Mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM đã có báo cáo về tình hình thực hiện dự án đường Võ Văn Kiệt nối dài. Theo đó, TP.HCM dự kiến sẽ kéo dài đường Võ Văn Kiệt thêm 14,6km, từ Quốc lộ 1 đến ranh giới tỉnh Long An nhằm tăng cường kết nối liên vùng giữa TP.HCM với Long An. Điểm đầu tuyến giao cầu vượt quốc lộ 1 trên đường Võ Văn Kiệt, huyện Bình Chánh; điểm cuối tại ranh tỉnh Long An - trùng với điểm đầu dự án ĐT.823D.
Ngày 12/12/2024 của UBND Tp.HCM, Sở Xây dựng được giao nhiệm vụ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư cho dự án này. Dự án nằm trong chiến lược phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2026–2030 với mục tiêu kết nối hiệu quả TP.HCM với tỉnh Long An và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông sẽ là đơn vị phối hợp và là chủ đầu tư dự kiến.
Theo thiết kế, tuyến đường được thiết kế với vận tốc tối đa 80km/h dành cho làn xe cơ giới và 60km/h dành cho làn xe hỗn hợp. (Ảnh minh họa)
Dự kiến, dự án tuyến đường Võ Văn Kiệt nối dài từ Quốc lộ 1 đến tỉnh Long An với chiều dài khoảng 14,6km với độ rộng 60m, có tổng mức đầu tư khoảng 19.400 tỷ đồng; có điểm đầu tại nút giao với cầu vượt Quốc lộ trên đường Võ Văn Kiệt hiện hữu, điểm cuối là ranh giới giữa TP. HCM và tỉnh Long An, thuộc địa bàn xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh.
Tuyến đường sẽ được chia làm 3 đoạn gồm:
- Đoạn 1 dài 2,7km có điểm đầu giao với Quốc lộ 1 đến đường Tân Tạo - Chợ Đệm.
- Đoạn 2 có chiều dài 6,6km kéo dài từ điểm giao với đường Tân Tạo - Chợ Đệm đến đường Vành đai 3 TP. HCM, bao gồm cả nút giao khác mức, được thiết kế gồm cầu vượt, hầm chui và các nhánh rẽ với quy mô phù hợp với trục chính.
- Đoạn 3 có chiều dài 5,3km từ Vành đai 3 đến ranh giới tỉnh Long An.
Theo thiết kế, tuyến đường được thiết kế với vận tốc tối đa 80km/h dành cho làn xe cơ giới và 60km/h dành cho làn xe hỗn hợp.
Một góc TP.HCM hiện tại.
Đáng nói, trên tuyến đường này, TP.HCM sẽ tiến hành xây dựng tổng cộng 6 cây cầu vượt sông gồm: Cầu Cái Trung và cầu Hưng Nhơn thuộc đoạn 1; cầu Láng Le Bàu Cò và cầu Kênh A thuộc đoạn 2; cầu qua kênh An Hạ - Xáng An Hạ và một cầu khác qua Kênh A thuộc đoạn 3.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 19.400 tỷ đồng, trong đó khoảng 12.875 tỷ đồng là chi phí giải phóng mặt bằng, 3.769 tỷ đồng chi phí xây dựng và phần còn lại là chi phí dự phòng, tư vấn và quản lý dự án.
Sở Xây dựng TP. HCM hiện đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án.
Sau khi cấp thẩm quyền phê duyệt, dự án sẽ được triển khai và thực hiện trong giai đoạn từ năm 2026-2030.
Một góc tỉnh Long An hiện tại.
Tỉnh Long An lọt danh sách 5 tỉnh giàu nhất miền Tây vào năm 2022. Thu ngân sách năm 2023 của tỉnh Long An đạt ngưỡng 21.000 tỷ đồng và thu hút đầu tư trong và ngoài nước trên địa bàn đều tăng so với cùng kỳ. Theo quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ xây mới 2 tuyến đường sắt đô thị, nâng cấp 53 tuyến đường tỉnh.
Trong khi đó, theo Cục Thống kê TP. HCM, kinh tế thành phố năm 2024 tiếp tục duy trì đà phục hồi ổn định. TP. HCM dẫn đầu cả nước với GRDP năm 2024 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 1,17 triệu tỷ đồng, tăng 7,17%, tương đương 1,78 triệu tỷ đồng theo giá hiện hành.
H.Anh (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)