Theo chị Nguyễn Thị Thường - Điều dưỡng trưởng của khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, bệnh nhân 19 "rất đặc biệt" .
Đây là bệnh nhân mắc COVID-19 nặng nhất, có lúc tưởng chừng không thể qua khỏi. Nhưng đến nay, sau hơn hai tháng từ chỗ thập tử nhất sinh bệnh nhân đang dần bình phục, thậm chí có bước đi đầu tiên dưới sự hỗ trợ của y bác sĩ.
Bệnh nhân thứ 19 là N.T.H, 64 tuổi, bác ruột của bệnh nhân số 17. Bà H. kể khi cháu gái từ Anh về không nghĩ là mắc COVID-19, nên cũng không ai đề phòng. Bà còn là người nấu cơm đưa cháu đi viện.
Khi cháu gái có kết quả dương tính với virus corona thì bà cũng bị sốt và được đưa đi cách ly ngay. Kết quả bà mắc COVID-19. Vào viện mấy ngày đầu, sức khoẻ của bà tốt. Nhưng sau đó tình trạng nặng lên nhanh chóng.
Chiều 15/3, bà có triệu chứng khó thở tăng. Đến 22h cùng ngày, bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp tăng. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ chỉ định chạy ECMO (tim phổi nhân tạo).
Sau khi cai được ECMO, sức khoẻ bà H. tiến triển tốt. Nhưng bất ngờ lúc 1h sáng 8/4, bà H. xuất hiện 3 lần ngừng tuần hoàn, sốc tim. Các bác sĩ nhanh chóng hội chẩn xuyên đêm. 45 lần bóp tim, họ bắt đầu cảm thấy bất lực, nhưng vẫn cố gắng tìm lại sự sống cho bệnh nhân. Đến lần thứ 47, nhịp tim của bà đập trở lại.
Đến nay, bà H. ổn định, có thể tự ăn cơm được. Các con trai tự mang vào cho mẹ. Đây dường như là động lực giúp bà vượt qua bệnh tật, nhanh chóng trở về bên gia đình.
Hàng ngày, các cháu nội ở TP.HCM tíu tít gọi điện hỏi thăm càng khiến bà H. thêm vui.
Anh Ngọc, con trai cả của bà H. chia sẻ, từ khi bệnh của bà nặng, hai anh em từ TP.HCM bay ra Hà Nội để được ở gần chăm sóc, trò chuyện với mẹ.
Khi nghe bác sĩ nói tình trạng của mẹ rất nặng, anh Ngọc chỉ có suy nghĩ duy nhất là bằng mọi giá phải cứu mẹ.
Từ chỗ chỉ nhìn thấy mẹ qua cửa kính của phòng Cấp cứu hồi sức, đến nay anh Ngọc và em trai có thể vào tận giường bệnh chăm sóc cho mẹ. Anh còn có thể trò chuyện với mẹ.
Bệnh nhân số 19 chia sẻ về tình hình của mình: “Tôi đã ăn được cơm rồi, mỗi bữa 1 bát, đã có cảm giác đói, ăn ngon miệng. Tôi thấy mình đã hồi phục được tới 70%, tuy chưa tự bước đi được, vẫn phải có hỗ trợ của các điều dưỡng và người nhà. Tôi còn hơi mệt vì bị bệnh tim ”, bà nhỏ nhẹ chia sẻ khi được hỏi thăm sức về khoẻ hiện tại.
Kể về những gì đã trải qua, bà cho biết, vẫn còn cảm giác rất sợ hãi: “Lúc đó tôi không biết và không nhớ được gì. Khi tỉnh dậy tôi đã rất sợ hãi khi thấy đầy những dây dợ, máy móc xung quanh mình. Sau khi khỏe dần trở lại, giao tiếp được, tôi mới hỏi thăm tình hình của mình qua các điều dưỡng, bác sĩ và biết mình vừa trở về từ tay tử thần. Tôi không bao giờ quên công lao các y, bác sĩ".
BS Mạc Văn Hưng, người điều trị cho bệnh nhân số 19.
Bác sĩ Mạc Duy Hưng, người trực tiếp điều trị bệnh nhân 19 cho biết, có rất nhiều thời điểm bà H. đối mặt với nguy hiểm tính mạng. Lúc chuyển đến khoa Cấp cứu, bệnh nhân bị suy hô hấp nặng, phải thở máy, can thiệp ECMO, sau đó, phải cấp cứu vì ngừng tuần hoàn.
Các bác sĩ cũng rất vất vả, nỗ lực cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bà H. Khi bệnh nhân tim đập trở lại cũng là lúc mọi người kiệt sức, nhưng ai cũng vui vì bệnh nhân thoát được tử thần.
Bệnh nhân số 19 đã có những chuyển biến tích cực và sức khỏe đã hồi phục được 70%.
Thủy Chi (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)