Vợ chồng Sùng Văn Chiến, Tráng Thị Súa cùng 3 đứa con. Ảnh: Tùng Lâm
Lấy vợ, sinh một đàn con nhưng chỉ ham đá bóng, bẫy chim...
Cả thôn Cư Tê có 185 hộ, 1.064 khẩu với gần 100% là đồng bào Mông. Ngoài việc đẻ nhiều, đẻ dày thì tình trạng tảo hôn của những cặp vợ chồng trẻ con ở đây khá phổ biến.
Vợ chồng Sùng Văn Chiến và Tráng Thị Súa lấy nhau khi Chiến 17 tuổi còn Súa chưa đầy 14 tuổi. Căn nhà lồ ô hơn 10m2 phải che thêm bạt nilon để tránh mưa, tránh nắng. Lấy nhau 4 năm thì 3 đứa con lần lượt ra đời, mỗi đứa cách nhau 1 năm.
Không đất sản xuất nên Chiến phải đi làm thuê lấy tiền mua gạo, Súa chẳng biết làm gì ngoài việc trông con. Chiến tâm sự: “Cha mẹ hai bên đều nghèo. Mình lấy vợ rồi ra ở riêng khi chưa có nhà, không có đất sản xuất. Hơn 3 năm đi làm thuê mới dành dụm được ít tiền mua mảnh đất dựng tạm căn nhà nhỏ để ở. Việc ít nên nhiều hôm không có tiền mua gạo, phải cho lũ trẻ ăn sắn thay cơm. Mong ước của mình làm sao có được mấy sào đất trồng bắp, trồng sắn để nuôi vợ, nuôi con”. Nhưng khi được hỏi “Vất vả thế sao còn cố sinh nhiều con?” thì ông bố trẻ này chỉ biết... gãi đầu!
Ma Văn Sự lấy vợ khi vừa tròn 16 tuổi. Đứa con đầu lòng ra đời được hơn 2 năm thì vợ bỏ đi khỏi nhà. Sự đưa con trai từ huyện Vị Xuyên (Hà Giang) vào định cư tại thôn Cư Tê. Tại đây, Sự quen và lấy Giàng Thị Dợ (lúc đó Dợ mới 13 tuổi). Đến nay, vợ chồng Sự và Dợ đã có với nhau 4 đứa con chung (đứa đầu 5 tuổi, đứa thứ tư mới được hơn 4 tháng) trong khi Dợ mới bước sang tuổi 18. Gia đình Sự thuộc diện đặc biệt khó khăn. Căn nhà tranh dựng tạm trên mảnh đất mượn của người anh rể. Tài sản không có gì ngoài chiếc giường tre. Hai vợ chồng và 5 đứa con nhưng chỉ có hơn 7 sào đất trồng bắp và trồng sắn; 5 đứa con gầy gò, xanh xao vì thiếu ăn.
Hàng ngày, Sự đưa 3 đứa con nhỏ sang căn lều nhỏ bên rẫy vừa trông con, vừa làm đất, có ai thuê việc gì thì đi làm. Khi hỏi đến việc học hành và tương lai của 5 đứa con, Sự không trả lời câu hỏi mà giãi bày những khó khăn: “Năm 2014, thôn xét đề nghị cấp trên hỗ trợ làm nhà 167 nhưng gia đình không có đất để làm. Nhà chỉ có một ít đất triền đồi nên sắn và bắp xấu lắm. Trời nắng hạn thế này chắc sẽ bị mất mùa. Chỉ có một mình đi làm nên hàng năm thiếu ăn gần 6 tháng, phải nhờ đến sự hỗ trợ của cấp trên. Mấy đứa con thường xuyên bị đau ốm mà không có tiền mua thuốc”.
Cách nhà Sự mấy bước chân là cặp vợ chồng Tráng Seo Lềnh và Thào Thị Vương. Tráng Seo Lềnh 17 tuổi, Thào Thị Vương đến nay mới bước sang tuổi 15. Lứa tuổi đáng ra còn cắp sách đến trường với biết bao hoài bão và dự định cho tương lai. Nhưng giờ đây vợ chồng “trẻ con” đã có 1 con trai được 9 tháng tuổi.
Do không biết cách chăm sóc nên đứa con bị bệnh viêm phế quản. Lềnh suốt ngày đi đá bóng, bẫy chim hoặc vào rừng lấy mật ong, Vương chẳng biết làm gì ngoài việc địu con đi chơi cùng với những đứa trẻ trong xóm. Vương thật thà: “Do chưa có kinh nghiệm nuôi con nên mọi việc đều nhờ mẹ chồng chăm sóc. Sức khỏe yếu, chưa thạo nhiều công việc nên em chỉ ở nhà, chủ yếu chăm con, nấu cơm”.
Gập ghềnh con đường truyền thông
Mới 18 tuổi nhưng Giàng Thị Dợ đã là mẹ của 4 đứa con. Ảnh: Tùng Lâm
Trên đây chỉ là một vài trường hợp trong số hàng chục gia đình “trẻ con” ở thôn Cư Tê. Hầu hết họ đều không đi học hoặc chỉ học hết tiểu học rồi bỏ. Tất cả đều ít hiểu biết về pháp luật, thiếu kinh nghiệm sống. Những gia đình này gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là sức khỏe, kinh tế. Những đứa con của họ sinh ra đa số bị suy dinh dưỡng, ốm đau, lớn lên rất dễ bị thất học.
Trong thời gian qua, đặc biệt từ khi triển khai mô hình can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống (từ tháng 10/2009), công tác tuyên truyền, tư vấn để người dân hiểu được hậu quả của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống đã được ngành DS-KHHGĐ Đắk Lắk tích cực đẩy mạnh với nhiều hình thức như: Họp tổ, họp nhóm; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép với các ban, ngành, đoàn thể trong các cuộc họp…
Các cán bộ, cộng tác viên dân số cơ sở miệt mài tìm đến mỗi ngôi nhà, lên từng nương rẫy để truyền thông cho bà con tác hại của tảo hôn. Tuy nhiên, con đường này vẫn còn khá gập ghềnh vì những quan niệm chưa thể thay đổi trong một sớm một chiều của người dân.
Theo ông Nguyễn Trung Thành- Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Đắk Lắk, để đẩy lùi tình trạng tảo hôn ở Cư Tê nói riêng và toàn tỉnh nói chung thì biện pháp quan trọng là phải đưa công tác giáo dục giới tính vào trong trường học. Đồng thời cần sự chung sức của cộng đồng, đặc biệt là các bậc làm cha, làm mẹ trong việc giáo dục giới tính cho con em mình.
Ông Trung Thành cho biết thêm: “Thời gian tới, ngành DS- KHHGĐ sẽ kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền chống tảo hôn, kết hôn cận huyết trong nhà trường với những hình thức sinh động, dễ hiểu nhất... ”. Đây có lẽ là một trong những giải pháp mang tính chất lâu dài cần làm ngay để ngăn chặn hủ tục này tại Đắk Lắk.
giadinh.net.vn