Ngoài thái độ nghiêm nghị cũng như chiến thuật điều tra đáng kinh ngạc của mình, J. Edgar còn gây tranh cãi về mối quan hệ ‘quá mật thiết’ của ông với cấp dưới Clyde Tolson. Hai con người này đã gắn bó với nhau suốt 44 năm, họ còn đi nghỉ cùng nhau, ăn mặc tương tự nhau và yên nghỉ bên cạnh nhau sau khi qua đời.
Quyền lực tuổi 20
Sinh tại thủ đô Washington vào ngày 1/1/1895, Hoover là con út trong gia đình có 3 người con. Cha mẹ ông là người ngoan đạo thích dạy dỗ con cái bằng những điều có ghi trong Kinh thánh. Tại trường học, với bản tính ít nói của mình, Hoover không tham gia các nhóm tập thể và có rất ít bạn bè. Tốt nghiệp trường công lập Brent, năm 1913 J. Edgar theo học khoa luật tại Đại học George Washington.
Chơi khá xuất sắc trong các môn thể thao, Hoover đã từng muốn theo nghề cầu thủ bóng bầu dục nhưng phải từ bỏ ý định đó vì bị dập sống mũi trong một trận đấu. Giỏi về biện luận, năm 1916, Hoover tốt nghiệp luật khoa và lấy tiếp bằng thạc sĩ trước khi vào làm việc tại Bộ Tư pháp Mỹ với mức lương 990 USD một năm. Năm 1917, Hoover là thuộc cấp của John Lord O’Brien, trợ lý đặc biệt về chiến tranh của Bộ trưởng Tư Pháp Mỹ Thomas W. Gregory. Nhiệm vụ đầu tiên của Hoover là phụ trách bộ phận đăng ký những di dân đến từ nhóm các nước thù địch với Mỹ. Cương vị này đã trao cho Hoover khá nhiều quyền lực tù khi chàng thanh niên này mới 20 tuổi.
Không thích phụ nữ, người đàn bà duy nhất Hoover xem trọng trong đời là mẹ, người sống chung với ông. Không uống rượu, không đàn đúm, ăn tại các nhà hàng bình thường vì thế Hoover có rất ít bạn thân. Tuy nhiên, sự nghiệp của Hoover lại được thăng hoa bởi người bạn thân hiếm hoi của ông- Larry Richey, trợ lý Bộ trưởng Thương mại của Mỹ ở thời điểm đó.
Nhờ sự giới thiệu của Larry Richey, Hoover đã được gặp gỡ với Bộ trưởng thương mại Herbert Clark. Sau này cũng chính Herbert Clark đã đề cử Hoover lên làm giám đốc Cục điều tra của Mỹ. Vì thế khi mới tròn 29 tuổi, vào ngày 10-5-1934, J. Edgar Hoover đã trở thành giám đốc Cục điều tra.
Trong 7 năm liền, Hoover tập trung vào việc chấn chỉnh lại cục và đổi tên nó thành Cục điều tra liên bang (FBI). Ông đã thành lập bộ phận lưu giữ dấu vân tay mở rộng, bao gồm 1/3 dấu vân tay các công dân Mỹ đến tuổi đi bầu cử. Ngoài ra còn một phòng xét nghiệm pháp y cực kỳ hiện đại. Các nhân viên FBI được đào tạo bài bản tại Học viện FBI về võ thuật và các phương pháp do thám. Hoover quy định các hệ thống gài mã và những “khuôn phép” khác để có thể kiểm soát mọi hành vi của thuộc cấp.
Theo nhiều người đánh giá, không có viên chức thực thi pháp luật nào của nước Mỹ trong thế kỷ 20 lại nắm trong tay quyền lực nặng ký như J. Edgar Hoover. Ảnh hưởng của Hoover trên 8 đời tổng thống và Quốc hội Mỹ là rất lớn. Cái tên Hoover luôn gắn liền với FBI, nơi ông lãnh đạo bộ máy điều tra khổng lồ này trong suốt 5 thập niên. Trong quãng thời gian là nhà thực thi pháp luật, J.Edgar luôn được đồng nghiệp tôn kính và nể sợ.
Mối quan hệ với Clyde Tolson
Không chỉ được nhắc tới như một nhân vật quyền lực vào hàng bậc nhất nước Mỹ trong thế kỷ 20, J.Edgar Hoover còn khiến người đời phải bàn tán, dị nghị về mối quan hệ của ông với cấp dưới Clyde Tolson. Theo nhiều nhận định, đằng sau những cánh cửa đóng kín, J.Edgar Hoover đã chôn giấu những bí mật mà nếu bị lộ thì hình ảnh, sự nghiệp và cuộc đời ông sẽ tiêu tan.
Tháng 11 vừa qua, bộ phim “ J. Edgar” nói về cuộc đời của J.Edgar Hoover đã được công chiếu rộng rãi trên toàn nước Mỹ. Trong bộ phim này, vấn đề giới tính của J. Edgar và mối quan hệ đồng tính gây nhiều tranh cãi của ông với người trợ lý đắc lực của mình đã được công khai khiến dư luận khá... choáng váng. Cũng từ chủ đề “đồng tính” xoay quanh nội dung bộ phim, nhiều người đã đặt câu hỏi: Mối quan hệ này thực sự có thực hay chỉ là những hư cấu của nghệ thuật?
Clyde Tolson- sinh năm 1900 và nhỏ hơn J.Edgar Hoover 5 tuổi. Sau khi tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh, Clyde đã vào làm thư ký cho một cơ quan nằm trong Bộ quốc phòng Mỹ. Năm 1927, sau khi nhận được bằng luật tại Đại học Washington, Clyde chính thức được nhận vào làm việc tại Cục điều tra liên bang Mỹ- nơi J.Edgar Hoover đang là giám đốc.
Theo miêu tả, Clyde Tolson là một thanh niên có vẻ đẹp vô cùng cuốn hút. Không những thế, chàng trai này còn có nhiều tài lẻ và là một người rất mẫn cán trong công việc. Cũng không lâu sau khi trở thành nhân viên của FBI, Clyde Tolson đã được cân nhắc về đôn lên vị trí trợ lý cho J.Edgar Hoover. Quyết định đưa Clyde Tolson lên làm trợ lý đã khiến nhân viên của FBI khi đó phải cảm thấy ngỡ ngàng, đơn giản là chưa bao giờ J.Edgar Hoover đánh giá cao năng lực và kinh nghiệm của những người trẻ.
Cũng từ thời điểm đó, tình bạn, tình đồng nghiệp của hai nhân vật này đã trở thành đề tài bàn tán của nhiều người- mặc dù không chính thức. Trong suốt 40 năm làm việc bên nhau, họ đã trở thành một cặp đôi không thể tách rời khi làm việc cùng nhau, ăn cơm cùng nhau, đi nghỉ cùng nhau, thậm chí cũng thường xuyên ăn mặc giống nhau. Đến lúc nhắm mắt xuôi tay, theo nguyện vọng của cả hai, gia đình còn chôn cất J.Edgar Hoover và Clyde Tolson sát với nhau.
Một chi tiết khác liên quan tới giới tính của J.Edgar Hoover là khi Clyde Tolson thông báo anh sẽ kết hôn. Khi nhận được thông tin này, J.Edgar Hoover đá vô cùng tức giận rồi vô cớ mắng té tát Clyde Tolson. Sau đó hai người đã có cuộc tranh luận rát gay gắt trong phòng, tuy nhiên nội dung của cuộc tranh luận là gì thì đến nay không một ai được biết.
Người đàn ông thích mặc quần áo phụ nữ
Thực chất, những lời dị nghị về giới tính cùa người đứng đầu FBI đã được đồn đại từ những năm 30 của thế kỷ trước. Ở thời điểm đó, luật sư của J.Edgar Hoover là Roy Cohn đã dám công khai thân phận thật của mình là một người đồng tính. Theo Roy Cohn nhận xét, J .Edgar Hoover có những xu hướng tình dục khá đặc biệt. “Ông ấy luôn cảm thấy bất an với xu hướng tình dục của bản thân. Có những thứ mà người đời cho rằng bình thường thì ông ấy cũng chẳng dám thử” (?).
Cũng theo luật sư Roy Cohn tiết lộ, ông này đã từng mặc cho J.Edgar Hoover những bộ đồ của phụ nữ và gọi vị giám đốc lừng danh của FBI với tên gọi Mary, “Đây là cái tên mà Hoover rất thích”- Roy Cohn nói. Năm 1993, trong một cuốn sách có tên “Những bí mật về cuộc sống của J.Edgar Hoover” của tác giả có tên là Anthony Summers đã dẫn lời của Susan Rosen Mohamad- vợ một chủ câu lạc bộ đồng tính nổi tiếng của Mỹ khi đó cho biết: “Tôi đã hai lần nhìn thấy J.Edgar Hoover mặc chiếc váy len màu đen với nhiều tua rua xung quanh. Trong những lần đó, ngài giám đốc FBI đều đi giày màu đen và đội mái tóc giả xoăn tít”.
Theo tác già của cuốn sách này, bà Susan Rosen Mohamad là vợ thứ 4 của triệu phú lưỡng tính Annika Rosen Mohamad. Bà này thường tham gia vào câu lạc bộ dành cho người đồng tính của chồng. Thậm chí tác giả Anthony Summers còn tiết lộ rằng, chính trùm ma túy lừng danh Meyer Lansky cũng đã có trong tay một số bức hình đồng tính “nhạy cảm” của người đứng đầu FBI. Chính vì thế sau này, J.Edgar Hoover đã không thể “quét sạch” được mạng lưới xã hội đen do Meyer Lansky cầm đầu.
Trước những thông tin khá nhạy cảm được đưa ra về giới tính của cựu giám đốc FBI, nhiều người đã lên tiếng phản đối lập luận trên. Họ cho rằng, mối quan hệ giữa J.Edgar Hoover và Clyde Tolson cũng như những nghi vấn về giới tính của J.Edgar Hoover không có gì phải tranh cãi. “ Đó là một mối quan hệ đồng nghiệp thân thiết. Những lời dèm pha kiểu đó chỉ có một nguyên nhân là ghen ăn tức ở”- một nhân viên của J.Edgar Hoover đã từng nói như vậy khi nghe thấy cụm từ “đồng tính” dành cho lãnh đạo của mình vào những năm 30 thế kỷ trước.
Theo vị này, J.Edgar Hoover không thể là người đồng tính khi chính ông đã lên tiếng ủng hộ việc đàn áp những người thuộc thế giới thứ 3. Trong cuộc “thanh trừng” này, hàng trăm người đồng tính đã bị cho nghỉ việc tại các cơ quan nhà nước của Mỹ. Thậm chí Hoover là người thực hiện nghiêm ngặt quy định này trong chính cơ quan của mình. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại phản bác rằng sở dĩ vị giám đốc này phải gay gắt như vậy nhằm khẳng định ông không phải là… xăng pha nhớt. “Tôi nghĩ rằng J.Edgar Hoover đã chôn giấu những bí mật nhạy cảm về bản thân mình mà nếu bị lộ thì hình ảnh, sự nghiệp và cuộc đời ông sẽ tiêu tan”- người bạn thân Larry Richey nói.
Khi mọi tranh cãi về giới tính thực sự của giám đốc FBI- J.Edgar Hoover chưa ngã ngũ thì vào ngày 2-5-1972, nhân vật có thế lực nhất nước Mỹ trong gần 50 năm đã chết một cách đột ngột trong phòng ngủ vì bệnh tim mạch.
Người đưa tin