Cả hai đều đổ lỗi cho nhau. Anh thì nói tại ả có bồ, muốn hại chồng để đẩy chồng vào tù cho rảnh đường đi với giai, còn ả thì đổ thừa, tại anh hay đánh vợ, động tí là tệt cho lên bờ xuống ruộng nên mới ra nông nỗi ấy. Chả biết ả giận anh đến thế nào, mà trước khi lên xe về trụ sở Công an còn ngoái lại dằn giọng "Lẽ ra tôi phải hạ thủ anh lâu rồi", mặc cho anh đang nghệt mặt ra với túi bánh, sữa, hoa quả định dúi cho vợ. Các cụ ngày xưa nói cấm có sai, đàn bà, trong trường hợp này, suy cho cùng cũng chỉ là giống "...không qua ngọn cỏ".
Bi kịch vợ trẻ
Người đàn ông năm nay đã 54 tuổi ấy bỏ dở công việc bán bánh mỳ, xôi ở trước cổng trường PN, thất thểu đi bộ đến Công an phường Định Công để trò chuyện với chúng tôi. Nhìn Ngổ, không thấy sự an nhàn, mà chỉ rặt một màu khắc khổ, đúng dáng dấp của một người chỉ quen với lao động. Vợ chồng Ngổ đều là rổ rá cạp lại. Cả hai người đều mất vợ, mất chồng nên nhanh chóng tìm thấy sự cảm thông. Họ lấy nhau năm 2009, có đăng ký kết hôn hẳn hoi. Sau đó hai người rời quê Hải Dương, đưa nhau lên Hà Nội, thuê nhà ở tổ 16 và mưu sinh bằng nghề bán bánh mỳ, xôi trước cổng trường. Anh Ngổ có một người con riêng đã xây dựng gia đình, còn Lịch cũng có một cậu con trai năm nay học lớp 4. Năm 2010, Ngổ dính án ma túy vì cái nợ "mua giúp ma túy cho một thằng bạn" và lĩnh 26 tháng tù giam. "Thời gian em về, nghe hàng xóm kể lại, cô ấy dắt cả giai về nhà ăn ở như vợ chồng. Hết thằng nọ đến thằng kia" - Ngổ nói.
Được cái, biết thân phận mình lấy vợ trẻ (Ngổ hơn vợ 18 tuổi) nên anh này cũng chiều và "thông cảm" cho cái sự chán chồng già của cô vợ trẻ. Tuy chưa bao giờ bắt tận tay, day tận trán nhưng Ngổ đã từng vài lần gặp thẳng cái "thằng giai" đang quấy quả vợ mình để nói chuyện như hai thằng... đàn ông đích thực. Nhưng, tình hình không khả quan hơn là mấy.
"Nó vẫn tiếp tục đi, cứ thậm thà thậm thụt. Có hôm đang ăn cơm với chồng mà nhận điện thoại giai gọi xong là đi không tìm thấy luôn. Gọi thì tắt máy. Đến lúc về em điên quá tát cho mấy phát". Vì "thông cảm" với vợ nên bất luận nguyên nhân gì, Ngổ chỉ táng cho vợ vài phát là hôm sau lại làm lành ngay, thậm chí làm lành ngay sau đó, hai vợ chồng lại vui vẻ như thường, lại hát bài "như chưa từng có những phút lìa xa".
Cuộc sống mưu sinh khó nhọc khiến họ không thể lãng mạn, cũng không quá nặng nề đau khổ việc vợ (hoặc chồng) thay lòng đổi dạ, như những cặp vợ chồng trí thức khác. Với Ngổ, việc vợ mình có ai đó cũng là chuyện bình thường, tát cho vài cái xong là hết chuyện. Nhưng điều khiến anh ta bực nhất ở cái cô vợ đáo để này là từ hồi chồng ra tù đến giờ, việc làm ăn buôn bán, cô ta không minh bạch, không công khai tài chính. Hàng họ bán tới tấp, khách đông như mắc cửi mà cứ mở mồm ra là cô ta nói "không có tiền". Bất cứ từ công to như con voi đến việc nhỏ như con kiến, Ngổ cũng đều phải ngửa tay xin vợ. Họa hoằn lắm cô vợ mới đưa cho một vài trăm, nhưng lúc nào cũng chốt hạ ngay phát đầu tiên: "Làm gì có tiền, tiền đâu mà có".
"Nó cứ leo lẻo nói với em là không có tiền, vậy mà hôm trước, đứa bạn thân của nó nói, nó có 40 triệu gửi trong ngân hàng. Cái con này tính tình ích kỷ, chỉ biết người khác vì nó, chứ nó không bao giờ vì người khác" - người đàn ông lấy vợ trẻ bức xúc.
Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu
Dù với nguyên nhân gì thì cái hành động mua ma túy rồi nhét vào ví chồng, sau đó hò Công an tới bắt, hẳn là một điều không thể chấp nhận giữa những con người với nhau, đừng nói là giữa vợ với chồng. Hẳn cô vợ ấy có điều gì đó hận chồng lắm mới cạn tàu ráo máng đến vậy. Đem thắc mắc này hỏi Ngổ, Ngổ khẳng định chắc như đinh đóng cột: "Tôi chả có lỗi gì cả. Tôi suốt ngày chỉ biết cắm đầu vào làm việc". Theo Ngổ thì nguyên nhân khiến vợ chồng anh ta mâu thuẫn nặng nề nhất đó là vấn đề tiền nong. Mỗi ngày bán một triệu rưỡi tiền hàng mà tối về, tiền thu được không bằng tiền bỏ ra, bực quá, Ngổ đe vợ: "Một hai tuần nữa mà bán không có lãi thì cho về quê".
Ngoài tiền Lịch gửi hằng tháng nuôi con (đang ở với anh trai Lịch) thì Ngổ hỏi bất cứ tiền gì Lịch cũng nói "không có". Từ hôm Lịch bị bắt, con trai Ngổ phải gửi cho anh mấy triệu để có vốn tiếp tục làm hàng bánh mỳ, xôi. "Tôi chả tiêu gì đến tiền, ngoài tiền đổ xăng. Thỉnh thoảng công to việc lớn như đám cưới ở quê thì cô ấy đưa cho tôi 200 nghìn. Nói ra thì xấu hổ, chị bảo về quê đám cưới mà đưa 200 nghìn thì nguyên tiền xe cộ cũng hết" - gương mặt người đàn ông khắc khổ lại méo xệch.
Theo những gì Ngổ kể thì vợ anh này đúng là một người đàn bà đáo để. Chiếc xe máy chị ta đang đi là do con trai riêng của chồng mua cho, nhưng khi xe hỏng, nhất định chị này không chịu lấy tiền chung ra để sửa xe. Ngày nào Ngổ cũng nhận nhiệm vụ đi chợ, vì Lịch còn bận bán hàng, nhưng chưa bao giờ cô vợ này đưa thừa cho chồng một nghìn lẻ. Ví dụ, một cân ruốc 80 nghìn thì nhất định Lịch chỉ đưa cho chồng bằng đấy tiền, không hơn không kém. Khi Ngổ mới ra trại, muốn về quê thắp hương cho cậu em mới mất, Ngổ xin vợ vài trăm về quê, chả ngờ Lịch cương quyết: "Không, làm gì có tiền". Cuối cùng, Ngổ phải bắt xe ôm ra chỗ con dâu xin tiền về quê.
"Nhiều khi tôi thèm rượu, xin 10 nghìn đi mua, cô ấy cũng hét toáng lên: "Không có đâu". Đến bây giờ, sau vài năm chung sống, Ngổ bảo, tài sản của anh là con số không. Cách đây vài tháng, cũng đã một lần, Lịch gọi điện báo Công an tố cáo chồng mình lấy tiền của vợ mang đi hút chích, nhưng khi kiểm tra, kết quả Ngổ âm tính với ma túy.
Anh Ngổ tại Công an phường Định Công
"Đẩy tôi vào tù để dễ bề đi với giai"
Đàn ông, khi đã phải chia sẻ những câu chuyện "kim khâu đá lửa" với những người chưa từng quen biết hẳn cũng là vạn bất đắc dĩ.
- Theo anh thì vì sao cô ấy lại nhét ma túy vào ví của anh?
Để đẩy tôi vào tù và dễ bề sống với thằng bồ kia, sau đó đón thằng con lên trên này nuôi. Kế hoạch ấy tôi biết rồi.
- Liệu có phải do anh "lăn tăn" chuyện tiền nong nên chị ấy bực?
Tiền thì tôi muốn cô ấy minh bạch, lãi lờ bao nhiêu để tôi biết, còn tôi là thằng đàn ông không bao giờ cầm tiền. Đời thuở nhà ai làm từ tết đến giờ mà chả có đồng nào.
- Anh có lấy tiền của vợ đi chơi cờ bạc không?
Bố láo. Tôi mà lấy một đồng nào đánh cờ bạc thì tôi ra đường kép tàu xe. Cô ấy nói như thế là vu khống. Tôi làm vất vả kiếm từng đồng bạc mà nghiện cờ bạc nữa thì làm làm gì, thà tôi ở nhà còn hơn.
- Mâu thuẫn lớn nhất của vợ chồng anh là gì?
Mình và nó hai thế hệ, khác nhau hoàn toàn tính cách. Nhưng tôi nghĩ dạo này cô ấy có tiền nên phởn. Lúc chưa có tiền thì vợ chồng có xảy ra việc gì đâu. Nhưng mấu chốt là mâu thuẫn kinh tế.
- Cảm giác của anh lúc nhìn thấy trong ví mình có ma túy như thế nào?
Tôi kêu lên: Ối giời ơi, tôi sống tử tế mà sao ông trời nỡ hại tôi thế này. Khi đó, tôi nghĩ ai đó "chơi" mình. Lúc tôi biết chính là vợ mình, tôi bàng hoàng, thấy vợ mình dã man quá. May mà cô ấy chưa cho tôi uống thuốc chuột.
- Theo anh thì tiền cô ấy giữ riêng hay cho giai?
Cô ấy giữ riêng chứ giai nào ăn được của cô ấy. Đến anh em ruột còn chả ăn được của cô ấy một xu đừng nói giai ăn được. Cô ấy muốn biến của chung thành của riêng thôi. Cô ấy quá tham chứ không phải tham vừa.
- Lúc Lịch bị bắt, anh có nói gì với cô ấy?
Tôi bảo, thôi cô phải cố gắng, cô làm thì cô phải chịu thôi. Tôi cũng mong cô ấy được tại ngoại vì cô ấy đang mang thai được 3 tuần mà. Nếu phải con tôi thì tôi phải có trách nhiệm. Tôi tin 90% đó là con mình. Còn 10% là của thằng khác.
- Sau này anh có tha thứ cho vợ không?
Bây giờ mình có tuổi rồi, tôi sẽ tha thứ nhưng cô ấy phải thay đổi, biết ăn năn hối lỗi. Nói chung hận thì tôi cũng rất hận, nhưng vị tha thì cũng vị tha. Tôi nằm suốt mấy đêm không ngủ, nghĩ nhiều lắm. Tôi thương cô ấy vì cô ấy không có đường về nhà đâu. Anh trai cô ấy thì dường như từ mặt sau chuyện này, cả nhà cô ấy rất quý tôi. Con trai cô ấy đang ở với người bác, may là cháu chưa biết gì, chứ biết thì nó chết ngất được.
- Có sợ sau này, vẫn ở cùng nhau, sẽ bị hại chết không?
Cũng có nhiều khả năng, nhưng mình phải cảnh giác thôi.
- Sau 3 năm chung sống, anh thấy cô ấy có điểm gì tốt?
Được mỗi cái sức khỏe, chăm chỉ. Còn ăn nói, đối xử với chồng không được nhã nhặn.
- Gần đây nhất, anh đòi tiền cô ấy mang về quê làm gì?
Cách đây mấy tháng, vợ chồng xích mích, tôi tát cô ấy một cái thì cô ấy vớ được viên gạch đập 3 phát vào đầu tôi chảy rất nhiều máu, ướt hết cái áo trắng. Tôi đòi 1 triệu để đi khám xem não có vấn đề gì không, sau đó tôi về quê nghỉ ngơi và có tiêu 1 triệu đó. Ngoài ra thì không bao giờ tôi lấy một đồng nào nữa. Vụ đấy, Lịch ôm chân xin xỏ tôi, khóc lóc, thế rồi mấy hôm sau lại đâu vào đấy. Hôm qua, cô ấy nhắn điều tra viên là xin lỗi tôi. Tôi bảo, được rồi, thứ ba tôi vẫn vào gửi quà cho cô ấy.
15h30' ngày 13-5, Công an phường Định Công nhận được điện thoại của Vũ Thị Lịch, SN 1977, trú tại tổ 16, phường Định Công, cho biết, chồng Lịch là Phạm Văn Ngổ, SN 1959, tàng trữ ma túy trong nhà. Một tổ công tác do Trung tá Nguyễn Văn Hùng, Phó trưởng Công an phường đã đến nhà Lịch, kiểm tra hành chính, đề nghị anh Ngổ xuất trình giấy tạm trú, tạm vắng. Khi anh Ngổ lấy chứng minh nhân dân từ chiếc ví ra cho tổ công tác kiểm tra thì tất cả đều nhìn thấy ngăn ví bên cạnh là 3 gói heroin. Anh này hốt hoảng lắp bắp: "Ba gói này không phải của em". Hơn một tiếng đấu tranh với Lịch, chị ta đã khai nhận: Do mâu thuẫn vợ chồng, hay bị chồng đánh nên Lịch đòi ly hôn nhưng anh Ngổ không chịu, Lịch đã nhờ người mua 3 gói ma túy với giá 300 nghìn rồi nhét vào ví chồng để "dạy cho chồng một bài học". |
Theo Cảnh sát toàn cầu