Vào ngày 16/9/2019, một sự việc kinh hoàng đã xảy ra tại trường trung học ở Trung Quốc. Một nam sinh đã ném bạn học của mình từ tầng 4 xuống đất. Sau khi xảy ra sự việc, nam sinh này đã rời khỏi hiện trường và để lại sự sợ hãi và hoảng loạn của tất cả mọi người chứng kiến.
Mặc dù được đưa đi cấp cứu ngay sau đó nhưng do bị mất máu nghiệm trọng nên đến nay cậu bạn bị ném xuống đất vẫn còn đang trong tình trạng nguy kịch. Chị gái nạn nhân cho biết nội tạng đã bị dập, nhiều phần xương bị gãy nát rất nghiêm trọng.
(Ảnh minh họa)
Sau khi điều tra thì cơ quan chức năng đã cho biết nguyên nhân ban đầu là cả hai xảy ra mâu thuẫn trong việc tranh chấp một khu vực trong nhà vệ sinh, dẫn tới sự việc kinh hoàng trên.
Cha mẹ hung thủ cho biết con trai mình dù thân hình to lớn nhưng thường xuyên bị bắt nạt ở trường trong thời gian dài và sự việc hôm đó có thể do bị kích động quá mức.
Nhưng cha nạn nhân lại bức xúc cho rằng việc con trai mình cao 1.59m thì không thể nào bắt nạt được nam sinh cao 1.9m. Ngoài ra, dù có mâu thuẫn như thế nào nhưng hành động đó không thể nào chấp nhận được, đó là giết người.
Sự việc gây ra làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội Trung Quốc. Rất nhiều dân mạng đã lên tiếng chỉ trích nam sinh gây ra vụ việc. Họ cho rằng dù nguyên nhân có như thế nào thì hành động "độc ác" như vậy cũng đáng bị lên án.
Vấn nạn bạo lực học đường ngày càng trầm trọng, nguy hiểm hơn khi những hành động này thường kéo dài và diễn ra hàng ngày, dẫn tới những nạn nhân bị bắt nạt thường có tâm lý bất ổn, ảnh hưởng đến việc phát triển nhân cách sau này.
Vậy làm sao để ngăn chặn bạo lực học đường?
Đối với trẻ em thì cha mẹ nên rèn cho bé hiểu được rằng thế nào là các mối đe dọa trong học đường và nên nói ra sự việc để nhờ sự giúp đỡ từ gia đình, nhà trường. Những hành động cụ thể như sau:
- Phương án 1: Khi bị bắt nạt hãy đứng thẳng, quát to: "Đừng đối xử với tôi/tớ như vậy".
- Phương án 2: Tìm cách thoát khỏi nguy hiểm nhanh nhất có thể, chạy đến nơi an toàn.
- Phương án 3: Tìm kiếm sự giúp đỡ của giáo viên, gia đình hoặc bạn bè mà đứa trẻ có thể tin tưởng.
Thực tế ngày nay cha mẹ thường không có thời gian dành cho con cái và hay càu nhàu mỗi khi con mắc lỗi. Theo thời gian, nó sẽ hình thành suy nghĩ tiêu cực và sống khép kín. Dẫn tới một cuộc xung đột tâm lý mạnh trong tương lai, khi đứa trẻ không biết đâu là nơi an toàn của mình.
Đứa trẻ khi sinh ra và lớn lên đều như một tờ giấy trắng. Việc suy nghĩ và hình thành nhân cách như thế nào thì cha mẹ luôn phải chịu trách nhiệm về điều đó.
Hạ Tú (Theo Tri thức xanh)