Vậy nếu được quay lại thời điểm đó, bạn sẽ nhất quyết không chọn ngành nào?
Kế toán
Ngành kế toán, một trong những ngành học có lượng sinh viên đông đảo lại là cái tên được nhiều người gọi tên trong danh sách “nếu được chọn lại, sẽ tránh xa”. Con đường học hành vốn đã nhiều áp lực, song với ngành kế toán, sinh viên còn phải đối mặt với hàng loạt kỳ thi chứng chỉ như CPA, ACCA…
“Không thi thì không xin được việc, mà thi thì đầu óc lúc nào cũng như sắp nổ tung”, một cựu sinh viên kế toán chia sẻ.
Con đường học hành của ngành kế toán vốn đã nhiều áp lực, sinh viên còn phải đối mặt với hàng loạt kỳ thi chứng chỉ
Kinh tế quốc tế và thương mại
Ngành kinh tế quốc tế và thương mại từng là lựa chọn của không ít học sinh giỏi tiếng Anh giờ đây lại bị xem là “ngành học vạn năng nhưng vô dụng”. Nhiều sinh viên ra trường bối rối khi kỹ năng chuyên môn mờ nhạt, kiến thức trải rộng nhưng thiếu chiều sâu, còn thị trường lao động thì khắt khe đến mức “không biết gửi CV vào đâu”.
Kỹ thuật xây dựng (Xây dựng dân dụng và công nghiệp)
Trong nhóm các ngành học được đánh giá là “đầu vào rực rỡ, đầu ra mờ mịt”, ngành kỹ thuật xây dựng nổi bật với mức độ căng thẳng và đòi hỏi khắt khe. Kỹ thuật xây dựng không chỉ đòi hỏi khả năng tư duy thiết kế mà còn yêu cầu sinh viên tự học phần mềm, làm đồ án xuyên đêm, chi phí học tập cao.
Y học
Với ngành y, sinh viên gần như “mất cả tuổi thanh xuân” trên giảng đường, thực tập viện, và sau khi tốt nghiệp, vẫn phải tiếp tục học lên mới mong có vị trí ổn định.
Một nữ sinh viên năm cuối ngành y cho biết: “Tôi đã quen với việc không có ngày nghỉ, quen với những buổi trực xuyên đêm. Nhưng điều khó chấp nhận là mức thu nhập lại chưa tương xứng với công sức bỏ ra”.
Sinh viên ngành y gần như “mất cả tuổi thanh xuân” trên giảng đường, thực tập viện (Ảnh minh họa)
Luật
Sau 4 năm miệt mài với hàng ngàn trang giáo trình, hàng chục bộ luật, sinh viên mới nhận ra rằng: con đường hành nghề luật không hề trải hoa hồng.
Để trở thành luật sư, thẩm phán, công chứng viên hay kiểm sát viên, sinh viên không chỉ cần tốt nghiệp loại giỏi mà còn phải vượt qua những kỳ thi chuyên môn cực kỳ khắc nghiệt như chứng chỉ hành nghề luật sư, thi công chức ngành tư pháp... Sự cạnh tranh khốc liệt, cơ hội nghề nghiệp hạn chế, thu nhập giai đoạn đầu thấp khiến nhiều người buộc phải “rẽ lối”, làm trái ngành.
Kiến trúc
Kiến trúc là ngành học pha trộn giữa kỹ thuật và nghệ thuật, đòi hỏi sự sáng tạo cao. Nhưng phía sau hình ảnh lãng mạn ấy là những đêm thức trắng vì đồ án, những lần “vẽ đến gãy tay” chỉ để đổi lấy vài lời nhận xét “thiếu chiều sâu”.
Ngoài ra, sinh viên ngành Kiến trúc còn phải tự học thêm phần mềm thiết kế, kỹ năng dựng mô hình, kỹ thuật trình bày - những điều mà chương trình đào tạo đôi khi chỉ “điểm qua”. Công việc sau tốt nghiệp cũng không hề dễ thở: làm việc ở công ty thiết kế thì thường xuyên tăng ca; làm freelance thì bấp bênh; mở văn phòng riêng thì đòi hỏi vốn và mối quan hệ.
Giáo dục mầm non
Nghề giáo viên mầm non thường bị hiểu nhầm là “nhẹ nhàng, chơi với trẻ”. Nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại. Sinh viên ngành Giáo dục Mầm non không chỉ học lý thuyết sư phạm mà còn phải thành thạo cả: đàn, hát, múa, vẽ, kể chuyện, làm đồ chơi, tâm lý trẻ em, sơ cứu y tế cơ bản... Một kỳ thi cuối kỳ có thể giống như một buổi... thi văn nghệ cấp quốc gia.
Ra trường, công việc còn áp lực hơn: chăm sóc từ miếng ăn đến giấc ngủ của trẻ, xử lý hàng chục tình huống mỗi ngày, vừa làm cô giáo, vừa làm “bảo mẫu”, vừa là “tâm lý gia”. Trong khi đó, mức lương tại các cơ sở tư thục hoặc ngoài công lập thường thấp, phúc lợi không ổn định, thời gian làm việc kéo dài.
Quản trị du lịch
Quản trị Du lịch từng là ngành “hot” trong bối cảnh hội nhập, khi nhu cầu du lịch nội địa và quốc tế tăng cao. Tuy nhiên, sau cú sốc của đại dịch COVID-19 và biến động kinh tế, ngành này trở nên đầy bấp bênh.
(Ảnh minh họa)
Ngay cả trước khi dịch xảy ra, sinh viên ngành Du lịch cũng thường xuyên “than trời” vì học chương trình nặng kỹ năng mềm, ít chuyên môn sâu. Ra trường, họ thường bắt đầu từ những công việc như lễ tân khách sạn, hướng dẫn viên, điều hành tour – công việc không ổn định, thời gian làm việc thất thường, chịu áp lực phục vụ cao.
Quản trị kinh doanh
Ngành học dành cho các CEO tương lai” – đó là cách Quản trị Kinh doanh thường được quảng bá. Tuy nhiên, thực tế là sinh viên QTKD học trải dài từ marketing, tài chính, nhân sự đến logistics, chiến lược doanh nghiệp... Kết quả là sau khi tốt nghiệp, nhiều người rơi vào trạng thái mơ hồ: mình nên làm gì?
Không ít sinh viên sau 4 năm học hành lại phải quay lại “học nghề” từ đầu – học thêm về sales, kỹ năng số, hoặc đơn giản là thi công chức. Trong mắt nhiều nhà tuyển dụng, tấm bằng QTKD “không có gì nổi bật” nếu người sở hữu không có thêm chứng chỉ hoặc kinh nghiệm thực tế.
Truyền thông đa phương tiện (New Media)
Ngành truyền thông đa phương tiện, từng hấp dẫn nhờ sự năng động, sáng tạo, nay lại trở thành nỗi ám ảnh với lịch làm việc không giờ giấc, yêu cầu “đa nhiệm” mọi kỹ năng từ viết content, chụp ảnh, quay dựng, cho đến thiết kế đồ họa. “Không có cuối tuần, không có giờ hành chính – chỉ có ‘làm lại nhé’ từ sếp,” một nhân viên mới vào nghề chia sẻ.
* Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo
Dương Huyền (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)