắt cóc không có ý định ngay từ đầu nên chưa có sự chuẩn bị nên cậu bé dễ dàng thoát thân. Nhưng trong nhiều trường hợp khác sẽ đi kèm nhiều nguy hiểm hơn. Do đó, tốt hơn hết cha mẹ nên dạy trẻ những kỹ năng thoát hiểm tránh bị bắt cóc:
Học cách bình tĩnh khi bị lạc
Bố mẹ nên cho con biết rằng nếu con thấy mình lạc mất bố mẹ thì cần chạy ngay vào các khu vực có bảo vệ như siêu thị mini, các cửa hàng lớn... và tìm cách liên lạc về cho bố mẹ, vì không phải lúc nào cũng có thể thấy được công an, nên hướng dẫn bé vào các khu vực công cộng có bảo vệ và quản lí sẽ linh động hơn.
Hét thật to khi cảm thấy không an toàn
Khi kẻ bắt cóc chụp lấy bé, hét to để tìm kiếm sự cầu cứu, gây chú ý là một việc hết sức quan trọng. Tiếng hét còn là động lực để thúc đẩy con vùng vẫy mạnh hơn thoát khỏi tay kẻ xấu.
Vì vậy cha mẹ nên tập cho bé hét to từ "bắt cóc" và "cháy nhà". Vì bọn buôn người ngày càng tinh vi, chúng có thể sẽ nói bé là con của mình khi bé hô "bắt cóc", từ đó người đi đường sẽ không chú ý nhiều. Và nếu bé hô to "cháy nhà" sẽ khiến kẻ tấn công bị phân tán ý chí, từ đó con có thể dễ dàng vùng chạy thoát thân. Cha mẹ nên tập cho bé cả 2 khẩu hiệu này để phòng khi rủi ro nhất.
Xem các video về bắt cóc cùng con
Bố mẹ có thể cho con xem các video về những thủ đoạn bắt cóc hiện nay
Cha mẹ hãy cùng trẻ xem những video phóng sự, clip mô phỏng, mô tả các tình huống thiếu an toàn mà những bé khác gặp phải khi không ở cùng bố mẹ của mình. Sau đó, cha mẹ có thể khơi gợi và giải đáp những thắc mắc của trẻ khi bé xem những video này để trẻ dần hình thành ý thức phòng vệ cho mình trong những tình huống tương tự có thể xảy ra với trẻ nếu trẻ gặp phải.
Dạy trẻ nhớ số điện thoại của người thân
Dạy con nhớ số điện thoại của người thân, đặc biệt là số của cha mẹ và số điện thoại nhà, còn cần dạy trẻ cách gọi điện thoại.
Trang bị cho trẻ một đồ vật có hệ thống định vị
Hiện nay, có rất nhiều món đồ như vòng cổ, đồng hồ, vòng tay,... được trang bị hệ thống định vị và nút bấm khẩn cấp. Cha mẹ có thể theo dõi vị trí khi trẻ đeo những vật dụng này. Và trong trường hợp trẻ bấm nút, tín hiệu khẩn cấp sẽ thông báo ngay tới cha mẹ và cảnh sát.
Không nhận đồ từ người lạ
Thông thường, những kẻ bắt cóc sẽ thường lấy bánh, kẹo, đồ chơi... ra để làm quen và tiếp cận những đứa trẻ. Tốt hơn hết, cha mẹ hãy dạy trẻ từ nhỏ rằng chỉ lấy đồ từ người quen hoặc khi được cho mẹ cho phép.
Minh Tâm (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)