Có em khi đưa về vẫn còn thoi thóp thở…
Là một thành viên lâu năm của nhóm Bảo vệ sự sống, cô Nguyễn Thị Lập thật thà bảo, thời gian đầu khi tham gia nhóm, cô không tránh được cảm giác e sợ, ám ảnh.
Quả thật làm công việc này phải những người “cứng vía”. Bởi không phải ai cũng “quen” được với cảnh máu me, với những hình ảnh thương tâm của các hài nhi khi bị đẩy ra khỏi bụng mẹ.
Nhưng đến giờ, khi đã quen với công việc này, bất cứ khi nào vào nghĩa trang, cô Lập cũng cảm thấy ấm áp như về nhà của mình vậy. Đây là “ngôi nhà chung” mà ngày nào cô và bà con trong thôn đều muốn lui tới thăm viếng an ủi linh hồn những hài nhi nhỏ bé.
Hình ảnh mai táng các hài nhi do dân làng ghi lại
Cô Lập xót xa kể: “Các em bốn, năm tháng là thành hình, có tay, có chân đầy đủ, thậm chí phân biệt được trai hay gái rồi. Có em bị tiêm thuốc, người tím đen lại. Có em khi ra phải làm thủ thuật, không còn lành lặn nữa.
Thậm chí có trường hợp em lớn, hôm trước mang về một nửa, hôm sau nửa kia mới được mang nốt về, chúng tôi lại phải ngồi ghép các cháu lại tay, chân, mặt… đầy đủ rồi mới đem khâm liệm, chôn cất.
Đau xót nữa là trường hợp các em bảy, tám tháng, khi về đây vẫn còn nóng hổi, bế trên tay vẫn còn thoi thóp thở, vẫn còn nấc nấc. Nhưng bệnh viện họ đã tiêm thuốc rồi, không cứu được nữa”.
Khuôn viên nghĩa trang dành cho các hài nhi rộng chừng 300 mét vuông, được chia làm hai khu: Một bên là những nấm mộ vô danh, mới được xây cất lại khang trang. Một bên là những nấm mộ có ghi tên tuổi cụ thể và dãy “huyệt chờ” – những hố chôn tập thể đợi mai táng các hài nhi.
Cô Lập cho hay, lúc nào ở đây cũng phải sẵn các huyệt chờ như vậy. Khi nào huyệt đầy các tiểu để hài nhi thì dân làng mới lấp đất, xây cất một thể.
Hầu hết các nấm mộ mộ ở đây là mộ vô danh. Ngay cả người cha, người mẹ cũng không biết con họ được an nghỉ ở đây. Chỉ có một vài trường hợp các em sinh non, hoặc trẻ chết lưu được chính bố mẹ đưa về dây chôn cất là có tên, có bia mộ riêng.
Mỗi cái tên, mỗi tấm bia mộ hiếm hoi ấy cũng đều gợi lại cho cô những kỷ niệm đau buồn: “Có bậc cha mẹ đưa con về đây xong khóc lóc thảm thiết cả ngày trời. Họ xót thương con… hằng năm trời vẫn quay trở lại.
Cũng có những người mẹ trót bỏ con, đoán được đưa về đây chôn cất, nhớ đến ngày mất của con lại tìm đến thắp hương, sám hối. Chẳng biết con mình nằm ở đâu giữa hàng chục vạn hài nhi ở đây, họ chỉ biết khóc và cầu nguyện…”.
“Cái tiếng còn hơn cái tội”
Những người gắn bó với nghĩa trang hài nhi Đồi Cốc kể rằng, ở đây họ đã chứng kiến biết bao ngang trái của cuộc đời liên quan tới những hài nhi bất hạnh.
Có người chồng ép vợ bỏ thai vì cái thai là con gái. Có người mẹ quyết định bỏ con vì thai nhi dị tật… Có những cặp tình nhân yêu đương, lỡ dở để có thai, không dám có trách nhiệm với đứa trẻ, họ âm thầm đưa nhau đi nạo hút.
Cô Nguyễn Thị Lập bên những ngôi mộ rõ tên, tuổi hiếm hoi
Thậm chí, dã man hơn có trường hợp cả bố mẹ đẻ đưa con gái đi phá thai vì sợ ảnh hưởng đến danh dự của cả gia đình.
Bất cứ ai khi đi đến quyết định bỏ đi một thai nhi cũng viện dẫn rất nhiều lý do. Vì hoàn cảnh, vì cuộc sống… song dù với lý do gì đi nữa, thì việc tước đi một sinh mệnh cũng là hành động không thể nào bào chữa được.
Đó là cái “tội” mà chắc chắn, những người cha, người mẹ sẽ phải trả giá lại bằng những nỗi day dứt ân hận trong cuộc đời.
“Gần đây nhất có cháu được bố đem lên đây. Tôi nhớ mãi, chàng trai ấy hãy còn trẻ. Cậu ấy vừa khóc lóc thảm thiết, vừa đau đớn nói trong oán hận: “Chỉ vì một chút danh lợi mà họ ép chúng cháu bỏ đứa trẻ…” – cô Lập ngậm ngùi nhớ lại.
Hỏi ra mới hay, người yêu cậu quê ở Nghệ An, vốn là con một gia đình quyền thế. Hai người yêu nhau nhưng bị gia đình cấm cản vì sợ không môn đăng hộ đối. Quyết đến với nhau, cặp tình nhân trẻ chọn cách “vượt rào” để gây sức ép. Nhưng cuối cùng, bố mẹ người con gái không đồng ý, ép cô phải bỏ cái thai đến cùng…
Cô Lập tâm sự: “Tôi chôn cất cho đứa trẻ vô tội, mà cứ nghĩ mãi, nghĩ mãi đến chảy nước mắt. Giá như con người ta biết tôn trọng sự sống của đứa trẻ, đừng ích kỷ, đừng vì những mục đích riêng tầm thường thì đâu đến nỗi.
Chúng tôi làm công việc này, cũng chỉ mong góp tiếng nói để những bậc làm cha, làm mẹ dù rơi phải hoàn cảnh nào thì cũng xin đừng hủy hoại con mình. Cha mẹ có trót lỡ làng thì hãy cố gắng một chút, cái tiếng còn hơn cái tội…”.
Đó không chỉ là mong mỏi của cô, mà còn là điều mà cả dân làng Đồi Cốc và nhiều người khác luôn trăn trở.
Vietnamnet