Trong Thông tư 26/2025/TT-BYT vừa được Bộ Y tế ban hành. Lộ trình áp dụng là từ ngày 1/10/2025 đối với tất cả bệnh viện, và từ ngày 1/1/2026 đối với các cơ sở khám chữa bệnh khác.
Việc chuyển đổi sang kê đơn thuốc điện tử được đánh giá sẽ mang lại ba lợi ích thiết thực cho người dân.
Ngăn chặn lạm dụng thuốc, minh bạch hóa quá trình kê đơn
Lợi ích lớn nhất của việc kê đơn thuốc điện tử là giúp ngăn chặn tình trạng lạm dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh. BS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lí Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết việc áp dụng kê đơn điện tử là một bước tiến lớn nhằm minh bạch hóa và kiểm soát hiệu quả quá trình kê đơn, sử dụng thuốc.
Khi hệ thống kê đơn điện tử được kết nối với hệ thống bán thuốc, mọi giao dịch mua thuốc theo đơn đều được giám sát chặt chẽ.
Từ ngày 1/10/2025, tất cả các bệnh viện trên cả nước bắt buộc phải thực hiện kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử (Ảnh minh hoạ)
“Đơn thuốc được kê đến đâu, thuốc được bán ra sao, có đúng với chỉ định hay không – tất cả đều có thể theo dõi được qua hệ thống. Đây là giải pháp then chốt để ngăn chặn tình trạng bán thuốc không theo đơn, lạm dụng thuốc”, ông Dương nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện Cục Quản lí Khám, chữa bệnh, sự kết nối này còn giúp phát hiện kịp thời những đơn thuốc bất thường và các trường hợp bán thuốc sai quy định.
Tiết kiệm thời gian, đơn giản hóa thủ tục
Thứ hai, quy định mới giúp người dân tiết kiệm thời gian khi đi khám chữa bệnh. Thông tư 26 yêu cầu tích hợp số định danh cá nhân vào đơn thuốc, một bước tiến nhằm đồng bộ dữ liệu y tế với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo ông Dương, khi người bệnh sử dụng số định danh cá nhân, các thông tin như họ tên, ngày sinh, giới tính, địa chỉ sẽ được hệ thống tự động hiển thị. Điều này giúp giảm thời gian kê đơn, hạn chế sai sót và tăng tính chính xác trong quản lý hồ sơ bệnh án.
Dễ dàng tra cứu, hướng tới hồ sơ sức khỏe điện tử
(Ảnh minh hoạ)
Lợi ích thứ ba là sự tiện lợi trong việc tra cứu thông tin. Đơn thuốc điện tử sẽ có tích hợp mã QR, cho phép người bệnh dễ dàng tra cứu thông tin về thuốc, liều dùng, hướng dẫn sử dụng và xem lại lịch sử điều trị. Điều này không chỉ giúp bệnh nhân chủ động hơn mà còn tăng độ an toàn khi dùng thuốc.
Đây cũng là nền tảng cho một mục tiêu xa hơn. “Về lâu dài, khi dữ liệu được đồng bộ hóa, đây sẽ là nền tảng để xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử thống nhất, phục vụ chăm sóc sức khỏe liên tục và toàn diện cho người dân”, ông Dương nhận định.
Để đảm bảo quy định được triển khai đồng bộ và hiệu quả, Bộ Y tế cho biết sẽ tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, cập nhật phần mềm và hướng dẫn chi tiết cho các đơn vị y tế trên toàn quốc. Thông tư 26/2025/TT-BYT được đánh giá là dấu mốc quan trọng trong quá trình chuyển đổi số và quản lý thuốc thông minh, hứa hẹn mang lại lợi ích thiết thực cho cả người bệnh và hệ thống y tế Việt Nam.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)